34128/12/2021, 10:44 29/12/2021, 20:36
747 · Xã Hội Hiện Tại Người Bất Hiếu Cha Mẹ Rất Nhiều

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 28/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 747

XÃ HỘI HIỆN TẠI NGƯỜI BẤT HIẾU CHA MẸ RẤT NHIỀU

Trên “Kinh Vô Lượng Thọ”, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta tiêu chuẩn của người niệm Phật vãng sanh Cực Lạc chính là Tịnh Nghiệp Tam Phước. Trong đó, câu đầu tiên mà Thích Ca Mâu Ni Phật nhắc đến là: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng”. Con cái nhất định phải hiếu thảo với Cha Mẹ, học trò nhất định phải kính trọng Thầy Cô.

Hòa Thượng nói: “Xưa nay trong và ngoài nước, không có người nào bất hiếu Cha Mẹ, bất kính Thầy mà thành tựu. Thế gian pháp và xuất thế gian pháp đều xem trọng hiếu đạo”. Người làm con cái nhất định phải hiếu thảo với Cha Mẹ, đây là đạo tự nhiên của Trời Đất. Người làm học trò nhất định phải kính trọng Thầy Cô, đây là đạo tự nhiên của Trời Đất. Người không hiếu thảo với Cha Mẹ, không kính trọng Thầy Cô thì không có tư cách làm người, chưa nói đến tư cách làm Phật Bồ Tát. Tất cả phải nhờ giáo dục mà nên. Nếu không được tiếp nhận giáo dục tốt thì bất hiếu Cha Mẹ, bất kính Sư trưởng đương nhiên xảy ra.

Ngày xưa, con người phải viết thư tay. Trong xã hội hiện đại, nhiều tiện nghi vật chất, người ta chỉ chỉ cần gọi điện video, thì đã có thể gặp mặt, cho nên mức độ thân tình không bằng ngày xưa. Ngày xưa, tôi đi học thường đi ngang qua bưu điện, thường ghé vào bưu điện xem có lá thư nào gửi cho mình không. Tôi ghé vào bưu điện mấy chục lần mới có một lần nhận được một lá thư. Mỗi lần nhận được thư tôi rất vui. Người ngày nay rất ít có niềm vui đó.

Hòa thượng nói: “Chúng ta bình lặng mà quán sát xã hội này, người bất hiếu Cha Mẹ quá phổ biến”. Khi Cha Mẹ bệnh bặng, cần sự quan tâm chăm sóc của con cái nhưng con cái không ở bên cạnh. Những người con đó biết Cha Mẹ bệnh nhưng cho rằng Cha Mẹ đã già rồi, họ bỏ mặc Cha Mẹ. Tình huống này ngày nay rất phổ biến. Người gửi một ít tiền hoặc giúp Cha Mẹ làm hậu sự thì đã được xem là con hiếu thuận. Hoặc con cái ủy thác người thân thích, bạn bè chăm sóc Cha Mẹ cũng được coi là không tệ. Người như vậy quá nhiều! Giáo dục hiếu đạo phải bắt đầu từ cấp mầm non. Nếu chúng ta dạy con cái hiếu thảo Cha Mẹ, quan tâm Cha Mẹ, chăm sóc Cha Mẹ từ cấp mầm non thì khi lớn lên con cái mới hiểu được. Giáo dục hiện đại ở phương Tây chỉ chú trọng đến “tự do hoạt bát”. Họ quan niệm rằng học đường là nơi vui chơi tùy thích, không phải là nơi học khuôn khổ, chuẩn mực để trưởng thành.

Gần đây, có giáo sư tiến sĩ còn có ý kiến bỏ câu “tiên học lễ, hậu học văn” ở trường học. Khi con người không còn biết bổn phận của con người, giờ lại tiếp tục bỏ đi chuẩn mực làm người thì con người sẽ ra sao? Một người mà bất hiếu Cha mẹ, bất kính với Lão sư, thì họ không thể là một người “trung quân, ái quốc”. Người chỉ chú trọng tiền tài danh vọng sẽ rất dễ dàng bị mua chuộc, rất dễ dàng chạy theo tiền tài danh vọng. Không hiếu kính Cha Mẹ, không tôn trọng Lão Sư, không có tâm yêu thương thì không có tâm đồng cảm với người khác. Cho nên giáo dục mầm non vô cùng quan trọng. Giáo dục thai giáo quan trọng hơn nhưng không có nhiều người biết.

Bà Triệu Lương Ngọc, Mẹ của Ngài Chung Mao Sâm khi bắt đầu mang thai đã sống rất chuẩn mực. Khi vừa mang thai, bà trở về nhà sống với Bố Mẹ của mình. Khi sinh con ra, bà uốn nắn con từ nhỏ cho đến lúc con trưởng thành. Bà nói: “Tôi không là Tiến sĩ, nhưng tôi có thể là mẹ của Tiến sĩ”. Con trai của bà đã trở thành một Tiến sĩ giỏi, bây giờ là một Pháp sư đạo hạnh. Hiện nay Thầy đã nhập thất 10 năm.

Một người con hiếu đạo, hiếu hạnh với Cha Mẹ, một người học trò biết kính trọng Lão sư là phải được dạy từ nhỏ. Nếu không được dạy từ nhỏ thì không thể làm được. Cho nên người học Phật Đại thừa, nhìn thấy lỗi lầm đó không phải ở nơi những người con, mà là vì họ không được dạy. Gia đình và và trường học đều không có những tấm gương để dạy cho họ về hiếu hạnh, về tôn sự trọng đạo.

Năm 1996, tôi đi du học ở nước ngoài. họ cũng có ngày Nhà giáo, nhưng ngày đó không được xem trọng, rất đìu hiu, vắng vẻ. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi dọn phòng, kết hoa, bày tiệc, mời các Thầy Cô giáo đến tham dự, tổ chức tưng bừng khiến các Thầy Cô giáo rất ngạc nhiên và rất vui. Tôi chia sẻ cho Thầy Cô biết rằng, vào ngày này ở Việt Nam, hoa tươi được bán ở khắp nơi trên đường phố. Các Thầy Cô giáo được tặng hoa tưng bừng, có người phải thuê xe xích lô để chở hoa về nhà. Thầy Cô đã rất ngạc nhiên. Thật ra phải có sự quan tâm của người trên, của trưởng bối, thì những người nhỏ họ mới biết bắt chước làm theo. Ngày lễ tôn sư trọng đạo mà Cha Mẹ nhắc nhở, quan tâm thì con cái mới làm theo.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook