17718/12/2021, 08:11 18/12/2021, 11:50
737 · Nghiệp Thiện, Nghiệp Ác, Nghiệp Vô Ký

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 18/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 737

NGHIỆP THIỆN, NGHIỆP ÁC, NGHIỆP VÔ KÝ

Nghiệp thiện: Ta làm việc toàn tâm toàn lực vì chúng sanh, vì tất cả mọi người thì gọi là nghiệp thiện.

Nghiệp ác:  Lợi mình, hại người gọi là nghiệp ác.

Nghiệp vô ký: Những hành động, việc làm không có chủ động của ý thức gọi là nghiệp vô ký, thuộc về vô minh. Hàng ngày chúng ta có rất nhiều hành động không có kiểm soát. Đó chính là nghiệp vô ký.

Hòa Thượng nói: “Học Phật không gì khác hơn là ngày ngày sám hối. Ngày ngày sám hối để tiêu nghiệp chướng. Người học Phật chân thật có trí tuệ thì nhất định ngày ngày phải sám hối”. Đa phần mọi người hiểu sai chữ “sám hối”. Hàng tháng, ngày rằm, ngày mùng một họ mới sám hối, rửa tội một lần nhưng đó chỉ là hình thức. Sám hối là không tiếp tục mắc sai làm. Hai từ “sám hối” nghĩa là sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá”.Sám” là sám trừ những lỗi, những nghiệp mà mình tạo ở quá khứ. “Hối” là hối lỗi những việc mình đã làm và không làm nữa. Nếu sám hối rồi lại tạo tội, vẫn làm những việc sai lầm như cũ thì không phải là sám hối. Ngày ngày dập đầu trước Phật, dập đầu xong lại tiếp tục làm những việc sai trái thì không được xem là sám hối. Ngày ngày phản tỉnh, tự làm mới, không tái phạm những lỗi đã làm, không tạo lỗi mới, đây mới là sám hối. Nếu vẫn tái phạm lỗi cũ và tạo thêm lỗi mới thì không phải là sám hối. Phần đông người học Phật cho rằng ngày rằm, ngày mùng 1 sám hối là đủ. Chúng ta phải giờ giờ khắc khắc phản tỉnh, không tái phạm lỗi cũ, không tạo lỗi mới là sám hối. Chúng ta phải ngày ngày phải nâng cao cảnh giới nội tâm của chính mình.

Hòa Thượng nói: “Rất nhiều người niệm Phật ngày ngày sám hối, chẳng những tội nghiệp không thể sám trừ mà tội nghiệp mỗi lần sám hối là tăng thêm một lần vì không biết được cái gì là nghiệp chướng, ngày ngày tạo nghiệp mới. Nếu như biết được cái gì gọi là nghiệp chướng thì chúng ta sám hối mới có hiệu quả”.Nghiệp” là hành động tạo tác, là khởi tâm động niệm của chúng ta. Những hoạt động từ thân, khẩu, ý của chúng ta đã tạo thành chướng ngại trí tuệ, đức năng của tự tánh. Những nghiệp này sản sinh ra chướng ngại nên gọi là “nghiệp chướng”. Phạm vi của nghiệp chướng rất rộng lớn, quy nạp lại thành 3 loại Thân - Khẩu - Ý nên gọi là ba nghiệp. Sám hối là hàng ngày kiểm soát chính mình có phạm vào ba nghiệp thân, khẩu, ý này hay không.

THÂN: Sát, đạo, dâm

KHẨU: Nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác

Ý: Tham, sân, si

Nếu rảnh thì ra trước mặt Phật dập đầu sám hối, sau lưng Phật thì lại tiếp tục phạm lỗi, hoặc đứng trước Cha thì bày tỏ, rửa tội nhưng khi không có Cha lại phạm lỗi tiếp. Đây không phải là sám hối.

Nhà Phật phân tích rõ:

⮚ Hành động tạo tác của thân, khẩu, ý tạo thành chướng ngại đối với đức năng trí tuệ của tự tánh. Phật không hề bị chướng ngại vì Ngài không có nghiệp chướng, trí tuệ đức năng của Phật hoàn toàn hiển lộ một cách tự tại, không chướng ngại.

⮚ Bồ Tát còn sinh phiền não, còn nghiệp chướng nên đức năng, trí tuệ của tự tánh không hoàn toàn hiển lộ.

⮚ Phàm phu chúng ta hoàn toàn bị nghiệp chướng làm cho chướng ngại, đức năng trí tuệ của tự tánh hoàn toàn bị che mất. Từ nơi thân, khẩu, ý, chúng ta rất dễ mà quan sát, theo dõi, phản tỉnh.

Từ nơi thân, khẩu, ý, Phật nói ra mười nghiệp thiện, ngược lại là mười điều ác. Chúng ta phải thường phản tỉnh, tự làm mới, thường kiểm điểm, không để sai lầm cũ tái phạm, không phạm sai lầm mới. Hòa Thượng dạy chúng ta lập một biểu đồ vòng tròn, một nửa là Thập Thiện, một nửa là Thập Ác, ở giữa là cây kim. Nếu cây kim dao động ở bên Thập Thiện thì biết là mình kiểm soát tốt tập khí. Nếu cây kim dao động ở bên Thập Ác thì biết là mình không kiểm soát tốt được tập khí. Như vậy thì chúng ta biết kết quả mình sẽ đi về đâu.

Hòa Thượng nói: “Thân nghiệp là tạo tác, nhất cử nhất động là tạo nghiệp. Ngữ nghiệp là lời nói. Chúng ta có kiểm soát được lời chúng ta nói ra hay không, hay chúng ta nói lời tùy tiện. Người thế gian đa phần nói ra toàn là lời tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Ý nghiệp là tư tưởng, ý niệm, kiến giải”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook