241Thứ Tư, 12/01/2022, 07:22
762 · Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Không Nên Chậm Trễ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 12/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 762

“NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH KHÔNG NÊN CHẬM TRỄ”

Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều việc chúng ta rất khẩn trương. Chúng ta đi đâu, làm gì cũng rất khẩn trương. Ví dụ chúng ta đi ra sân bay thì phải đi sớm trước mấy giờ đồng hồ. Chúng ta mau mau đi tắm, mau mau đi ngủ, nhưng đối với việc liễu thoát sanh tử thì chúng ta cứ từ từ, không có thái độ lo lắng khẩn trương. Có rất nhiều người có tâm trạng này cho nên không còn cơ hội liễu thoát sanh tử.

Hòa Thượng nói đến một câu chuyện: Bà Lôi cư sĩ mời Hòa Thượng đến Hồng Kông giảng pháp. Lần đầu tiên Hòa Thượng đến Hồng Kông năm 1977. Tất cả mọi việc chuẩn bị cho buổi giảng hôm đó, từ tặng phẩm, ăn uống, nơi ăn chốn ở đều được bà Lôi chuẩn bị rất chu đáo. Bà khoe với Hòa Thượng là bà đã mua được hàng trăm mẫu đất ở khắp nơi, từ Hồng Kông đến Singapore. Bà rất giàu có. Hòa Thượng nói: “Người tính không bằng Trời tính”. “Trời” ở đây là vận mạng, phước báu của chính mình. Chẳng bao lâu sau, bà bị tai nạn ô tô trong lúc chính bà đang lái xe. Bà bị bệnh tim và đã chết trong bệnh viện. Chồng của bà bị thương rất nặng. Hòa Thượng nói: “Bà Lôi có nhiều tiền đến như thế mà phải ra đi như vậy. Đây gọi là “hoạch tử”, chết yểu, đoản mạng. Khi ra đi bà rất khẩn trương, tâm thần bấn loạn, Phật hiệu không nhớ để mà niệm. Vậy thì cái duyên với A Di Đà Phật đã bị bỏ lỡ rồi!”.

Hòa Thượng khuyên chúng ta: “Tất cả những việc khác thì chúng ta làm một cách tốt nhất, nhưng việc chính yếu trong cuộc đời này là niệm Phật cầu vãng sanh”. Chính bản thân tôi nếu không được nhắc nhở thì niệm Phật không tha thiết. Tuy tôi không niệm “tài, sắc, danh, thực, thùy” nhưng niệm nhiều việc khác, ít niệm Phật. Đó là chúng ta đã xem thường việc liễu thoát sanh tử. Đối với người học Phật thì liễu thoát sanh tử là một việc vô cùng trọng đại, quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Hòa Thượng nhắc đến cư sĩ Lôi. Bà rất giàu có. Một lần Bà chở Hòa Thượng đến một ngân hàng, bà mở tủ bảo hiểm của mình ở ngân hàng, trong đó có rất nhiều vàng bạc châu báu. Hòa Thượng hỏi: “Bà chỉ có ngần này thôi à?”. Bà ngạc nhiên hỏi: “Hòa Thượng còn có nhiều hơn nữa à?”. Hòa Thượng cười và nói: “Nếu chỉ mở tủ ra để ngắm thì tôi có nhiều hơn bà nhiều. Tôi đến khắp nơi trên thế giới, đến những cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, đâu đâu cũng có thể ngắm những tủ vàng bạc châu báu như vậy”. Đất ở Singapore và đất ở Hồng Kông rất đắt đỏ, vậy mà bà sở hữu rất nhiều đất ở hai nơi này. Bà nói với Hòa Thượng rằng bà sẽ dành ra những miếng đất để xây đạo tràng niệm Phật nhưng chưa kịp làm thì bà đã chết trong bệnh viện, thần hồn bấn loạn. Hòa Thượng nói: “Vậy thì đã lỡ mất đi cái duyên giải thoát rồi!”.

Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Hai việc này tương bổ tương thành, hỗ trợ lẫn nhau. “Phát tâm Bồ Đề” nhưng nếu không “một lòng chuyên niệm” thì không được. “Một lòng chuyên niệm” mà không “phát tâm Bồ Đề” thì cũng không được. Nhiều hành giả cho rằng chỉ cần một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng là được, nhưng đó chỉ là “một lòng chuyên niệm”. Chúng ta làm nhiều việc lợi ích chúng sinh nhưng đó chỉ là “phát tâm Bồ Đề”. Chúng ta mở trường học văn hóa truyền thống, làm trường chỉ là “phát tâm Bồ Đề”, lợi ích chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Kiếp người ngắn ngủi, thế sự vô thường. Chúng ta ngày ngày tạo nghiệp, không biết chính mình có tội nghiệp. Khi quả báo hiện tiền, chúng ta đành phải theo nghiệp lực đi đầu thai, thọ sanh”. Hàng ngày, khởi tâm động niệm trong nội tâm của chúng ta diễn biến rất phức tạp. Từng ý niệm li ti trong đó bó chặt chúng ta: Nhà của ta, con của ta, tài sản của ta... Tất cả chỉ là duyên mà thôi. Duyên đủ thì tụ họp, duyên hết thì tan rã.

Trong “Kinh Kim Cang”, Phật đã nói cho chúng ta rất rõ ràng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả những gì có hình tướng đều như giấc mộng, như sấm chớp, như bọt nước, không có gì là thật nhưng chúng ta cứ cho nó là thật. Phải nhìn thấy tất cả đều là duyên, tất cả đều là giả. Đủ duyên thì đến, hết duyên thì đi, không có gì là thật.  

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook