Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 30/12/2021.
****************************
SAU KHI HỌC ĐỆ TỬ QUY RỒI MỚI BIẾT HIẾU THUẬN CHA MẸ
Hiếu thuận Cha Mẹ là nền tảng căn bản từ khi làm người mãi cho đến khi thành Phật. Chúng ta không những phải hiếu thuận Cha Mẹ mà còn phải làm ra biểu pháp cho người khác noi theo. Việc chúng ta hiếu thuận Cha Mẹ, làm ra mô thức tốt cho người khác xem không cản trở việc chúng ta hành trì câu “A Di Đà Phật”. Nhưng đa phần người học Phật không hiểu điều đó, tự cho cái thấy cái biết của mình là đúng, rồi đi bài bác người khác, cho rằng người khác là xen tạp. Tội phỉ báng đó rất nặng nề.
Làm con phải hiếu với Cha Mẹ. Họ chính mình không thực hành hiếu đạo, không những phỉ báng mà còn cản trở người khác. Người trưởng tràng niệm Phật mà nói rằng “không được học Đệ Tử Quy” thì họ niệm Phật chỉ là giả chứ chưa phải niệm Phật thật. Nếu người nào một lòng một dạ chuyên tâm niệm Phật, không còn bị xen tạp bởi tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn thì người đó cũng đang hành hiếu. Chúng ta phải xem chính mình xem mình đã hết lòng hết dạ niệm Phật chưa hay vẫn còn tham sân si mạn, danh vọng lợi dưỡng?
Hòa Thượng nói: “Sau khi học Đệ Tử Quy rồi mới biết hiếu thuận với Cha Mẹ”. Rất nhiều người ban đầu nghe pháp Hòa Thượng, nhưng sau đó bỏ. Họ không dám nói Hòa Thượng là xen tạp nhưng dần dần tránh mặt hoặc có một lối đi riêng. Chúng ta hành hiếu, làm ra mô phạm tốt về việc hành hiếu, việc này không hề cản trở việc niệm Phật. Chúng ta hành hiếu tốt, hỗ trợ tốt cho niệm Phật. Chúng ta niệm Phật tốt, hỗ trợ tốt cho việc hành hiếu. Hai việc này tương hỗ tương thành, không chướng ngại cho nhau. Chúng ta hiếu kính với tất cả chúng sanh chứ không chỉ hiếu kính với Cha Mẹ của mình. Tôi gửi về biếu Mẹ tôi một hũ dưa hay một mớ rau thì tôi gửi cho người khác một hũ dưa, một mớ rau giống y như vậy. Hàng tháng, tôi biếu Mẹ 2 triệu. Khi người khác cần, tôi biếu họ gấp đôi, gấp ba như vậy.
Họ làm không được việc hành hiếu Cha Mẹ, sinh tâm đố kỵ, rồi bài xích. Ngày nay, đạo đức văn hóa truyền thống ngày một nhạt nhòa. Các cấp Lãnh đạo Nhà nước cực lực xiển dương văn hóa truyền thống. Tối hôm qua, tôi nghe lại bài phát biểu của Bác Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Người Lãnh đạo nhà nước đang nói đến những đạo lý, đạo đức mà xã hội đang cần, cho nên rất nhiều người tán thán, mong Bác khỏe mạnh, sống lâu.
Trong xã hội ngày nay, tâm hiếu hạnh của con người ngày một ít đi. Con cái mắng chửi Cha Mẹ, đánh đập Cha Mẹ ngày càng diễn ra phổ biến. Điều đó rất là đau lòng! Có người con dâu ở Bắc Giang nấu lá ngón cho cả nhà ăn, may mà kịp cứu, nếu không thì cả nhà chết oan. Đó là do họ không được tiếp nhận giáo dục. Nếu họ được giáo dục đạo đức, tiếp nhận đạo lý nhân quả, đạo lý cảm ứng thì nghĩ đến việc ác còn không dám nghĩ đến, càng không dám làm.
Trong khi chúng ta tích cực phổ biến hiếu đạo thì họ lại bài bác. Đáng nhẽ họ phải hỗ trợ, nếu không hỗ trợ thì cũng nên tán thán chứ không nên bài bác. Chúng ta thấy làm việc tốt không dễ. Chúng ta đề xướng hiếu đạo, dạy đạo lý cảm ứng, đạo lý nhân quả, dạy người biết “chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh”.
Có những chuyện khi chính mình làm, cố làm ra nhưng bản thân không có cảm nhận. Bản thân họ khổ trùng trùng, con cái bất hiếu, ngang tàng, thậm chí con cái bán hết nhà cửa của Bố Mẹ. Họ ngồi đó niệm Phật, cho rằng mấy người đó là nghiệp chướng, rồi sẽ đọa địa ngục, còn họ làm Phật Bồ Tát. Đó là tự gạt mình, gạt người. Họ cho rằng niệm Phật như nhai trầu thì thành Phật được sao!
Phật nói rất rõ: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Tâm chúng ta như thế nào? Nếu tâm chúng ta chuyển thì hoàn cảnh cũng chuyển. Chướng ngại không ở đối phương mà chướng ngại ở nơi chính mình. Lời Phật nói không hề sai. Con chúng ta ngỗ nghịch, bất hiếu, ngang tàng, bán hết nhà cửa của chúng ta bởi vì chính chúng ta không hành hiếu cho con chúng ta thấy, hoặc có làm nhưng làm mờ nhạt, không rõ nét cho nên không thể chuyển đổi được.
Phật nói: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. “Y báo” là hoàn cảnh xung quanh ta. “Chánh báo” là tâm ta. Tâm chúng ta phải là hoàn toàn thuần tịnh, thuần thiện, không tự tư tự lợi, không danh vọng lợi dưỡng, hạ năm dục sáu trần xuống mức thấp nhất, không tham sân si mạn thì hoàn cảnh xung quanh sẽ chuyển đổi. Chúng ta học tập Hòa Thượng Hải Hiền, thật thà niệm “A Di Đà Phật”. Nếu chúng ta còn nguyên những tập khí xấu mà niệm Phật thì đó không phải là thành thật niệm Phật mà chỉ là niệm Phật cho dễ coi.