326Thứ Bảy, 15/01/2022, 09:49
765 · Trí Tuệ Đức Năng Là Tự Tánh Chúng Ta Đầy Đủ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 15/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 765

TRÍ TUỆ ĐỨC NĂNG LÀ TỰ TÁNH CHÚNG TA ĐẦY ĐỦ

Bài học hôm nay, Hòa Thượng muốn nhắc chúng ta: Mỗi chúng ta, ngay đến năng lực để làm Phật cũng có được, thậm chí ngay đời này cũng có thể thành Phật, chẳng qua chúng ta không chịu làm, không chịu dũng mãnh tinh tấn để mà làm. Chúng ta cũng đang dũng mãnh tinh tấn, nhưng dũng mãnh tinh tấn thuận theo tập khí của mình. Chúng ta tự phản tỉnh xem có phải như vậy không? Nếu chúng ta biết được rằng những tập khí xấu là những thứ làm cho chúng ta đọa lạc, làm cho tâm thanh tịnh của chúng ta bị ô nhiễm thì chúng ta hoàn toàn triệt để buông xả, nhưng chúng ta vẫn khư khư ôm lấy những tập khí xấu của chính mình. Chính những tập khí này che mất đi tự tánh của chúng ta.

Vầng trăng trên trời cao lúc nào cũng vẫn y như vậy, nhưng lúc thì chúng ta thấy trăng hình lưỡi liềm, lúc thì chúng ta thấy trăng hình bán nguyệt, lúc thì chúng ta thấy trăng hình tròn, lúc thì chúng ta thấy mây bao phủ che lấp vầng trăng. Trăng không hề thay đổi, lúc nào cũng tròn nhưng do bán cầu lệch nên chúng ta thấy trăng không tròn mà có những hình dạng khác nhau. Khi bán cầu không lệch thì chúng ta thấy trăng hình tròn. Trí tuệ đức năng của chúng ta cũng giống như vậy. Những tập khí, nặng nhất là tham sân si đã che mất đi tự tánh, làm mờ tự tánh của chúng ta, giống như mây mù che mờ vầng trăng.

Bài học hôm nay, Hòa Thượng muốn nhắc chúng ta: Trí tuệ đức năng của chúng ta vốn đầy đủ nhưng những tập khí làm ô nhiễm tâm thanh tịnh của chúng ta, giống mây mù che lấp vầng trăng trên trời cao. Chúng ta phải biết rằng vầng trăng hoàn toàn đang hiện hữu, cho dù thời tiết bão tố mây mù dày đặc thì vầng trăng vẫn ở đó. Cũng như vậy, trí tuệ đức năng của chúng ta với trí tuệ đức năng của chư Phật Như Lai không khác biệt. Tại sao chúng ta không khơi dậy sự khác biệt đó để làm Phật mà lại đi làm chúng sanh đọa lạc, đi làm học trò của Quỷ Thần, đi làm kẻ nịnh bợ để cầu xin bảo hộ bình an? Chúng ta quá đáng thương!

Hòa Thượng nói: “Nhà Phật dạy chúng ta dùng tâm thanh tịnh để tu phước tu huệ thì bạn mới chân thật có được thọ dụng. Nếu có bất cứ dục vọng mong cầu nào thì tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì đức năng trí tuệ không thể hiển lộ. Tâm thanh tịnh là chân tâm. Tâm thanh tịnh có thể sanh được vạn pháp”. Có thể sanh được vạn pháp, nhà Phật gọi là “hữu cầu tất ứng”, không hề thiếu kém. Vậy thì tất cả năng lực đều từ tự tánh thanh tịnh lưu xuất ra. Muốn tất cả năng lực lưu xuất từ tự tánh thì chúng ta phải giữ tâm thanh tịnh.

Người xưa nói: “Việc tốt không bằng không việc gì”. Làm việc tốt nhưng tâm không vướng bận. Chúng ta làm việc tốt mà tâm mình bị nhiễm ô thì tốt nhất là không nên làm. Trong “Kinh Kim Cang”, Phật đã dạy chúng ta: “Người bố thí không thấy mình bố thí, không thấy người nhận bố thí, không thấy vật bố thí”. Nếu làm được như vậy thì tâm mới thanh tịnh. Nếu chúng ta thấy mình cho đi, thấy người nhận, nếu người nhận không có tâm cảm ơn, không có tâm tri ân thì tự nhiên chúng ta cảm thấy phiền não. Làm việc tốt mà cứ vướng bận, dính mắc thì càng làm càng vướng bận, càng dính mắc, phá hỏng tâm thanh tịnh của chính mình.

Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm nên làm, không công không đức”. Việc tốt cần làm thì chúng ta nên làm, nhưng làm mà không vướng bận ở trong tâm. Người xưa dạy chúng ta: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”, ý nói là nếu việc tốt gây phiền hà, khiến tâm thanh tịnh của chúng ta bị trở ngại thì chúng ta không nên làm. Nếu chúng ta hiểu câu này có nghĩa là chúng ta không nên làm việc tốt thì chúng ta hiểu sai, tâm của chúng ta trở nên ích kỷ, nhỏ mọn, không thể trở thành Phật Bồ Tát. Chúng ta không nên hiểu nhầm ý của người xưa. Nếu một người tinh tấn dũng mãnh thì ở trong hoàn cảnh nào người đó cũng tinh tấn dũng mãnh. Người ta ngồi trong bóng mát để niệm Phật cho thoải mái. Đó là tâm thanh tịnh hay là tâm phân biệt chấp trước?

Hòa Thượng giải thích chữ “nhất tâm”: Chúng ta lái xe cũng nhất tâm, cuốc đất cũng nhất tâm, niệm Phật cũng nhất tâm, làm bất cứ việc gì cũng phải nhất tâm. Hòa Thượng nói: “Tâm thanh tịnh năng sanh vạn pháp, vậy thì “hữu cầu tất ứng”, không hề thiếu kém. “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Các bạn phải nên nhớ, không phải Phật Bồ Tát mang đến cho các bạn mà ở nơi tự tánh bạn vốn sẵn đầy đủ. Trong tâm thanh tịnh của bạn không thiếu một thứ gì, tùy tâm tùy niệm mà khởi hiện hành. Trong bổn tánh của bạn, những trí tuệ đức năng cũng tự tại hiển lộ”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook