156Thứ Năm, 06/01/2022, 10:23
756 · Giáo Dục Của Phật Là Giáo Dục Của Ba Đời

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 06/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 756

GIÁO DỤC CỦA PHẬT LÀ GIÁO DỤC CỦA BA ĐỜI

Giáo dục của Phật là giáo dục của ba đời. “Ba đời” ở đây chính là đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai. Giáo dục của thế gian chỉ có giáo dục của một đời. Chỉ có giáo dục của Phật mới là giáo dục ba đời, mới là giáo dục viên mãn. Chúng ta xem sự thọ nhận hiện tại của mình như thế nào thì liền biết rõ nhân quá khứ đã tạo, biết rõ trước đây mình có bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy hay không. Trong hiện tại chúng ta tuy không giàu sang, nhưng của cải sung túc, trí lực cũng hơn người thì chúng ta biết trong đời quá khứ mình đã từng bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy. Muốn biết đời tương lai như thế nào, chúng ta xem ngay hiện tại mình có tích cực bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy hay không.

Nhân quả thông ba đời. Giáo dục của Phật chính là giáo dục nhân quả. Chúng ta thấy giáo dục của Phật không có sự ỷ lại, nương nhờ. Mỗi một hành giả học Phật đều phải nỗ lực phấn đấu, dè dặt cẩn trọng từ ngay trong khởi tâm động niệm của chính mình bởi vì tất cả đều kết thành nhân. Có nhân chắc chắn có quả. Gieo nhân xấu thì kết quả xấu. Gieo nhân tốt thì ắt có kết quả tốt. Dù người có tin Phật hay không tin Phật cũng đều nằm trong định luật nhân quả. Không phải người quy y Phật, tin Phật thì được Phật che chở, còn người không phải là đệ tử Phật thì không được Phật che chở. Đó chỉ là cách nghĩ của người không thông hiểu.

Từ một chúng sinh phàm phu thường tình cho đến chư Phật Bồ Tát đều sống trong định luật nhân quả. Người xưa nói: Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ Tát trước khi làm bất cứ việc gì cũng suy xét xem việc làm của mình có tạo ra nhân bất thiện, nhân không tốt hay không. Bồ Tát rất cẩn trọng khi tạo nhân, chính nhờ vậy mà Bồ Tát không bị nhân quả làm cho phiền phức. Chúng sanh chúng ta thì tùy tiện, thích làm theo thị hiếu của mình. Đến khi quả đến rồi thì lúc đó mới sợ, chạy đi cầu thần khấn Phật van xin nhưng van xin cũng không được. Chúng ta phải hiểu rõ điều này.

Học Phật là học giác ngộ, học sự sáng suốt minh bạch chứ không phải học Phật để được ỷ lại, nương nhờ. Đa phần người học Phật đều có tâm thái ỷ lại, nương nhờ cho nên tạo thành mê tín, mờ mịt. Đối với những việc rất rõ ràng tường tận thì chúng ta lại mơ mơ hồ hồ, tin theo những điều tà vại. Ở Bắc Giang có một hủ tục. Khi một người chết thì họ bắt một con cóc to, thầy cúng viết một lá bùa, cho vào miệng con cóc, khâu miệng nó lại rồi chôn con cóc cùng người chết để con cóc mang tờ giấy đó đi trình báo Diêm Vương. Gần đây, lại có vụ Cha Mẹ muốn con dễ nuôi thì phải cắn đứt ngón tay út của con.

Người học Phật là học trò chân chính của Phật thì phải kiểm soát ngay từ khởi tâm động niệm của mình, đời sống chánh đại quang minh, không có gì mờ ảo. Những phong tục tập quán tốt thì chúng ta duy trì phát triển, những gì không hay thì chúng ta không duy trì phát triển. Ví dụ những phong tục như: Ngày Tết không được quét nhà, người xông đất phải có tên hay tên tốt.... Người đầu tiên đến xông đất tên là “Tài” thì chủ nhà rất vui, một lúc sau người thứ hai đến tên là “Quan”, ghép lại thành “Quan Tài” thì họ thất kinh hồn vía. Người tốt nhưng tâm có tốt hay không hay tâm toàn là sát đạo dâm. Chúng ta phải hết sức phản tỉnh. Vào dịp lễ Tết, người ta đi bái thần bái Phật khắp nơi nhưng không đi thăm hỏi Cha Mẹ, không đi hỏi thăm các bậc trưởng bối. Vậy thì không đúng!

Giáo dục của Phật chính là giáo dục nhân quả.

Giáo dục của Phật chính là giáo dục chuyển ác thành thiện.

Giáo dục của Phật chính là giáo dục chuyển mê thành ngộ.

Giáo dục của Phật chính là giáo dục chuyển phàm thành Thánh.

Nhiều người học Phật nhưng cái gì cũng sợ, họ sợ ma, sợ quỷ. Ta và tất cả chúng ta đều cùng một thể tánh thanh tịnh cho nên có thể cùng tồn tại và phát triển. Ma quỷ họ ở thế giới của họ. Chúng ta ở thế giới của chúng ta, không cản trở, tổn hại lẫn nhau. Chúng ta nghe thầy bói nói thì liền tin ngay, rất dễ bị gạt. Có người nói với tôi: “Hôm nay con đúng là ngu. Nhà máy mất điện nên con đi coi bói. Ông thầy bói nói ông xã có vợ bé. Con về nhà thức trắng đêm, người phờ phạc, không đi làm được”. Đó thật là ngu! Tự nhiên đi nghe người ta phán. Người ta phán tốt thì mình vui vẻ, người ta phán xấu thì mình buồn, bất an. Đa phần người ta phán xấu. Người ta phải tạo ta sự ly kỳ để chúng ta có sự cần cầu, từ đó lấy tiền của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ đem vận mạng của mình để cho người khác phán. Chúng ta phải là người quyết định vận mạng của mình, kể cả tương lai gần và tương lai xa. Người học Phật phải như vậy!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook