215Chủ Nhật, 02/01/2022, 09:45
752 · Người Chân Thật Có Thành Tựu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 02/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 752

NGƯỜI CHÂN THẬT CÓ THÀNH TỰU

Thế gian và xuất thế gian pháp, có nghĩa là người ở đời và người ở trong Phật pháp, người chân thật giàu có, người chân thật có đạo hạnh thì không khoe khoang. Người mà khoe khoang là vì họ muốn che giấu nội tâm trống rỗng của họ. Người chú ý bên ngoài thì bên trong rỗng tuếch. Việc này chúng ta cũng thường thấy. Khi tiếp nhận giáo huấn của Phật Đà hay giáo huấn của một Lão sư tốt, nếu người học mà có tâm ngạo mạn, tự cho mình biết, tự cho mình hiểu nhiều, tự làm theo ý mình thì sẽ sai lầm.

Hòa Thượng nói: “Người không có tâm cầu học thì cho dù gặp Thầy giáo tốt cũng không học được thứ gì”. Những năm qua, nhìn quanh một vòng chúng ta cũng có thể nhận ra điều này. Hòa Thượng nói: “Tôi sở dĩ có một chút thành tựu vì cả đời tôi chịu nghe lời và thật làm”. Chúng ta thấy ba điều kiện Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam yêu cầu Hòa Thượng vô cùng hà khắc, chúng ta khó mà tiếp nhận. Hòa Thượng Tịnh Không lúc đó đã là một người xuất gia, là một Đại Đức đã giảng Kinh thuyết pháp. Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam là một Cư sĩ tại gia. Trong mắt người thế gian, hình tượng của người Cư sĩ đã mất 50 điểm. Chúng ta xem trên thế gian này có người thứ hai biết nghe lời như Hòa Thượng không?

Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam đưa ra 3 điều kiện yêu cầu Hòa Thượng Tịnh Không phải tuân thủ:

1. Điều kiện thứ nhất: Những gì ông học trước đây phải bỏ hết!

2. Điều kiện thứ hai: Từ nay về sau, ông chỉ được nghe một mình tôi.

3. Điều kiện thứ ba: Tất cả sách mà ông đọc phải được sự cho phép của tôi thì ông mới được đọc.

Hòa Thượng nói: “Lão Cư sĩ biết tôi học với Giáo sư Phương Đông Mỹ, học với Đại Sư Chương Gia. Vậy mà Ngài bảo tôi bỏ hết không lưu lại trong tâm thứ gì”. Chỉ cần người có tâm ý bao chao, xao động, có một chút ngạo mạn thì sẽ không thể tiếp nhận 3 điều kiện này. Thật ra, bỏ đi là bỏ những thứ chưa nội hóa được, sinh ra phân biệt, chấp trước, tạo thành chướng ngại. Còn những thứ đã nội hóa rồi, đã trở thành đức dụng, diệu dụng của mình rồi thì không cần phải bỏ đi.

Chỉ nghe một vị Thầy để giữ tâm thanh tịnh. Nếu nghe nhiều người, người thì nói Tịnh Độ tốt, người thì nói Mật Tông tốt, người thì nói Thiền Tông, cuối cùng không biết pháp môn nào là tốt và phù hợp với mình. Tôi có một học trò đã từng đi hàng triệu hải lý đến tìm đến tôi để cầu học. Sau đó, người ấy nghe người khác nói rằng tôi xen tạp, bởi vì người niệm Phật mà đi làm giáo dục là “xen tạp”, “không chuyên tâm”. “Xen tạp” mà học 1200 đề tài của Lão Hòa Thượng Tịnh Không chuyên về Tịnh Độ thì cũng nên “xen tạp”. Khi dạy chữ Hán thì tôi lấy cuốn "Nhi đồng học Phật" là những kiến thức thường thức về Phật Học. Còn khi dạy mọi người dịch chữ Hán, tôi dùng cuốn sách “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”. Đây là những bài giảng vô cùng thiết yếu về Tịnh Độ. Những bài giảng này được đăng trên trang web tinhkhongphapngu.net, chúng ta nên đọc. Trong đó, Hòa Thượng nói rất rõ thế nào là “một lòng chuyên niệm”, thế nào là “phát tâm Bồ Đề”.

Lão Cư Sĩ nói với Hòa Thượng: “Nếu đồng ý thì ông ở đây, nếu không đồng ý thì ông đi nơi khác, không sao cả”. Chúng ta phải hiểu cách dụng tâm của người Thầy. Nếu không hiểu cách dụng tâm của người Thầy thì chúng ta sinh tâm bất kính. Nếu sinh tâm bất kính với Thầy thì cả đời không có thành tựu. Hòa Thượng nói: “Tôi chỉ có một chút do dự, nhưng sau đó tôi đồng ý ngay”. Sau ba tháng làm đúng theo lời Thầy, Hòa Thượng đã nhận được lợi ích. Sau năm năm, Hòa Thượng tự động đến nói với Lão sư rằng: “Con xin theo học với Thầy thêm 5 năm nữa”. Hòa Thượng nói: “Sau 10 năm, tôi không có một chút chướng ngại nào”. Tuy chướng ngại bên ngoại vẫn trùng trùng, người ta vẫn tạo ra vô cùng nhiều chướng ngại, hoàn cảnh vẫn còn chướng ngại nhưng tâm của Hòa Thượng không còn chướng ngại.

Người thế gian mong cầu danh lợi, chìm đắm trong tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng. Nơi nào có danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi thì nơi đó có học trò phản Thầy. Mọi người cũng nghe Hòa Thượng giảng, nhưng chỉ nghe tản mạn, nghe lác đác nên không hiểu được. Còn tôi đã dịch hết bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” mà Hòa Thượng giảng ở Cư Sĩ Lâm và đã dịch hết bộ “Kinh hoa Nghiêm Áo Chỉ” mà Hòa Thượng giảng ở Tịnh Tông Học Hội.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook