134Thứ Sáu, 07/01/2022, 10:46
757 · Thậm Chí Đến Người Học Phật Phần Nhiều Dựa Vào Mê Tín

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 07/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 757

THẬM CHÍ ĐẾN NGƯỜI HỌC PHẬT PHẦN NHIỀU DỰA VÀO MÊ TÍN

Chúng ta đã là người học Phật, học giác ngộ, học chánh tri, chánh kiến nhưng phần nhiều lại rơi vào mê tín. Phật là Giác mà không mê, Pháp là Chánh mà không tà, Tăng là Tịnh mà không nhiễm. Chúng ta quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng cũng chính là quy y Giác – Chánh – Tịnh, vậy mà phần nhiều chỉ dựa vào mê tín. Cho nên Hòa Thượng nói: “Thậm chí đến người học Phật, phần nhiều dựa vào mê tín”.

Chúng ta không tự lực, không phấn đấu từ nơi tự tâm mà chỉ dựa vào sự bảo hộ, che chở hoặc ỷ lại, nương nhờ vào đấng bề trên. Thông qua những chuyên đề này, chúng ta được nhắc đi nhắc lại để hiểu rõ hơn, thông suốt hơn, để có niềm tin mà làm. Nếu chúng ta không dựa vào giáo huấn của Phật Bồ Tát thì sẽ giống như người bồng bềnh trôi nổi, mất đi điểm tựa, mất đi niềm tin. Trong Kinh gọi là “vô sở thất tùng”, không có chỗ để nương về.

Sau khi dịch đĩa Hòa Thượng một thời gian thì tôi có niềm tin vững chắc. Tôi tin rằng mình làm việc gì cũng chắc chắn thành công, giống như Hòa Thượng nói: “Đến giờ phút này, tôi tâm nghĩ sự thành”. Bởi vì tôi dốc hết sức làm, toàn tâm toàn lực làm, không mong cầu một chút gì riêng tư, thậm chí hi sinh những lợi dưỡng, những điều tốt đẹp của mình mà làm.

Chúng ta xem lại: Vì sao mình tâm nghĩ sự không thành? Chướng ngại chính từ ở nơi ta. Chắc chắn trong suy nghĩ của chúng ta là mong cầu cho bản thân, chắc chắn trong đó có tự tư tự lợi, không phải hoàn toàn như Phật Bồ Tát dạy “xả mình vì người”. Tự tư tự lợi rất vi tế trong các hình thức, trạng thái khác nhau. Nếu không quán sát kĩ thì chúng ta không thể nhận ra. Cho nên người xưa nói: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ’. Làm việc gì không thông thì phải quay lại từ nơi chính mình, xem mình đã hoàn toàn “chí công vô tư” chưa, đã chân thật vì người khác chưa, hay chúng ta vì chính bản mình. Chướng ngại là ở nơi chính mình. Cái ta, cái của ta luôn hiện hữu, tồn tại.

Ngày trước tôi có những tập khí mà bây giờ nhớ lại thấy khiếp sợ. Tôi may mắn được tiếp nhận giáo dục tốt nên còn có chỗ quay đầu, còn có thể làm lại. Nếu không được tiếp nhận giáo dục của Hòa Thượng thì tôi không biết làm thế nào để quay đầu. Hòa Thượng nói: “Trong xã hội của chúng ta, từ xưa đến nay, giáo dục truyền thống của chúng ta là giáo dục của ba nhà Nho – Thích – Đạo, dạy luân thường đạo đức, hiếu, trung, nhân, nghĩa. Người xưa của chúng ta nương vào luân lý đạo đức, nương vào giáo học của ba nhà Nho – Thích – Đạo”. Nho giáo dạy chuẩn mực làm người. Đạo giáo dạy đạo lý cảm ứng, nói một cách khác chính là dạy nhân quả. Giáo dục của Phật thì rất căn bản. Nhà Phật dạy nhân quả, dạy cách chuyển ác thành thiện, dạy cách chuyển mê thành ngộ, cách chuyển phàm thành Thánh. Đó là tư tưởng của ba nhà Nho, Thích, Đạo. Việc này căn cứ vào lịch sử đã ghi chép và diễn biến quá trình đời sống của người xưa.

Hòa Thượng nói: “Người hiện tại chỉ tin tưởng mê tín của khoa học. Người ngày nay chịu nhiều tai nạn nhưng họ không hiểu rằng đó là nguyên nhân của quả báo. Họ không biết nguyên nhân đến từ đâu. Họ cho rằng tất cả những thiên tai bão lũ đều là do hiệu ứng nhà kính. Sau khi khoa học phát triển thì máy bay, tàu thủy, ô tô, các phương tiện đã thải ra vô số chất thải cho nên các nhà khoa học nói rằng những chất thải đó hình thành nên rất nhiều sự bất thường của thiên nhiên. Họ hoàn toàn không nhắc đến khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của con người. Phật Pháp nói nhân duyên quả báo, khoa học thì chỉ nói đến duyên, không nói đến nhân. Không biết đến nhân, nên họ không biết cách để trị gốc. Phật Pháp nói những người cư trú trên địa cầu này đã đánh mất đi luân lý đạo đức, khởi tâm động niệm đều là tham, sân, si, mạn. Hành vi tạo tác đều là tổn người lợi mình. Đây chính là nhân duyên”.

 Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những bí mật không dám cho người khác biết. Chúng ta đã từng làm rất nhiều nhân bất thiện như phạm trai, phá giới, hại người. Đó chính là những nhân tạo ra hoàn cảnh bất thường của chúng ta. Nhiều người như vậy thì kết thành thiên tai.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook