20611/01/2022, 10:30 11/01/2022, 11:18
761 · Suốt Ngày Từ Sớm Đến Tối Nghĩ Tưởng Xằng Bậy Thì Làm Sao Khai Ngộ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 11/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 761

SUỐT NGÀY TỪ SỚM ĐẾN TỐI NGHĨ TƯỞNG XẰNG BẬY THÌ LÀM SAO KHAI NGỘ

Đời sống của người xưa rất đơn thuần, chất phác. Khi họ tiếp nhận điều gì thì điều đó ảnh hưởng đến họ rất lớn. Họ biết nghe lời, biết làm theo. Đời sống hiện đại ngày nay ô nhiễm, khiến cho người ta khởi tâm phân biệt, khởi tâm chấp trước, khởi rất nhiều vọng tưởng, cứ tưởng mình sẽ được như thế này, sẽ được như thế kia. Những người thật làm rất ít. Khoảng chục năm trở lại đây, chúng ta nhìn xung quanh sẽ cảm nhận được ai là người thật tu, ai là người thật học, ai là người thật làm, ai là người làm giả, chỉ làm cho dễ coi, làm để gạt mình gạt người.

Chúng ta là những người học Phật, là đệ tử Phật đã có pháp danh, đã quy y Phật nhưng chúng ta làm ra những việc không có tình người. Khi nghe được những câu chuyện đau lòng, tôi chỉ biết an ủi người chia sẻ câu nguyện đó: “Thôi, chúng ta đừng buồn, đừng phiền não! Chẳng qua họ không được tiếp nhận giáo dục chính thống của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền”. Họ chính là “kẻ đáng thương hại!” như trên Kinh Phật nói.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các cơ quan, ban ngành, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang phải rất nỗ lực cố gắng. Đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch đang phải vô cùng vất vả phòng chống dịch bệnh, làm việc hết công suất để điều trị chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân. Trong thời bình mà họ vẫn phải hi sinh. Vậy mà chúng ta thờ ơ, chỉ thỏa mãn thị dục, thị hiếu của mình, không có tâm đồng cảm. Chúng ta là người học Phật mà ngay đến tâm đồng cảm cũng không có thì chúng ta phải xem lại bản thân. Số người như vậy rất nhiều.

Cách đây khoảng chục năm, tôi có ý niệm: “Mình là người lớn, mình đã là Cha, đã là Thầy giáo thì mình không có quyền nghĩ đến bản thân. Mình phải có trách nhiệm làm tròn bổn phận của người làm Cha, làm tròn bổn phận của Thầy giáo, làm tròn bổn phận của người chồng. Mình là người lớn thì phải biết hi sinh cho thế hệ sau”.

Tôi trồng cây bạc hà, lá tốt xum xuê. Khi cây bạc hà mẹ đẻ nhánh ra cây con thì cây mẹ dần chết đi, nhường đất sống cho cây con. Tôi lên núi đào đất để trồng cây thì quan sát thấy cây chuối mẹ dùng nước ở thân của mình để nuôi cây chuối con sống qua mùa hạn hán, sống qua mùa khô. Cây chuối mẹ dần dần chết đi, cây con thì rất mập và khỏe. Loài thực vật mà còn biết hi sinh cho con của mình như vậy. Người thế gian, rất nhiều Cha Mẹ hi sinh bản thân cho thế hệ sau. Chúng ta học Phật, phải hướng đến sự vô ngã, hi sinh chính mình để phục vụ thế hệ sau.

Nhưng người học Phật hiện nay suốt ngày nghĩ tưởng xằng bậy, cho rằng phải như thế này, phải như thế kia mới đúng. Họ chìm trong cái ta và cái của ta, khiến cho bản thân phiền não trùng trùng. Đó là nghĩ tưởng xằng bậy. Bồ Tát có một pháp, đó là ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, an trụ trong thiện pháp, không có một chút bất thiện nào xen tạp. Chúng sanh chúng ta an trụ trong vọng tưởng, an trụ trong phiền não, nghĩ tưởng xằng bậy, chìm trong tốt xấu, phải quấy, hơn thua, không thể định tâm.

Đạo lý của chữ “Nhường

Hòa Thượng nói: “Người ta giành thì mình nhường. Người ta giành thì mình nhường. Người ta giành thì mình nhường. Lần thứ tư người ta vẫn giành thì mình tiếp tục nhường. Nếu họ tiếp tục giành thì chúng ta mãi mãi nhường”. Sau này tôi mới cảm nhận được đạo lý tuyệt vời này.

Khi nhường, chúng ta giữ được tâm thanh tịnh, không mưu toan tính kế.

Khi nhường, chúng ta hành được chữ “Nhẫn”.

Khi nhường, chúng ta được chứ không bao giờ mất. Nhường là được, chứ không phải giành là được.

Người xưa nói: “Trong mạng có nhất định có, trong mạng không nhất định không”. Quân tử vui vẫn làm quân tử. Phước của chúng ta đáng làm tiểu nhân thì cho dù oan ức cũng phải làm tiểu nhân. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, một bữa ăn một ngụm nước đều là do tiền định, do phước chứ không phải do Trời ban.

Chúng ta phải làm được như Phật dạy: “Cho đi mà không thấy người cho, không thấy người người nhận, không thấy vật cho”, gọi là “tam luân không tịch”. Cho đi, nhường đi nhưng không bao giờ mất.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook