250Thứ Hai, 17/01/2022, 08:18
767 · Phật Độ Người Có Duyên, Vậy Ai Là Người Có Duyên

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 17/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 767

“PHẬT ĐỘ NGƯỜI CÓ DUYÊN, VẬY AI LÀ NGƯỜI CÓ DUYÊN?”

Phật độ người có duyên. Chúng ta tự quán sát xem: Ai là người có duyên? Chúng ta tự hỏi xem: Mình có phải là người có duyên hay không? Nếu có duyên thì đã được độ, nếu được độ thì đã có thành tựu, đã được giải thoát, có sự an lạc. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật nói: “Chúng sanh thời Mạt Pháp bất hiếu Cha Mẹ, bất kính Tam Bảo, không làm việc thiện, chuyên làm việc ác”. Đây là sự nhắc thức của Phật. Chúng ta thấy phàm phu nghiệp chướng, hướng đến những điều tốt, những điều thiện lành thì rất khó, hướng đến những điều bất thiện, những điều ô nhiễm thì rất dễ dàng.

Tổ Sư Đại Đức nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là phàm phu ít tu, phước mỏng, nghiệp dày. Chúng ta đừng nghĩ rằng mình là người có tu, đừng nghĩ rằng mình đã tu được nhiều phước lành! Thật ra, đối với phước báu trong vận mạng của chúng ta, chúng ta tích góp thì ít, tiêu sài hao phí thì rất nhiều. Giống như gửi tiền ngân hàng, chúng ta gửi tiền vào ngân hàng thì ít nhưng rút tiền ra thì nhiều. Hòa Thượng nói: “Lớp trẻ ngày nay có nhiều thẻ tín dụng ngân hàng, tiêu trước trả sau”.

Một hạt cơm, một cọng rau đều là ân đức của người. Nếu chúng ta không cẩn trọng, nếu chúng ta tùy tiện thì chúng ta hoang phí rất nhiều. Tôi trồng rau nên tôi thấu hiểu điều này. Mặc dù tôi ứng dụng công nghệ để trồng trọt canh tác nhưng để có được một cây rau không hề đơn giản. Khi nhặt rau, người ta vứt bỏ lá vàng nhưng tôi ăn cả lá vàng. Nhưng khi tặng rau cho người khác thì tôi luôn chọn rau tươi ngon để tặng.

Người xưa nói: “Vô công bất hưởng lộc”. Đây là đạo lý tích phước. Hòa Thượng nói: “Phật độ người có duyên. Ai là người có duyên? Phật pháp đề xướng hiếu đạo. Phật pháp đề xướng sư đạo. Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, tôn sư trọng đạo. Phật pháp từ hiếu đạo và sư đạo mà bắt đầu, từ nơi này mà viên mãn. Người có duyên chính là người bắt đầu từ hiếu thuận Cha Mẹ, kính trọng Thầy Cô. Mãi đến quả vị Phật thì sự hành hiếu này mới viên mãn. Bồ Tát hành hiếu chưa viên mãn”.

Chúng ta đề xướng hiếu đạo và sư đạo, vậy mà họ cho đó là xen tạp. Họ cực lực bài xích chúng ta, thậm chí còn cho rằng đề xướng hiếu đạo là Nho Gia của Trung Quốc. Chúng ta thử nghĩ xem: Hai – ba ngàn năm trước, Cha Mẹ có muốn con cái hiếu thảo không? Hai – ba ngàn năm sau, Cha Mẹ có muốn con cái hiếu thảo không? Hai – ba ngàn năm trước, Thầy Cô có muốn học trò công thành danh toại, biết hiếu kính Thầy Cô không? Hai – ba ngàn năm sau, Thầy Cô có muốn học trò công thành danh toại, biết hiếu kính Thầy Cô không?

Phật pháp bắt đầu từ hiếu đạo và sư đạo, từ lúc bắt đầu đến lúc viên mãn đều bắt đầu từ đây. Hiếu thuận Cha Mẹ của mình chỉ là việc nhỏ, dần dần chúng ta phải mở rộng tâm lượng, nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là Cha Mẹ. Ban đầu chúng ta chỉ hiếu thuận với Cha Mẹ của mình, sau đó chúng ta hiếu thuận với tất cả chúng sanh. Ban đầu chúng ta chỉ tôn kính Thầy Cô của mình, sau đó chúng ta tôn kính tất cả Thầy Cô.  

Hòa Thượng nói: “Thiện Tài Đồng Tử đi tham vấn tất cả các ngành nghề, trong đó có cả vũ nữ, Ngài đều đến để tham vấn. Vì sao Thiện Tài Đồng Tử nhanh thành Phật đến như vậy? Bởi vì Thiện Tài Đồng Tử coi tất cả mọi người đều là Thầy của mình, tất cả mọi người đều đáng để học tập, chỉ có mình là học trò. Vì vậy sự hiếu học không có chướng ngại”. Chúng ta có chướng ngại, chúng ta không tiến đạo bởi vì chúng ta coi thường mọi người, không xem trọng mọi người. Chính tâm niệm này khiến cho chúng ta không thể xây dựng tín tâm. Không có tín tâm cho nên chúng ta không làm theo, nếu làm theo thì lại làm không triệt để cho nên chúng ta rất khó có thành tựu.

Trong Phật pháp là như vậy, thế gian cũng như vậy. Trong thế gian, chúng ta không thể có niềm tin để gần gũi và hợp tác với người bất hiếu Cha Mẹ, bất kính Thầy Cô. Thầy Thái Lễ Húc dạy chúng ta khi chọn vợ chọn chồng thì chọn người hiếu kính Cha Mẹ. Trong kinh doanh, chúng ta cũng phải chọn đối tác là người hiếu kính. Nếu họ xem thường sự hiếu kính thì chúng ta không nên hợp tác với họ. Cha Mẹ có ân đức sinh thành, Thầy Cô có ân đức dạy bảo mà họ còn xem thường thì họ càng xem thường chúng ta bởi vì chúng ta chỉ là đối tác của họ. Chúng ta có lợi cho họ thì họ kết giao, chúng ta không có lợi cho họ thì họ chia tay, tan rã. Trong Phật pháp, họ không kính trọng Cha Mẹ, không kính trọng Thầy Cô mà họ nói là họ kính Phật. Vậy thì sự kính Phật đó là thật hay giả? Đó là giả. Hiếu kính phải thể hiện từ tự tánh. Hiếu kính phải lưu lộ từ tánh đức. Vậy thì hiếu kính với tất cả Cha Mẹ, hiếu kính với tất cả Thầy Cô, hiếu kính với tất cả chúng sanh, hiếu kính với Phật mới là thật.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook