241Thứ Năm, 23/12/2021, 08:09
742 · Vì Sao Nhan Hồi Đoản Mạng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 23/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 742

VÌ SAO NHAN HỒI ĐOẢN MẠNG?

Ngài Nhan Hồi là một trong những học trò lớn của Khổng Lão Phu Tử. Vì sao Hòa Thượng nhắc đến tích này? Ngài Nhan Hồi rất giỏi, đức hạnh cao thâm nhưng mất lúc hơn 30 tuổi. Ngài thông minh tài trí, đức hạnh hơn người nhưng tuổi thọ rất ngắn. Hòa Thượng muốn dẫn chứng một câu chuyện xưa có thật để cảnh tỉnh chúng ta. Mỗi chúng ta cứ nghĩ là còn lâu mình mới chết. Hòa Thượng nhắc đến câu chuyện của Ngài Nhan Hồi để cảnh tỉnh chúng ta. Ngài Nhan Hồi ăn cơm bằng cái rá, uống nước bằng cái phễu tre, đời sống đức hạnh rất cao thâm, không màng danh lợi. Người ngoài nhìn vào thì thấy đời sống của Ngài quá thanh đạm, quá kham khổ nhưng Ngài thấy đó là niềm vui không gì bằng, không có gì vướng bận.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đừng dùng ánh mắt phàm phu để nhìn vào mà nói rằng Nhan Hồi tài đức hơn người mà bị đoản mạng. Chúng ta phải dùng ánh mắt của người học Phật, người có tu dưỡng thì mới nhìn thấy Nhan Hồi là Bồ Tát thị hiện. Ngài thông minh, trí tuệ hơn người vì nhiều đời bố thí pháp. Nhưng Ngài đoản mạng vì không bố thí vô úy. Tất cả đều là tiền nhân hậu quả, nhân trước quả sau chứ không phải là tự nhiên. Mọi duyên ngộ tốt hay xấu trên thế gian này đều là tự làm tự chịu”.

Nếu chúng ta không hiểu về luật nhân quả thì cứ than thân trách phận, oán trời trách người, cho rằng mình kém may mắn. Chúng ta có thân người đã là một sự may mắn lớn rồi. Nếu chúng ta đủ nhẫn nại vì việc khó đến mấy cũng có thể vượt qua. Nếu biết mình ít tu, phước mỏng, nghiệp dày thì tăng cường phấn đấu nỗ lực tu phước, tu huệ thì phước huệ sẽ tăng trưởng. Người có phước huệ tăng trưởng thì đời sống vật chất và đời sống tinh thần đều sẽ tốt lên.

Trong Phật pháp thường nói: “Bồ Tát sợ nhân. Chúng sanh sợ quả”. Chúng sanh khi quả báo hiện tiền thì mới lo sợ, hối hận nhưng không kịp. Bồ Tát không sợ quả báo. Khi quả báo đến, Bồ Tát vui vẻ tiếp nhận vì hiểu rõ mình không thể tránh khỏi, nhân trước quả sau, tự làm tự chịu, mình đã tạo nhân thì mình nhận quả, không những không oán trời trách người mà còn vui vẻ tiếp nhận. Chúng ta phải hiểu rõ chỗ này. Đa phần chúng ta không bằng lòng với hiện tại, luôn luôn cảm thấy không hài lòng. Cảm thấy không hài lòng là thấy chưa thông. Chúng ta có mặt trên cuộc đời này là đã may mắn lắm rồi. Biết bao nhiêu con người không thể có mặt trên cuộc đời này. Biết bao nhiêu con người đã có mặt trên cuộc đời này nhưng người không ra người, sống không được, chết không xong. Chúng ta phải biết rõ, nhân quá khứ đã tạo thì không có cách nào tránh quả. Chúng ta đã thiếu nợ họ trong quá khứ thì những người đó họ sẽ biện bạch cùng ai?

Chúng ta phải nhìn cho thấu. Tất cả mọi đãi ngộ tốt xấu đều do chúng ta tự làm tự chịu. Chúng ta phải vui vẻ tiếp nhận, không oán trời trách người, không oán trách bản thân mà phải nỗ lực thay đổi, tự làm mới. Chúng ta có cái nhìn từ bi với người và cũng phải có cái nhìn từ bi với chính mình. Chúng ta có cái nhìn từ bi với người vì họ không được tiếp nhận giáo dục tốt nên không có kết quả tốt. Chúng ta có cái nhìn từ bi với chính mình vì trong quá khứ chính mình cũng không được tiếp nhận giáo dục tốt nên không có kết quả tốt. Giáo dục bao gồm giáo dục thế gian và xuất thế gian. Bác Hồ nói: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà ra”. Hay người xưa có câu: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tính tương cận, tập tương viễn”. Con người bản tính vốn thuần thiện, thuần tịnh. Nhưng vì không được tiếp nhận giáo dục tốt nên bị giáo dục xấu tiêm nhiễm. Chúng ta có cái nhìn từ bi với người và cũng phải có cái nhìn từ bi với chính mình.

Trong Phật pháp thường nói: “Bồ Tát sợ nhân. Chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát rất dè dặt, luôn kiểm soát từ nơi khởi tâm động niệm. Đối với tất cả chúng sanh, Bồ Tát nhất định không khởi lên một niệm ác, ngay trong đời sống thường ngày nhất định không làm một việc nhỏ để tổn hại đến chúng sanh. Chúng ta thì tùy tiện, trong cuộc sống thường ngày, từ sáng đến tối, khởi tâm động niệm đều tổn người lợi mình. Không chỉ trong đời này mà kể cả trong đời quá khứ, chúng ta tạo tác ra nghiệp nhân quả báo không nhỏ. Không dễ gì gặp được Thầy tốt bạn lành để có được giáo dục tốt.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook