Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 18/01 /2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 768
“PHÁP MÔN NHẤT ĐỊNH PHẢI CHỌN LỰA!”
Trong Phật pháp, Phật nói ra rất nhiều pháp môn, cũng như đưa ra nhiều phương thuốc khác nhau để trị bệnh. Chúng sanh có rất nhiều căn tánh, Phật phải nói ra những pháp tương ứng với căn tánh của chúng sanh. Người sau tổng hợp lại thành Kinh điển. Chúng ta cách Phật khá xa, chúng ta phải chọn lựa pháp môn nhưng không dễ gì chọn đúng, đôi khi chính chúng ta không lựa chọn đúng cho nên chúng ta phải nhờ vào sự lựa chọn của người xưa. Những người có căn tánh, phước đức rất sâu dày mới may mắn gặp được pháp môn.
Không có pháp môn cao thấp, không có pháp môn hay dở. Tất cả các pháp của Phật đều là pháp viên mãn tròn đầy. Chỉ là căn tánh của chúng ta có sâu, có cạn, có nhanh, có chậm cho nên tu tập thành tựu có sự khác biệt. Sự khác biệt là ở nơi mỗi chúng ta, không phải ở nơi pháp. Trong một lớp học, mỗi học trò có một mức độ tiếp thu khác nhau. Có học trò không tiếp thu, không nghe lời Thầy giáo, không ngoan. Có học trò thì thật học, thật làm.
Hòa Thượng nói: “Phật nói ra vô lượng pháp môn, không phải là bảo chúng ta phải học hết những pháp đó. Phật nói nhiều pháp như vậy để thích ứng với những căn tánh khác nhau của chúng sinh. Phật ứng cơ nói pháp, tùy theo căn tánh của chúng sinh mà nói. Chúng sanh căn tánh ngàn vạn khác biệt cho nên Phật nói ngàn vạn pháp môn khác biệt. Cho nên chúng ta nhất định phải chọn lựa pháp môn! Khi Phật còn tại thế, chúng ta không cần chọn lựa pháp môn, chúng ta đến thỉnh giáo Ngài thì Ngài nói cho chúng ta nghe”.
Chúng ta đi khám bác sĩ, tuy hai người có bệnh giống nhau nhưng do cơ địa khác nhau, có người bị bệnh dạ dày, có người không bị bệnh dạy dày nên bác sĩ kê đơn thuốc khác nhau. Nếu bệnh nhân uống nhầm thuốc, nhẹ thì bệnh không khỏi, nặng thì dẫn đến mất mạng. Đối với pháp môn cũng vậy, nếu chọn sai pháp thì chúng ta tu cả đời không có thành tựu, không có thành tựu thì đọa lạc. Cho nên chọn pháp môn vô cùng quan trọng, quan trọng hơn cả việc chúng ta chọn nghề hay chọn môn học. Nghề nghiệp hay môn học chỉ là để mưu sinh. Pháp môn quyết định một đời có an lạc hay không, quyết định sự chuyển tiếp của đời sau để có sự thăng hoa hơn, nâng cao hơn cho nên chúng ta không thể tùy tiện lựa chọn pháp môn.
Nhiều người rất tùy tiện, thấy có rất nhiều người làm liền bắt chước làm theo. Cùng đi trên một chuyến xe, vừa nghe người ta nói ở nơi nào đó có Quán Thế Âm Bồ Tát hiển linh, có người phụ họa theo thì họ liền tin ngay, muốn đến địa danh đó để xưng niệm, bái lạy Quán Thế Âm Bồ Tát. Người ta không tu tập. Trong cách nói của họ tràn đầy tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn. Điều này ít người nhận ra.
Trước đây, có một người hỏi tôi: “Thưa Thầy, con đã quy y sáu lần rồi. Bây giờ con quy y thêm lần nữa có được không?”. Lúc đó tôi có một người bạn chuyên in tờ điệp quy y. Anh ấy nói anh ấy vừa in 40.000 tờ điệp quy y. Họ quy y với một người vừa đến từ nước ngoài. Tôi trả lời cô ấy: “Cũng tốt!”. Ý của tôi là biết đâu lần quy y thứ bảy này cô ấy sẽ tốt hơn. Tôi chỉ biết hi vọng như vậy chứ không biết nói thế nào. Nếu tôi nói “cô hết thuốc chữa rồi!” thì tự nhiên kết oan gia với người ta.
Chúng ta thử nghĩ xem: Hai bác sĩ đưa ra hai phương thuốc khác nhau, sáu bác sĩ đưa ra sáu phương thuốc khác nhau. Nếu bệnh nhân uống theo cả sáu đơn thuốc đó thì chắc chắn sẽ què quặt. Sáu vị Thầy có sáu pháp môn khác nhau, có người tu Thiền, có người tu Mật, có người tu Bát Nhã, có người tu “Kinh Pháp Hoa”, có người tu “Kim Cang Đại Định”, có người tu Tiểu Thừa, có người tu Đại Thừa... Người theo học cả sáu, bảy vị Thầy thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối, không biết phải đi đâu về đâu.
Hòa Thượng nói: “Hiện tại Phật không còn ở đời, chỉ lưu lại những Kinh điển năm xưa Ngài đã vì người khai thị. Chúng ta tiếp nhận, xem qua những Kinh điển này để xem pháp nào có thể đối trị tâm bệnh của chúng ta. Pháp có thể đối trị tâm bệnh của chúng ta chính là diệu pháp. Chúng ta chọn được pháp đối trị tâm bệnh của mình thì mới có lợi ích”. Thuốc đối trị được bệnh mới là diệu phương. Nhưng thuốc hữu hiệu với người này mà không hữu hiệu với người khác.