148Thứ Năm, 13/01/2022, 09:17
763 · Người Có Phước Báu Cả Đời An Vui

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 13/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 763

“NGƯỜI CÓ PHƯỚC BÁU CẢ ĐỜI AN VUI”

Người có phước báu cả đời an vui, chứ không phải là người giàu sang phú quý. Người giàu sang phú quý, tuy đời sống vật chất phong phú nhưng chưa chắc họ có đời sống tinh thần tự tại. Nhiều người phú quý, địa vị giàu sang nhưng vì truy cầu danh lợi, vì truy cầu địa vị đứng số 1, số 2, số 3 cho nên phạm phải những sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến mất tất cả. Ngoài việc mất tất cả, họ còn bị rơi vào vòng lao lý. Người học Phật chúng ta mong cầu đời sống tinh thần đầy đủ, không mong cầu đời sống vật chất đầy đủ.

Hòa thượng nói: “Giáo học của Phật tùy theo căn tính của chúng sanh khác nhau. Đối với người thiện căn ít thì Phật dạy họ đoạn ác tu thiện, nói rõ với họ nhân duyên, quả báo của thiện ác. Đây là pháp nhỏ vì pháp này không thể vượt thoát sinh tử, chỉ là lợi ích ở cõi Người, cõi Trời, nhiều nhất là cõi Trời. Pháp cao của Phật dạy người liễu thoát sinh tử. Trong “Kinh Đại Thừa”, Phật nói: “Vì chúng sinh không thể tiếp nhận được pháp Nhất Thừa, cho nên ta đành phải nói pháp Nhị Thừa và pháp Tam Thừa. Pháp Nhị Thừa là pháp của Thanh Văn, Duyên Giác, còn pháp Tam Thừa là pháp của Trời Người. Nếu chúng sinh nghe được pháp Nhất Thừa thì ta chỉ nói Pháp Nhất Thừa, không nói pháp Nhị Thừa và pháp Tam Thừa. Tuy rằng pháp nhỏ không thể giúp được chúng sinh thoát khỏi sáu cõi luân hồi nhưng đích thực có thể giúp họ không phải đọa vào ba đường ác, giúp họ có thể được phước báu Nhân Thiên.”

Phật vô cùng từ bi, dạy chúng sanh đoạn ác tu thiện để không bị rơi vào ba đường ác. Rơi vào ba đường ác thì dễ, nhưng thoát ra thì vô cùng khó. Trên Kinh kể câu chuyện về đàn kiến dù bảy đời chư Phật đi qua mà kiến vẫn sanh tử luân hồi làm thân kiến.

Giáo pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật kéo dài 12.000 năm. Trong “Kinh Đại Tập”, Phật nói:

Thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu. Sau khi Phật diệt độ một nghìn năm là thời kỳ Chánh Pháp.

Thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu. Thời kỳ Tượng Pháp là một nghìn năm lần thứ hai sau khi Phật diệt độ, sau một nghìn năm thứ nhất cho đến hai nghìn năm.

Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu. Thời kỳ Mạt Pháp chính là sau khi Phật diệt độ hai nghìn năm trở đi, Mạt Pháp đến một vạn năm. Chúng ta đang ở trong thời kỳ Mạt Pháp.

Đến khi giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni không còn nữa thì một vị Phật khác sẽ xuất hiện. Vậy mà đàn kiến sinh ra, chết đi rồi sinh ra vẫn làm kiến vì chúng nghĩ thân kiến là thân của chúng cho nên chúng mãi mãi chấp vào thân đó. Giáo hóa của Phật trước tiên dạy chúng sanh pháp nhỏ, nắm chắc được phước báu Trời Người, không bị đọa vào ba đường ác.

Hòa Thượng nói: “Các vị phải nghe cho rõ ràng. Tôi không dùng từ “phú quý Nhân Thiên” mà tôi nói là “phước báu Nhân Thiên”. Trong “phước báu” bao gồm “phú quý” nhưng trong “phú quý” không bao gồm “phước báu”. Bạn nghe rồi có thể có một chút nghi vấn. Bạn đi gặp những người phú quý ở thế gian, những người làm quan to, thậm chí người làm Tổng thống, những người sở hữu công ty đồ sộ, giàu nhất nhì thế giới, bạn hỏi xem họ có đời sống an vui không. Chắc chắn họ sẽ lắc đầu và nói rằng họ không có đời sống an vui, bởi vì họ luôn luôn phải bận rộn, lo toan. Họ không có phước báu”.

Nhiều tỷ phú thế giới đã ly dị, gia đình tan nát, vợ đi lấy chồng khác, chồng đi lấy vợ khác. Cuộc đời như vậy thất bại hoàn toàn. Chắc chắn tâm họ vô cùng phiền não, bất an. Cho nên người giàu sang phú quý ở thế gian tuy có đời sống vật chất đầy đủ nhưng đời sống tinh thần rất hạn chế, thậm chí rất khổ. Chúng ta thấy ở trong nước cũng vậy. Nhiều người giàu sang có “cuộc ly hôn ngàn tỉ”. Họ đưa nhau ra pháp đình, kiện tụng, thậm chí chửi nhau. Dưới góc nhìn của nhà Phật thì họ hoàn thoàn không có phước báu.

Hòa Thượng nói: Người có phước báu thân tâm nhẹ nhàng, tự tại, cả cuộc đời an vui, thoải mái. Những lời nói này đều phải tỉ mỉ mà nghe, tỉ mỉ mà thể hội”. “An vui, thoải mái” là đói ăn, khát uống, mệt ngủ khì, không phải vắt tay lên trán trằn trọc suy nghĩ trong khi cơ thể đã rất mệt mỏi muốn nghỉ ngơi. Trước đây tôi cũng có thói quen gác tay trên trán trong lúc ngủ, tự nhiên thói quen đó mất đi lúc nào không biết. Chúng ta lựa chọn đời sống bất an, khổ sở hay đời sống tự tại, an vui? Chắc chắn chúng ta phải chọn cuộc sống tuy nghèo nhưng thanh đạm, an vui, còn hơn cuộc sống giàu sang phú quý nhưng luôn bất an. Lạ thay! Ngày nay nhiều người lựa chọn cuộc sống giàu sang phú quý hơn người, địa vị hơn người nhưng luôn thấp thỏm, bất an.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook