Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 27/12/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 746
CÁI GÌ GỌI LÀ PHẬT PHÁP? HIẾU THÂN TÔN SƯ
“Hiếu thân tôn sư” là nền tảng căn bản của thế gian và xuất thế gian. Khi có ai hỏi “Phật pháp là gì?”, Hòa Thượng chỉ nói một chữ “Hiếu”: Hiếu thân tôn sư, hiếu với Cha Mẹ, hiếu với Thầy.
Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Đức Phật nói về “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, trong đó phước đầu tiên là: “Hiếu dưỡng Cha Mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Tu học bất cứ pháp môn nào thì “Hiếu” là nền tảng căn bản, không có nền tảng căn bản thì không có thành tựu.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không thể không hiểu rõ đạo lý này, không thể là người bất hiếu. “Hiếu thân tôn sư” là căn bản, từ “hiếu thân” mới có thể “tôn sư”. Không luận là thế gian hay xuất thế gian, bạn cắm gốc từ “hiếu thân” thì mới có nền tảng căn bản, mới có thể thành tựu”. Biết hiếu kính Cha Mẹ thì mới biết tôn trọng Thầy. Người có nền tảng này mới có thành tựu ở thế gian hay đạo học ở xuất thế gian. Rất ít người nói đến điều này. Chỉ có Hòa Thượng nói đến. Người ta chỉ nói đến niệm Phật thế nào để vãng sanh, tu học thế nào để thành tựu nhưng không quan tâm đến hiếu đạo.
Có hai Cha con cùng tu trong một đạo tràng. Người con chê người Cha niệm Phật không đúng pháp nên đã mở một đạo tràng khác để tu cho đúng pháp. Người con đó đã làm một việc “thương thiên bại lý”. Người làm con mà thấy Cha có lỗi, làm con mà thấy Cha tu hành không bằng mình, vậy thì đạo tràng con niệm Phật đúng hơn đạo tràng của Cha, hay đạo tràng của Cha tu đúng hơn đạo tràng của con?
“Đệ Tử Quy” dạy:
“Cha Mẹ lỗi, khuyên thay đổi
Mặt ta vui, lời ta dịu
Khuyên không nghe, vui can tiếp
Dùng khóc khuyên, đánh không giận”.
Người dạy đạo rất nhiều, nhưng chỉ nói những đạo lý cao xa như làm thế nào để thành Phật, làm thế nào để thành Bồ Tát mà quên học làm thế nào để trở thành một con người chuẩn mực. Một người không chuẩn mực thì làm sao có đủ tư cách để trở thành Phật Bồ Tát! Phật Pháp cũng phải có thứ tự, không thể đi ngang về tắt. Tư cách để làm người gọi là Nhân Đạo, tư cách một người làm Thiên nhân gọi là Thiên Đạo rồi mới đến tư cách một người làm Phật gọi là Phật đạo.
Nhiều người tuy đã học Phật, tu hành nhiều năm nhưng không có thành tựu. Họ không hiểu vì sao, cuối cùng nghi ngờ pháp của Phật. Trước đây, có một người lạy Phật rất tinh tấn nói với tôi rằng: “Con không thể lạy được Cha Mẹ”. Người ấy niệm Phật hoài mà không có lợi ích, cuối cùng cũng bỏ niệm Phật.
Hiếu và Kính là tánh đức của tất cả chúng sanh muôn loài, và cũng là tánh đức của chúng ta. Nếu chúng ta không khởi được tâm Hiếu Kính thì câu niệm Phật chỉ là giả. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới của Hiếu Kính. Người không hành Hiếu Kính thì không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Chúng ta có Cha Mẹ hiện đời, Cha Mẹ quá khứ. Cha Mẹ quá khứ thì rất nhiều. Trong “Hiếu Kinh”, Phật nói: “Tất cả thân nam nhân là Cha ta thời quá khứ, là những vị Phật tương lai. Tất cả thân nữ nhân là Mẹ ta thời quá khứ, là những vị Phật tương lai”. Chúng ta phải hiếu kính với tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều là Cha Mẹ nhiều đời của chúng ta, và đều là những vị Phật tương lai. Vâỵ thì tâm của chúng ta phải là một mảng hiếu kính.
Hòa Thượng nói: “Người không “hiếu thân tôn sư” sẽ không có thành tựu. Cho dù họ có thành tựu thì thành tựu đó chỉ giống như hoa ở trong bình. Người hiểu được “hiếu thân tôn sư” là người có nền tảng như cây có gốc, như hoa có gốc”. Hoa cắm ở trong bình chỉ đẹp một vài ngày rồi úa tàn vì không có gốc, không có gốc thì không thể phát triển. Gốc chính là “hiếu thân tôn sư”. Cây có gốc mới có thể chịu được nắng mưa, dù mưa to gió lớn cũng không bị khô héo, mỗi năm lại có cành lá mới, đơm hoa kết trái.
Hòa Thượng nói: “Quan niệm của người xưa nói rằng: Bất hiếu là tội nghiệp cực trọng, trái với giáo huấn của Lão Sư”. “Sư” là Thầy. Vị Lão sư lớn nhất chính là Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta thường niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Sư là Thầy, Bổn là gốc, là vị Thầy ban đầu. Thích Ca Mâu Ni là vị Thầy ban đầu, là vị Thầy của các vị Thầy trong nhiều thế hệ. Tất cả những lời Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta đều tốt cho thân tâm của chúng ta. Từ khẩu giáo, thân giáo mà Phật đã làm, đã nói đều là tốt cho chúng ta. Chúng ta làm trái nghịch, làm ngược lại với giáo huấn của Lão Sư là “đại nghịch bất đạo”, tạo ra tội nghiệp cực trọng.