Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 03/01/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 753
CẦU TỊNH ĐỘ TỪ NƠI ĐÂU MÀ CẦU?
Hòa Thượng nói: “Cầu Tịnh Độ phải ngay từ nơi tâm mình mà cầu”. Tâm tịnh thì cõi Phật mới tịnh, có nghĩa là tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta mới có thể tương ưng được với cõi thanh tịnh, tâm nhiễm ô không thể tương ưng được với cõi tịnh. Sự nhiễm ô rất vi tế, cho nên hàng ngày chúng ta phải thường xuyên quán sát, phản tỉnh, kiểm điểm tâm của mình thì chúng ta mới có thể nhận ra. Một ý niệm ô nhiễm hơi se se khởi lên thì chúng ta đã bị ô nhiễm rồi. Chúng ta cứ nghĩ mình không nhận ra thì chắc là người khác cũng không nhận ra. Nội tâm của chúng ta rất vi tế, nếu nội tâm bị vẩn đục thì không có cách nào để nó trong được. Nếu nội tâm đã bị ô nhiễm thì không có cách nào để nó thanh tịnh được, từng ý niệm đều rất vi tế.
Hòa Thượng nói: “Tự làm tự chịu”. Tây Phương Tịnh Độ, cõi Tịnh hay nơi ác đạo đều là do tâm mình biến hiện ra. Trước đây, chúng ta không hiểu tại sao tâm mình không biến hiện ra cảnh giới an lành mà lại biến hiện ra cảnh giới khổ đau. Do tâm ô nhiễm của chúng ta chiêu cảm, giống như người thích shopping tự đi đến nơi shopping, người thích đánh bạc tự đi đến sòng bạc. Hoàn toàn là do tâm của chúng ta tự chiêu cảm. Tu hành chính từ nơi đây mà tu.
Chúng ta đừng bao giờ ỷ lại, đừng bao giờ có thái độ nương tựa vào quỷ thần, nương tựa vào đấng bề trên, nương tựa vào Phật Bồ Tát. Ngay đến Phật Bồ Tát cũng không thể giúp chúng ta. Đừng nghĩ rằng chúng ta đã tạo tội, đã làm ra nhiều việc xấu, chúng ta cúng Phật thì sẽ được Phật giúp đỡ. Thế gian có câu: “Quân pháp bất vị thân”. Từ bậc Vương tử cho đến thứ dân đều phải tuân thủ theo luật pháp quốc gia, người phạm pháp thì cho dù là vua hay thứ dân vẫn phải chịu đòn như nhau. Thế gian hay xuất thế gian pháp, khi đã tạo ác nghiệp rồi thì đều phải chịu hậu quả.
Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống thường ngày, mỗi giờ, mỗi lúc, mỗi nơi, tâm của chúng ta không bị cảnh giới xoay chuyển. Luôn gìn giữ được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, đây chính là cõi Tịnh Độ chân thật mà Phật pháp thường nói”. Chúng ta quán sát xem sẽ thấy: Hàng ngày, tâm chúng ta bị tập khí kéo đi xềnh xệch, vậy mà chúng ta còn ngồi đó vọng tưởng mình sẽ về Tịnh Độ. Chính vì vậy trong một ngàn người niệm Phật chưa có đến một người vãng sanh. Không phải là Tịnh Độ khó mà khó ở chỗ chúng ta không chịu làm.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, vãng sanh Tịnh Độ khó như vậy sao?”. Hòa Thượng nói: “Vãng sanh không khó! Tại vì anh không muốn đi. Anh lưu luyến, anh vướng mắc vào trong cái ta và cái của ta. Anh nắm chặt nó, anh không muốn buông, vậy thì làm sao có thể đi!”. Ví dụ đã đến giờ ra sân bay rồi nhưng chúng ta vẫn cứ chần chừ, sắp đặt việc này việc kia, rồi ôm hôm tạm biệt từng người, đến khi ra sân bay thì đã nhỡ chuyến bay. Nếu muốn về Tây Phương, chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, đến giờ khởi hành thì khởi hành, vậy mới không bị trễ. Nếu muốn đi thì phải hoàn toàn không vướng bận, không dính mắc, triệt để buông xả, vĩnh viễn giữ tâm thanh tịnh, bình đẳng, vĩnh viễn giữ tâm không bị cảnh giới xoay chuyển. Chúng ta bị trói buộc bởi tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tài sắc danh thực thùy, tham sân si mạn. Chúng ta cam tâm tình nguyện để chúng trói buộc.
Hòa Thượng nói: “Cõi Tịnh Độ chân thật chính ở nơi tâm chúng ta. Tâm Tịnh tương ưng với cõi Thanh Tịnh. Tâm thanh tịnh, bình đẳng tương ưng được với Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tương lai khi xả báo thân này, bạn nhất định vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ”. Hòa Thượng đã nói ra cho chúng ta nghe tiêu chuẩn đó. Bất cứ ai cũng đều như vậy, không có trường hợp đặc biệt. Nếu có trường hợp đặc biệt thì đó là “cảm tình dụng sự”, dùng cảm tình để làm việc.
Hòa Thượng nói: “Người thế gian rất đáng thương, tâm không thanh tịnh, tâm không bình đẳng, ở trong thuận cảnh thì khởi tâm ham thích, ưa thích, ở trong nghịch cảnh thì khởi tâm sân hận”. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói trong “Pháp Bảo Đàn Kinh”: “Nếu là người chân thật tu hành thì không thấy lỗi thế gian”.