226Chủ Nhật, 26/12/2021, 13:37
745 · Chúng Ta Làm Theo Thiện Tri Thức Thì Đúng Rồi

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 26/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 745

“CHÚNG TA LÀM THEO THIỆN TRI THỨC THÌ ĐÚNG RỒI!”

Thiện tri thức ở đây là chỉ Phật Bồ Tát hoặc những bậc tu hành chân chánh, chánh đạo. Thiện tri thức không phải là người mình thích, người mình có cảm tình vì ăn nói có duyên, vì đẹp trai. Có tiêu chuẩn của thiện tri thức. Hiện tại rất nhiều người học Phật có cảm tình với ai đó thì coi đó là thiện tri thức. Như vậy là đại họa. Khi chúng ta có cảm tình với họ thì gọi họ là thiện tri thức, khi chúng ta không có cảm tình với họ thì gọi họ là ác tri thức.

Có người nói họ đã tìm được minh sư. Tôi hỏi: “Vị minh sư đó ở đâu? Năm nay bao nhiêu tuổi?”. Họ trả lời: “Vị minh sư này ở miền Tây, năm nay 30 tuổi”. Tôi nghĩ: “Người 30 tuổi thì có bao nhiêu năm tu hành? Bao nhiêu năm tháng lên bờ xuống ruộng?”.

Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, các bậc thượng căn “một nghe ngàn ngộ”. Hòa Thượng nói: “Thời kỳ Mạt Pháp thì không có người “một nghe ngàn ngộ”. Cho nên chúng ta cần phải trải qua năm tháng tu hành, sửa đổi thì mới có một chút đức hạnh. Ngài Hải Hiền 92 năm niệm Phật miên mật. Cả một đời, ngoài câu “A Di Đà Phật” ra, Ngài không biết gì hết. Ngài tự tại vãng sanh lưu lại toàn thân xá lợi. Hòa Thượng tu hành hơn 60 năm, thông tông thông giáo, giảng được cả các kinh của tôn giáo bạn, nhưng cả đời Ngài chỉ một câu “A Di Đà Phật”, một môn thâm nhập, một pháp chuyên cần. Đó mới là những bậc thiện tri thức. Hòa Thượng nói: “Làm theo thiện tri thức thì đúng rồi!”. Thiện tri thức của Hòa thượng là Chương Gia Đại Sư, là Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam.

  Thiện tri thức phải có tiêu chuẩn:

⮚ Thiện tri thức cả đời phải xa lìa tập khí, xa lìa tự tư tự lợi, xa lìa danh vọng lợi dưỡng, xa lìa năm dục sáu trần, xa lìa tham sân si mạn

⮚ Thiện tri thức “lấy khổ làm Thầy, lấy giới làm Thầy”.

⮚ Thiện tri thức phải là người hướng đạo chúng ta, khuyên răn chúng ta không rơi vào tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn.

Hòa Thượng cả đời “tam bất quản”, không quản tiền, không quản việc, không quản người. Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chúng ta gần người xem nhẹ danh lợi thì chúng ta cũng xem nhẹ danh lợi. Chúng ta gần người nặng danh lợi thì chúng ta cũng nặng danh lợi. Chúng ta gần người tham cầu danh vọng lợi dưỡng thì chắc chắn chúng ta ít nhiều cũng tham cầu danh vọng lợi dưỡng.

Trước đây, có người nói với tôi: “Con muốn mở quán chay”. Tôi nói: “Con không nên làm vì khi kinh doanh sẽ bị dính vào lời lỗ, mất hết đạo tâm”. Người ta ban đầu muốn làm đồ chay để giúp mọi người ăn chay. Đó là ý tưởng hay, nhưng tâm cảnh thì không như vậy. Khi làm, họ tăng giá dần, cuối cùng không ai dám đến ăn vì họ bán đắt quá. Có người nói với tôi: “Thưa Thầy, có người muốn cúng dường một khoản tiền rất lớn ạ”. Tôi nói: “Lần sau không được nhắc đến việc này với tôi. Nếu còn nhắc đến thì tôi sẽ xóa số điện thoại”.

Người xưa nói: “Đáng làm quân tử thì vui làm quân tử. Đáng làm tiểu nhân thì vui làm tiểu nhân”. Nếu chúng ta không có phước báu thì càng nhiều tài vật thì càng nhiều đại họa. Người xưa có câu rất hay: “Hiền nhân đa tài tắc tổn kỳ trí, ngu nhân đa tài ít tăng kỳ quá”. Người hiền mà nhiều tiền của, nhiều danh vọng lợi dưỡng thì sẽ bị nhụt chí, tổn hại chí hướng của họ. Họ không muốn xa lìa thế gian này bởi vì thế giới này đối với họ là “Cực Lạc”, họ không muốn đi tìm Cực Lạc chân thật. Kẻ ngu mà nhiều tiền của thì tăng thêm lỗi lầm của họ.

Chúng ta phải hết sức sáng suốt chứ không dùng cảm tình mà làm việc. Đa phần chúng ta dùng cảm tình để làm việc. Phật dạy: “Y trí bất y thức”, y theo trí tuệ chứ không y theo cảm tình. Theo cảm tình mà làm việc thì chắc chắn sẽ sai, không sai trước thì sẽ sai sau. Người dùng cảm tình làm việc thì chắc chắn không làm được việc lớn, mới có một chút việc nhỏ thì bị rơi vào danh lợi. Có một chút tiếng tăm cũng là “lợi”.

Tôi rất may mắn! Khi bắt đầu dịch thuật, tôi chỉ dịch những bài giảng của Hòa Thượng Tịnh Không. Đến năm 36 tuổi, Hòa Thượng Tịnh Không đã “tam bất quản”, không quản người, không quản việc, không quản tiền. Tôi cố gắng học theo Ngài nhưng học 15 năm rồi mà vẫn chưa giống Ngài. Chúng ta để ý sẽ thấy đúng là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, Thầy nào trò đó. Đừng tưởng rằng ý niệm trong tâm họ là tự tư tự lợi thì người khác không nhìn thấy. Bên ngoài tưởng như họ đang vì xã hội, vì chúng sanh phụng hiến nhưng bên trong họ tự tư tự lợi. Họ quá cuồng vọng vì tưởng rằng người khác không nhận ra. Hòa Thượng nói: “Bạn chỉ gạt được người tâm ý qua loa. Người có một chút tâm se se thanh tịnh thì họ nhìn ra ngay. Thánh Hiền nhân, Phật Bồ Tát càng nhìn rõ”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook