14405/01/2022, 10:29 07/01/2022, 09:50
755 · Thân Ở Trong Khổ Mà Không Biết Khổ, Đây Thật Là Đáng Thương

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 05/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 755

THÂN Ở TRONG KHỔ MÀ KHÔNG BIẾT KHỔ, ĐÂY THẬT LÀ ĐÁNG THƯƠNG

Chúng sinh chúng ta bị cái khổ làm cho bức bách, gần như khổ mãi thành quen nên không thấy khổ nữa. Dịch bệnh Covid vẫn đang diễn ra trên toàn thế giới nhưng có mấy ai phản tỉnh. Họ vẫn đang tranh giành, vẫn đang tìm cách hưởng thụ mưu lợi cá nhân. Trong lúc tình hình dịch bệnh, những người mua gánh bán bưng, buôn bán nhỏ lẻ rất khổ. Vậy mà nhiều người lại nhân lúc này để trục lợi rất lớn. Tất cả đều chỉ vì tham cầu hưởng thụ năm dục sáu trần, thỏa mãn danh vọng lợi dưỡng ảo huyền.

Người ta không nhận ra rằng “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, những gì có hình tướng đều là giả. “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, tất cả các pháp đều là giả, như giấc mộng, như sấm chớp, như bọt nước. Tất cả không có gì là thật cả nhưng người ta cứ cho nó là thật, đắm chìm trong đó mà tạo nghiệp. Đó chính là thân ở trong khổ mà không biết khổ. Vấn đề này nếu chúng ta đem ra nói cả đời cũng chưa hết. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo, pháp đầu tiên mà Ngài nói đến là “Pháp Tứ Diệu Đế”. Ngài nói về “sinh, lão, bệnh, tử”, “khổ, tập, diệt, đạo”. Mãi đến ngày nay, những vị đại đức tu hành cũng đều nhắc đến.

Trong phần khai thị, Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta như những kẻ tử tù đang được diễu qua phố, nhìn ngắm những hình ảnh muôn màu, chấp mê vào đó mà quên rằng mình đang tiến gần đến pháp trường”. Người xưa cũng khải thị cho chúng ta: Con người chúng ta đang nỗ lực tiến gần đến mộ phần của chính mình nhưng chúng ta không hề phản tỉnh. Chúng ta vẫn đang tự tư tự lợi, vẫn đang danh vọng lợi dưỡng, vẫn đang chìm đắm trong hưởng thụ năm dục sáu trần, vẫn đang tham sân si mạn.

Chưa nói đến cái khổ do hoàn cảnh, thiên tai. Nhân sinh là một chiến trường khổ đau, không có gì là vui chắc thật! Nhà Phật thường hay cảnh tỉnh chúng ta: Khổ là thật, vui là giả. Bởi vì khổ không thể chuyển thành vui. Vui cuối cùng lại chuyển thành khổ. Ví dụ, sau một buổi tiệc tùng rất vui vẻ tạm thời, người ta lại quay về với cái khổ. Vào dịp Tết Tây, Giáng sinh, người ta đi hưởng thụ, sau 5, 7 ngày thì hết tiền, dù đang ở khách sạn 3 sao, 5 sao người ta cũng đành đi về. Người ta ăn một món ngon, ăn thật nhiều, ăn quá nhiều đến mức thở không được, thậm chí không tiêu hóa được, như vậy là hết vui rồi. Một vài ví dụ này cho chúng ta thấy khổ là thật, vui chỉ là tạm thời và rất nhanh. Chỉ có những người phản tỉnh, giác ngộ thì mới có thể chuyển khổ thành vui. Người phản tỉnh, người giác ngộ dùng giáo huấn của Phật để nhận ra, buông xả mọi dính mắc trong tâm thì mới có thể chuyển khổ thành vui. Phải có thời gian có công phu thì mới làm được như vậy.

Tám khổ (Bát khổ) là:

1. Sinh khổ

2. Lão khổ

3. Bệnh khổ

4. Tử khổ

5. Cầu bất đắc khổ: Người ta cầu có tiền, cầu gặp người yêu, cầu hết dịch bệnh, cầu hết thiên tai bão lũ... Cầu không được thì khổ.

6. Ái biệt ly khổ: Thương nhau mà phải chia lìa thì khổ

7. Oán tắng hội khổ: Ghét nhau mà phải gặp nhau thì khổ

8. Ngũ ấm xí thạnh khổ: Thân chúng ta có cái gì mạnh hơn thì xung đột.

Bát khổ là những cái khổ tự thân. Còn hoàn cảnh bên ngoài như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh…cũng làm cho chúng ta khổ. Hòa Thượng cảnh tỉnh chúng ta: “Thân ở trong khổ mà không biết khổ, vậy mà còn tạo ra thêm khổ, tạo ra thêm nhiều sự thị phi để khổ chồng thêm khổ, nỗi khổ thêm chất chồng”. Cho nên chúng ta phải biết tu nhẫn nhục, bố thí, trì giới. Người ta đã làm mình khổ rồi thì mình tiếp nhận, đừng tạo thêm để người ta phải khổ. Một sự oan trái, trái nghịch đến mà chúng ta nhẫn nhục được thì chúng ta đạt đến công phu nhẫn nhục. Nhưng ngày ngày chúng ta tạo oan nghiệp, tạo oan gia trái chủ để rồi oan oan tương báo chất chồng từ đời này đến đời sau.

Hòa Thượng nhắc chúng ta:

Tự tư tự lợi khiến khổ chồng thêm khổ.

Danh vọng lợi dưỡng khiến khổ chồng thêm khổ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook