Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng Thứ Bảy ngày 22/01/2022.
****************************
CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
“THÍCH CA MÂU NI PHẬT RẤT XEM TRỌNG TRÌ DANH NIỆM PHẬT”
Phương pháp niệm Phật có bốn cách:
⮚ Cách thứ nhất là thực tướng niệm Phật. Cách “thực tướng niệm Phật” là đi vào tánh niệm Phật. Cách này cao quá nên chúng ta không làm được.
⮚ Cách thứ hai là quán tưởng niệm Phật. Cách thứ ba là quán tượng niệm Phật. Phương pháp “quán tưởng niệm Phật” hay “quán tượng niệm Phật” là vừa niệm Phật vừa nhìn thấy vị Phật A Di Đà thân tướng trang nghiêm, hoặc nhìn vào hình tượng của Ngài để mà niệm. Hai phương pháp này tương đối khó hơn.
⮚ Cách thứ tư là trì danh niệm Phật: Các Tổ Sư Đại Đức đều khuyên chúng ta chọn cách “trì danh niệm Phật”. Hàng ngày ta khởi tâm niệm Phật, miệng niệm, tai lắng nghe, đó chính là “trì danh niệm Phật”.
Vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật rất xem trọng “trì danh niệm Phật”? Chúng ta tụng “Kinh A Di Đà”. Trong “Kinh A Di Đà”, Đức Phật dạy pháp “trì danh niệm Phật”: “Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu: nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật, nhược tứ nhật, nhược ngũ nhật, nhược lục nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn. Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền. Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sinh A Di Đà Phật Cực Lạc Quốc độ”. Nếu lúc lâm chung, chúng sinh nào phát tâm niệm Phật từ một ngày đến bảy ngày mà nhất tâm, tâm không điên đảo, không tán loạn thì Phật A Di Đà cùng Thánh chúng sẽ đích thân đến tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc.
Trên “Kinh A Di Đà”, Thích Ca Mâu Ni Phật đã cực lực đề xướng phương pháp “trì danh niệm Phật”. Phương pháp niệm Phật có bốn cách nhưng cách dễ niệm nhất là “trì danh niệm Phật”, giữ chặt câu niệm Phật. Trong bài học này, Hòa Thượng rất từ bi nói cho chúng ta biết rõ các Kinh của Tịnh Độ và các phương pháp niệm Phật để chúng ta chọn lấy cách niệm Phật phù hợp với căn tánh của chúng ta. Chúng ta không nên vội nghe theo người khác dạy cách niệm Phật vì như vậy là không đúng.
Hôm qua có một người gọi điện cho tôi. Trước đây người này cũng từng nghe tôi giảng, từng học theo tôi. Nhưng một năm qua, người này tự cho mình là người thông minh, đi nơi khác cầu học nhưng càng đi càng thấy tâm không an, cuối cùng lại quay lại tìm tôi. Trước đây tôi đã khuyên anh ấy về quê chăm sóc Mẹ già vì Mẹ đang bệnh nhưng anh ấy không nghe theo, lại đi cầu học để mang về một đống phiền não. Người dẫn đạo cho anh là một Sa Di tập sự, hướng dẫn anh ấy phải “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, không cần học “Đệ Tử Quy”, không cần học chuẩn mực làm người, không cần học văn hóa truyền thống. Vậy mà anh ấy đi theo họ đến một năm. Anh ấy cũng dẫn chúng, cũng làm Thầy. Đúng là quá dại khờ! Nhưng số người dại khờ như vậy rất nhiều.
Hòa Thượng hơn 60 năm tu hành, giảng Kinh thuyết pháp, cả một đời “dĩ thân diễn giáo, dĩ thân tác giáo”, lấy thân mình làm gương, lấy thân mình diễn ra pháp, vậy mà chúng ta không nghe theo. Khắp nơi người ta cũng đề xướng “một môn thâm nhập”, một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng. Điều này đúng, không sai! Trong tâm ta chỉ có một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng. Ta làm rất nhiều việc lợi ích chúng sinh nhưng không lưu lại trong tâm. Ta không thấy, không nhớ, không lưu lại. Đó mới là “nhất môn thâm nhập”. “Nhất môn thâm nhập” không phải là bỏ tất cả, không phải là bỏ con cái, bỏ gia đình, bỏ công ăn việc làm, Cha Mẹ cũng không phụng thờ. Nếu buông bỏ như vậy thì sai hoàn toàn.
Hòa Thượng nói: “Cho dù ngày mai chết, hôm nay còn sống thì hôm nay chúng ta vẫn phải tận lực vì chúng sinh”. Việc cần làm vẫn làm, tâm ta vẫn niệm Phật thì không có gì chướng ngại. Nhưng hiện tại vẫn còn rất nhiều người quan niệm cần phải bỏ tất cả, bỏ công ăn việc làm, không thực hiện nhưng bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.