217Thứ Hai, 20/12/2021, 08:04
739 · Lên Núi Bái Phật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 20/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 736

LÊN NÚI BÁI PHẬT

Lên núi bái Phật” ý nói là tham quan, đi chùa, đi rất nhiều nơi, có lúc tạo thành phong trào. Những người sơ phát tâm làm việc đó thì được. Những người học Phật lâu năm thì không phải làm việc đó. Người xưa lên núi bái Phật là để đi tham phỏng thiện hữu tri thức, cần cầu những người có đạo bởi vì những người ẩn tu nơi núi sâu rừng thẳm là những người xa lìa danh vọng lợi dưỡng. Hiện nay, rất nhiều người lên núi bái Phật để chụp hình, ngắm cảnh, livetream.

Người xưa nghe đến tên tuổi của một vị cao tăng đại đức nào đó thì không ngại đường xa đi đến để cầu học. Hòa Thượng Hư Vân khi xưa muốn gặp Ngài Văn Thù Phổ Hiền đã đi đến Ngũ Đài Sơn, ba bước một lạy trong khi Hòa Thượng đã tuổi già sức yếu. Ngài Liên Trì nghe nói đến Hòa Thượng Biến Dung đạo cao đức trọng, Ngài Liên Trì đã ba bước lạy một lạy để đến gặp Ngài Biến Dung. Khi đi đến nơi, Hòa Thượng Biến Dung chỉ nói một câu: “Này thanh niên kia! Đời này đừng để danh lợi hại chết!”. Người bình thường nghe câu này cảm thấy như lời của ông già bà cả. Ngài Liên Trì nghe lời dạy này thì như tiếng sấm nổ bên tai. Ngài nói cả cuộc đời của Ngài thành tựu chính nhờ câu nói đó.

Chúng ta tu hành có bị dính vào danh lợi không? Danh lợi kéo chúng ta chìm đắm trong đọa lạc, đến lúc sinh tử thì đúng như lời Phật nói trên Kinh: “Kẻ đáng thương hại!”. Danh vọng lợi dưỡng rất vi tế. Tôi đã nói nhiều lần câu này nhưng mọi người nghe mà không chú ý: “Đã đủ rồi thì người ta cho cũng không lấy, đồ mình không cần dùng thì người ta bán rẻ cũng không mua”. Có rất nhiều hệ lụy phiền phức liên quan đến việc mua sắm đồ.

Trong “Kinh Sám Hối” có đoạn: “Hôm nay con phát tâm tu hành không phải vì quả báo Trời, Người, không vì quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát mà vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Tất cả những việc làm ở thế gian này cũng đều phải làm ra biểu pháp của một hành giả niệm Phật chứ không phải làm vì danh, vì lợi, vì phước báu. Chúng ta phải để tâm của mình hướng đến và phải triệt để làm như vậy. Nếu chúng ta niệm Phật vãng sang mà Ông Trời Đế Thích muốn nhường cho nửa cung trời chúng ta cũng không màng, phải xác quyết, một lòng cầu vãng sanh Tịnh Độ.

Ngài Liên Trì thành tựu nhờ một câu của Hòa Thượng Biến Dung, luôn luôn kiểm soát để không bị danh vọng hại chết. Chúng ta tu hành nhưng bị danh lợi hại chết lúc nào không biết. Chỉ một việc nhỏ cũng có thể đánh đổ cả một đời tu hành của chúng ta. Khi chúng ta làm một việc gì đó, ban đầu là làm vì đại chúng, nhưng một thời gian sau thì sinh tâm tư lợi. Như vậy thì không nên làm vì làm sẽ bị đọa lạc.

Người xưa nói: “Việc tốt không bằng không việc gì”. Nếu làm việc tốt nhưng tổn hại đến tâm thanh tịnh của mình thì chúng ta không nên làm. Nếu nghe câu “việc tốt không bằng không việc gì” mà chúng ta không phát tâm làm thì càng hại hơn nữa, tâm tự tư ích kỷ khởi lên, không còn tâm Bồ Đề. Phật Bồ Tát, chư Hiền Thánh đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Chúng ta cứ y theo các Ngài mà làm. Cả đời Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp viên mãn cho chúng ta. Ngài làm rất nhiều Phật sự nhưng không hề vướng bận trong tâm. Ngài tạo rất nhiều công đức phước báu nhưng không hề thấy mình có công đức, phước báu, luôn thấy mình ít tu, phước mỏng, nghiệp dày.

Hòa Thượng nói: “Ngày xưa những người đi bái sơn vô cùng gian khổ, một lần đi bái sơn thì 3 năm, 5 năm mới đến nơi. Những tập khí xấu ác tiêu hết”. Ngày nay chúng ta bay một chút thì đến nơi, đến nơi thì đi xe điện, đi cáp treo một lúc là lên đến đỉnh núi. Chúng ta đi đến được chỗ cáp treo thì đã hết sức lực. Các bậc cao đức thời xưa leo núi thoăn thoắt. Hòa Thượng Hư Vân đi đến Ngũ Đài Sơn đi 3 năm mới đến nơi. Thân thể của Ngài già yếu, bệnh khổ có lúc tưởng chết. Mỗi khi Ngài bị bệnh, Ngài lại gặp một người ăn mày tên là Văn Kiết đến cho thuốc, cho thức ăn. Ngài hỏi “Ông sống ở đâu?”. Người ăn mày trả lời: “Tôi sống ở chân núi Ngũ Đài Sơn”. Có người nói rằng: “Đó là Bồ Tát Văn Thù đã hóa thân đến giúp ông”. Hằng tâm và nghị lực của người xưa rất kiên cường. Người ngày nay hằng tâm thì không có, nghị lực thì yếu kém, mới khó khăn một chút đã bỏ cuộc. Danh vọng lợi dưỡng vừa có một chút xíu thì đã thỏa mãn, bằng lòng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook