280Thứ Sáu, 14/01/2022, 07:56
764 · Vì Sao Có Cầu Có Ứng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 14/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 764

VÌ SAO CÓ CẦU CÓ ỨNG?

Nhà Phật nói: “Có cầu có ứng”. Chúng ta tự đặt câu hỏi cho mình: Vì sao chúng ta có cầu mà không có ứng? Đây là câu hỏi lớn. Chúng ta phải biết, nhà Phật dạy hướng nội mà cầu nhưng chúng ta lại hướng ngoại mà cầu. Ngoài tâm mà cầu thì không thể cầu được. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói:

“Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ

Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”.

Tự tánh của chúng ta vốn đầy đủ nhưng tập khí xấu ác của chúng ta khiến cho tự tánh bị tắc nghẽn, không thể lưu lộ. Người chân thật trở về với tự tánh thanh tịnh thì gần như “hữu cầu tất ứng”. Chúng ta chỉ có chướng ngại, không thể “hữu cầu tất ứng” bởi vì chúng ta vì tự tư tự lợi của chính mình mà cầu, vì thỏa mãn danh vọng lợi dưỡng của chính mình mà cầu, vì năm dục sáu trần mà cầu, vì tham sân si mạn mà cầu.

Chúng ta cần biết rõ: Trong mạng có một đồng thì chúng ta sẽ có một đồng. Nếu trong mạng có hai đồng mà chúng ta bỏ đi một đồng thì một đồng đó sẽ quay lại đầy đủ. Nếu trong mạng chỉ có một đồng nhưng chúng ta muốn có hai đồng, dùng tâm cưỡng cầu, dùng thủ đoạn để có hai đồng thì chắc chắn sẽ có tác dụng phụ. Chính vì không nghĩ đến tác dụng phụ nên người ta bất chấp mọi thủ đoạn, vi phạm pháp luật rồi rơi vào lao lý.

Trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế tiếp vật, trong kinh doanh, chúng ta đều phải hết sức cẩn thận, phải thuận theo đạo lý mà làm, không để dục vọng, tham cầu làm cho chúng ta mất đi lý trí. Những năm gần đây, chúng ta nhìn ra xã hội thì thấy con người vì tiền, vì danh vọng lợi dưỡng mà mất đi lý trí, làm những việc xằng bậy để rơi vào lao lý. Họ ngồi đó ngẫm nghĩ lại, họ nhận ra và hối tiếc.

Ông Bà ta đã dạy đạo lý nhân quả rất hay: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Cây trái sinh trưởng theo bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông nhưng người ngày nay mong muốn những điều ngược lại với tự nhiên. Họ làm đủ cách để ghép cây này thành cây kia, khiến cho thực vật bị biến chứng, biến đổi gien, động vật cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta chỉ cần biết đạo lý nhân quả: “Muốn ăn đậu thì phải trồng đậu”. Đạo lý trồng cây là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Khi trồng trọt, chúng ta phải cung cấp đủ dưỡng chất cho cây, dưỡng chất trong thiên nhiên rất nhiều. Hôm qua tôi đi hái đậu ngự. Dàn đậu phát triển tươi tốt, cho quá nhiều trái. Tôi phát hiện ra một đạo lý: Cây đậu rợp lá, lá đậu rơi xuống đất tạo thành một lớp dày, chính lớp lá này sẽ tái tạo thành phân hữu cơ cho đất. Tôi sẽ tận dụng lớp đất này để trồng đậu me, dinh dưỡng sẽ rất cao.

Muốn ăn đậu thì trồng đậu, muốn ăn dưa thì trồng dưa. Trồng nhân thiện được quả thiện, trồng nhân ác nhất định gặp ác báo. “Cảm Ứng Thiên” dạy: “Nhà nào làm việc thiện ắt dư thừa việc thiện. Nhà nào làm việc ác ắt dư thừa việc ác”. Những học giả, những nhân tài xuất chúng, những người có kiến thức mà không hiểu được đạo lý này thì đừng oán trời trách người. Chỉ cần áp dụng đạo lý nhân quả áp dụng vào đời sống thường ngày, áp dụng trong đối nhân xử thế tiếp vật, không cần phải đạo lý gì cao sâu. Ông Bà ta đã dạy: “Bánh ít cho đi, bánh quy quay lại”. Chúng ta biết quan tâm đến người khác thì mọi người sẽ quan tâm đến chúng ta. Nếu chúng ta không quan tâm đến ai thì cũng không có ai quan tâm đến chúng ta.

Một bà cụ hơn 80 tuổi sống một mình ở Nha Trang. Con gái của cụ đã mất sớm, em trai của cụ xuất gia cũng đã ra đi. Cụ sống một mình, chuyên cần niệm Phật. Đúng lúc cụ bị mắc Covid thì có người đến thăm nom, chăm sóc. Sau một thời gian tinh tấn niệm Phật, cụ đã âm tính.

Nhà Phật có câu chuyện về Hòa Thượng Hư Vân lên núi Phổ Đà đi bái sơn, cứ ba bước một lạy. Trong hành trình nhiều năm đó, nhiều lần Ngài bị bệnh và gặp nhiều gian nan. Nhưng hễ khi nào Ngài bị bệnh, bị đói đến lúc nguy kịch thì lại có một người ăn mày xuất hiện và giúp đỡ, cho đồ ăn và giúp chữa bệnh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải là người tặng quà chứ không là người ngồi đó để chờ nhận quà”. Tôi tiếp nhận lời dạy này của Hòa Thượng, nhiều năm liền tích cực thực hiện. Nơi nào tôi đến thì nơi đó có quà, nhưng tôi dứt khoát không dùng quà của mình để mong nhận quà của người, không “bỏ con tép, bắt con tôm”. Tôi đi Mỹ hai lần, phóng sinh cả tấn cua, tôi cũng tặng quà cho họ nhưng không hề nhận quà của họ. Khi đến Anh cũng vậy, tôi tích cực tặng quà. Dù đi giảng hay đi ăn ở đâu, tôi cũng tích cực tặng quà.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook