24824/12/2021, 09:47 26/12/2021, 16:16
743 · Chúng Ta Học Phật Trước Tiên Phải Tự Giác

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 24/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 743

“CHÚNG TA HỌC PHẬT TRƯỚC TIÊN PHẢI TỰ GIÁC”

Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta phải tự kiểm điểm bản thân, mình có lỗi lầm gì thì phải tự thay đổi, tự sửa đổi, tự làm mới, không để cho người khác phải nhắc đi nhắc lại. Nếu để người khác phải nhắc đi nhắc lại thì chúng ta không thể làm biểu pháp cho tha nhân. Cũng giống như người bệnh mới biết chính mình bị bệnh gì, phải uống đúng thuốc thì mới khỏi bệnh, nếu không uống đúng thuốc thì bệnh sẽ càng nặng hơn. Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật, trước tiên phải tự giác. “Tự giác” là gì? Hiện tại toàn thân bạn có bệnh. Bạn có bệnh, phải cầu bác sĩ để có cơ hội hi vọng hồi phục, khỏe mạnh”. Thân bệnh hay tâm bệnh đều như vậy, đều phải dùng đúng thuốc, đúng phương pháp, nếu dùng sai thì bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Chúng ta tự phản tỉnh xem bấy lâu nay mình có dùng đúng thuốc không? Đã tự giác điều trị tâm bệnh của mình chưa? Nhiều người tu học không lo điều trị tâm bệnh của mình mà cứ lo đi điều trị bệnh của người khác. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá”, người chân chính tu hành không thấy lỗi thế gian. Người chân chính tu hành phải tự phản tỉnh kiểm điểm lỗi lầm của mình, tự sửa lỗi của mình. Đây là điều hết sức quan trọng.

Có bệnh mà không điều trị bằng những phương thuốc đặc trị thì không khỏi được bệnh. Bồ Tát phải hành Bồ Tát đạo: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ. Chúng ta nói câu này rất giỏi nhưng không hành một cách thiết thực thì chỉ giống như người bệnh sắc thuốc, thuốc sắc ra thì bỏ, không được uống vị thuốc mà chỉ là uống xác thuốc, không thể khỏi bệnh.

Kiểm điểm, phản tỉnh bản thân chính là tự giác. Chúng ta đã học được hơn 700 đề tài. Người nghe được hơn 100 đề tài đã không còn mong cầu, van xin. Như vậy là tốt rồi! Trước đây, nhiều người học Phật nhưng đến với Phật là nương nhờ, ý lại, cầu xin ban phước. Bây giờ chúng ta cần tiến lên một bước nữa là phải tự giác, kiểm soát và nhận chân được mọi khởi tâm động niệm của bản thân. Chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được khởi tâm động niệm của bản thân nhưng không để nó tùy tiện phát tác. Nếu tập khí khởi lên thì chúng ta phải hạn chế nó đến mức thấp nhất, không để phát tác một cách tùy tiện. Đó chính là tu hành. Người tu học niệm Phật một ngày 10 tiếng nhưng tập khí vẫn còn nguyên, tâm tham vẫn tham. Trong khi tham là đầu mục của tất cả vạn ác.

Hòa Thượng nói: “Trị bệnh thì phải uống vị của thuốc chứ không phải là uống tên thuốc”. Ví dụ chúng ta nói đến “hành Bồ Tát đạo”. Bồ Tát hành trì như thế nào? Bồ Tát ngày ngày hành trì bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Hòa Thượng nói: “Tôi là người học Phật chứ không phải là người Phật học”. Người học Phật là người uống vị thuốc. Người Phật học là người uống tên thuốc, chỉ nói mà không làm.

Hòa Thượng nói: “Người học Phật trước tiên phải tự giác”. Tự giác là tự kiểm điểm những sai phạm, những lỗi lầm của chính mình để thay đổi, làm mới một cách triệt để. Người như vậy mới đạt được lợi ích chân thật từ nơi học Phật, nếu không thì không đạt được lợi ích gì cả.

Hòa Thượng nói: “Nếu như chính mình không biết thân mình có bệnh, không biết tìm thuốc uống thì chỉ có nước chờ chết, không có hi vọng. Còn tâm bệnh cũng như vậy, phải biết mình bệnh chỗ nào, bệnh gì nặng nhất, dùng phương thuốc gì cho thật sự hữu hiệu”. Người xưa đã làm biểu pháp cho chúng ta. Các Ngài là những bậc tu hành cao thâm nhưng các Ngài tìm về nơi tịnh tĩnh để giữ tâm thanh tịnh. Công phu và sức định của các Ngài so với chúng ta rất cao nhưng các Ngài vẫn xa lìa thế giới muôn màu để không làm cho tâm mình bị động loạn.

Hòa Thượng nói: “Sợ nhất là không biết chính mình có bệnh. Mê hoặc là bệnh, bất giác là bệnh, phiền não là bệnh, tà kiến là bệnh, ô nhiễm là bệnh, rất nhiều bệnh”. Chúng ta có bệnh không? Chúng ta có mơ mơ hồ hồ không? ? Làm sai mà không biết mình sai. Nghĩ mình không có bệnh nhưng Phật Bồ Tát thấy mình bệnh rất nghiêm trọng, hay chỉ cần là người có tâm se se thanh tịnh thì đã nhìn thấy rõ ràng. Chúng ta suốt ngày phiền não, “xuất cảnh sinh tình”, hoàn cảnh nào cũng khiến chúng ta phiền não. Tà tri tà kiến cũng là bệnh nghiêm trọng. Làm mà không biết đúng hay sai.Việc làm không rõ ràng, không chánh đại quang minh mà cũng không biết.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook