240Thứ Tư, 22/12/2021, 10:34
741 · Niềm Vui Chân Thật Không Có Phiền Não, Chỉ Có Sinh Trí Tuệ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 22/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 741

NIỀM VUI CHÂN THẬT KHÔNG CÓ PHIỀN NÃO, CHỈ CÓ SINH TRÍ TUỆ

Chúng ta thử quán sát xem từ xưa đến giờ, mình đã từng có niềm vui chân thật không có phiền não, chỉ có trí tuệ không? Hay chỉ là những niềm vui nhất thời, sau đó hết vui lại buồn? Niềm vui chân thật không có phiền não, chỉ sinh trí tuệ. Niềm vui hưởng thụ trong năm dục sáu trần, thỏa mãn tài sắc danh thực thùy chắc chắn là niềm vui nhất thời, sau đó sinh phiền não. Niềm vui tiếp nhận được Phật pháp, tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền giúp chúng ta cải đổi vận mệnh mới là niềm vui chân thật.

Trong Kinh Phật nói: “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, trăm ngàn muôn kiếp mới được gặp. Hòa Thượng nói: “Sống trên thế gian này, có người nào không truy cầu sự an vui! Nhưng họ tìm cầu sự an vui trong năm dục sáu trần, mê chấp trong năm dục sáu trần. Thỏa mãn niềm vui trong năm dục sáu trần thì chắc chắn chỉ là niềm vui nhất thời, sau đó là khổ đau”. Người thế gian mong cầu giàu sang, địa vị, nhưng rồi thấy mình không giàu sang không có địa vị bằng người khác, lúc đó lại sinh phiền não. Bởi vì họ có xe đẹp, có nhà cao cửa rộng nhưng xe của người khác đẹp hơn xe của họ, nhà của người khác cao hơn nhà của họ. Họ tranh đua đi xe đẹp, ở nhà sang thì chắc chắn chỉ có phiền não chứ không có trí tuệ. Sai lầm của người thế gian là chỉ mong cầu hưởng thụ năm dục sáu trần.

Hòa Thượng nói: “Họ nhận lầm. Họ cho rằng niềm vui trong ngũ dục là thật cho nên họ bị khổ, vì sau niềm vui đó là phiền não, sau phiền não là khổ đau”. Người xa lìa thú vui năm dục sáu trần, không bị năm dục sáu trần lôi cuốn thì người đó mới chân thật tự tại. Người xưa nói: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”. Khi con người đạt đến chỗ “vô cầu” thì nhân cách, đạo đức, phẩm vị của người đó sẽ nâng cao.

Người thế gian sai lầm, ngộ nhận, không biết đâu là chân thật an vui. Niềm vui chân thật nhất chính là “pháp duyên”. “Pháp” là Phật pháp. “Duyên” là duyên ngộ. “Pháp duyên” là duyên may gặp được Phật pháp. Trong 2 -3 năm qua, dịch bệnh Covid triền miên. Người ta sống trong lo lắng, bất an, còn chúng ta ngày ngày vẫn được học Phật pháp. Trong lúc học Phật pháp, chúng ta quên đi thế giới bên ngoài. Vào ngày Vía Phật A Di Đà, trong lúc cả thế giới đang bất an thì chúng ta lạy Phật trong 3 giờ đồng hồ, tâm rất an. Một Phật tử nhắn tin cho tôi nói rằng: “Con cảm nhận thấy lạy Phật online rất thanh tịnh. Lạy Phật tại pháp hội đông người có âm thanh tạp nhiễm nên dễ bị phân tâm”. Tôi cũng cảm thấy như vậy. Khi lạy Phật tại hiện trường, tôi mệt 10 phần. Hôm trước lạy Phật kết nối online thì tôi chỉ mệt 4 phần, tôi cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh.

Hòa Thượng nói: “Pháp duyên người tu học Phật pháp có được này rất quý, không phải lần nào đến thế gian này cũng có thể gặp được. Pháp duyên này không dễ gì gặp được, cho nên kệ khai Kinh có câu: “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, trăm ngàn muôn kiếp mới được gặp”. Không phải đời nào đến thế gian này chúng ta cũng được gặp! Cơ duyên này vô cùng khó, vô cùng hiếm, không thể nghĩ bàn!

Một lần, khi được mời đến Tịnh Tông Học Hội ở Bắc Mỹ, tôi gặp hai cuốn sách “1200 đề tài của Hòa Thượng Tịnh Không”. Tôi xin người phó thôn một cuốn nhưng họ không đồng ý vì đó là pháp bảo. Tôi ở đó giảng 3 ngày liên tục, mỗi buổi giảng 1,5 tiếng. Trong buổi học cuối cùng, tôi dịch cho một pháp sư nói tiếng Hoa thì họ mới biết thực lực của tôi. Sau khi tôi giảng xong 3 ngày, họ cung kính tặng tôi cuốn sách đó. Khi nhìn cuốn sách, trong lòng tôi đinh ninh rằng mỗi ngày mình sẽ học một chuyên đề trong cuốn sách này. Đủ duyên lành, một thời gian sau, tôi đã triển khai cuốn sách này.

Bây giờ, chúng ta lại có pháp duyên với cuốn sách “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”. Tôi được tặng cuốn sách quý này. Từng lời trong cuốn sách vô cùng thiết yếu với người tu Tịnh Độ. Đây là một pháp duyên, âu cũng là một sự an bài.

Hồi tôi học Đại học năm thứ hai, tôi học kém nhất lớp. Các bạn học giỏi đều được tuyển đi làm nhân viên tiếp thị. Tôi học kém hơn nên họ không chọn tôi làm nhân viên tiếp thị. Đây là một sự may mắn của tôi. Trong một hội chợ thương mại ở Quang Trung, những doanh nghiệp Đài Loan tham gia hội chợ. Các bạn của tôi là nhân viên tiếp thị của những gian hàng trong hội chợ. Tôi được các bạn mời đi tham quan các gian hàng của họ. Tôi bắt gặp bộ sách “Nhi đồng học Phật”. Tôi đọc qua mấy chục trang liền biết đây là sách quý, phương pháp học rất rõ ràng dễ hiểu. Tôi liền nảy ra ý tưởng sau này mình sẽ triển khai học cuốn sách này. Tôi được tặng cuốn sách đó. Tôi để cuốn sách trên kệ sách khoảng gần 10 năm. Lúc đó vòng xoáy cơm gạo áo tiền đã làm tôi quên hết chữ Hán rồi. Vì biết tôi từng đi du học nên có người mời tôi đi dạy lớp sơ cấp Phật học. Và khi đó tôi bắt đầu dùng quyển sách đó để dạy. Sau nhiều năm đi dạy học, tôi thấy cần triển khai dạy chữ Hán bằng cuốn sách “Nhi đồng học Phật”. Tôi đã dành ra hơn 5 năm để triển khai dạy học qua video. Giai đoạn đầu vô cùng khó khăn, tôi phải tự bố trí vừa dạy học, vừa tự quay phim để lưu lại từng bài giảng. Nhưng nhờ vậy mà giờ đây chúng ta có trang web nhidonghocphat.com rất hữu ích.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook