219Thứ Sáu, 31/12/2021, 09:33
750 · Không Học Không Biết Được Sự Hiếu Kính

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 31/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 750

KHÔNG HỌC KHÔNG BIẾT ĐƯỢC SỰ HIẾU KÍNH

Người xưa nói: “Thánh Hiền do dạy mà ra”. Có thể làm được Thánh Hiền thì phải nhờ sự giáo dục tốt. Người không dạy, người không được học mới trở thành kẻ bất hiếu, bất kính, vô nghì, phản nghịch. Người xưa và người nay đều hết lòng hết dạ nhắc nhở chúng ta. Bác Hồ nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Con người ta vốn sẵn thuần thiện, thuần tịnh. Trong cái thuần thiện, thuần tịnh đó có thuần hiếu, thuần kính nhưng không được khơi dậy để phát huy.

Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”. Năng lực làm Phật mà chúng ta còn có được, huống chi là hiếu và kính. Quan trọng là trong từng giai đoạn phát triển, con người có được tiếp nhận giáo dục chuẩn mực hay không. Con người đến thế gian này, người xưa luôn chú trọng từng giai đoạn giáo dục, bắt đầu từ giáo dục trong bào thai:

Giai đoạn thứ nhất: Trẻ từ 0 đến 3 tuổi, gọi là giai đoạn “Ấu Niên Dưỡng Tánh”.

Giai đoạn thứ hai: Trẻ từ 4 đến 13 tuổi, gọi là giai đoạn “Đồng Niên Dưỡng Chánh”.

Giai đoạn thứ ba: Trẻ từ 13 đến 30 tuổi, gọi là giai đoạn “Thiếu Niên Dưỡng Chí”.

Giai đoạn thứ tư: Người sau 30 tuổi, gọi là giai đoạn “Thành Niên Dưỡng Đức”.

Trẻ nhỏ từ nhỏ đã tiếp xúc với giáo dục tiêu cực, học cãi lộn, học yêu đương với tình cảm kích động thì khi sinh ra, khi lớn lên, chúng cũng bị kích động. Gần đây, báo chí cũng đăng tải thông tin: Khi mang thai, người Mẹ cần ngắm những bức tranh đẹp, nghe những bản nhạc giao hưởng. Khoa học cho rằng đó là những phát minh mới của họ, thật ra người xưa đã nói đến điều này từ lâu. Người xưa không chỉ chú trọng giáo dục từ lúc trẻ 0 tuổi mà còn chú trọng giáo dục thai giáo, thậm chí chú trọng giáo dục từ lúc Cha và Mẹ kết hợp với nhau để lập gia đình.

Trong bài giảng “Hạnh phúc trong một ý niệm”, Thầy Thái Lễ Húc nói: “Trước khi lập gia đình,xin hỏi các vị có ai học cách làm vợ không? Có ai học cách làm chồng không? Có ai học cách làm Mẹ không? Các vị chưa học qua mà đã kết hôn và sinh con. Các vị thật cam đảm! Xin nhận của tiểu đệ một lạy”. Thầy Thái cười vui nhưng lời nói của Thầy hàm ý rất sâu xa. Người xưa, sự kết hợp của hai người vô cùng quan trọng, có sự chứng minh của Trời Đất, có sự chứng minh của hai họ, rất chánh đại quang minh, đường đường chánh chánh. Cho nên họhết sức trân trọng sự kết hợp thành vợ thành chồng.

Người xưa, người Mẹ khi mang thai phải rất thận trọng và cẩn thận. Người Mẹ lúc mang thai không nói lớn tiếng, đi đứng nói năng luôn nhẹ nhàng, ăn uống luôn cẩn thận. Sau khi sinh con, người Mẹ cũng phải vô cùng cẩn thận. Khi tôi còn nhỏ, Mẹ tôi sinh ra 7 đứa em. Mẹ tôi nằm cữ một tháng, nằm trên giường bên cạnh bếp than. Bà chỉ ăn rau lang luộc, ăn rau cải ngọt, không ăn rau cải xanh vì cải xanh có tính hàn, mát. Các loại thịt cá cũng phải lựa chọn loại phù hợp với người mới sinh con. Người xưa đến lúc già, các cụ vẫn rất khỏe, chân tay không nhức mỏi. Người trẻ ngày nay không biết bảo dưỡng thân thể lúc mới sinh nở nên mới ít tuổi mà đã nhức mỏi chân tay.

Hòa Thượng nói: “Thế gian này mấy người có được đời sống an vui! Ngày xưa, trẻ nhỏ rất an vui. Hiện tại thì không được rồi! Trẻ nhỏ ngày nay bị ô nhiễm từ nhỏ cho nên không được an vui. Chúng luôn ở trong trạng thái khẩn trương vì bị ảnh hưởng bởi những chương trình trên điện thoại”. Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng rất khẩn trương, làm gì cũng vội vàng để còn chơi game. Tôi may mắn không biết đến những trò chơi đó. Hồi mới mua máy vi tính, tôi chỉ một vài lần chơi trò ăn nấm nhưng không đam mê.

Hòa Thượng nói: “Trẻ nhỏ thời xưa thiên chân, lan man, chỉ biết ăn ngủ, vui đùa, ngoài ra không biết đến thứ gì”. Ngày xưa, tôi không yêu cầu, không đòi hỏi và cũng không được phép yêu cầu, đòi hỏi người lớn. Một năm Mẹ mua cho tôi một đến hai bộ quần áo mới, toàn là hàng chợ rẻ tiền nhưng tôi rất vui thích. Tôi nhớ nhất là mỗi lần Mẹ đi chợ về, hôm nào Mẹ mua cho một túi khoai mỳ thì tôi đã cảm thấy rất sang trọng lắm rồi. Hôm nào Mẹ mua cho chúng tôi bánh lá hấp thì đó là bữa đại tiệc. Những hình ảnh đó đi theo tôi suốt cuộc đời. Đó là những kỉ niệm hồn nhiên, lan man, đậm chất thôn quê.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook