394Thứ Sáu, 17/12/2021, 08:48
736 · Có Thể Niệm Phật Vãng Sanh, Đây Là Phước Báu Chân Thật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 17/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 736

“CÓ THỂ NIỆM PHẬT VÃNG SANH, ĐÂY LÀ PHƯỚC BÁU CHÂN THẬT”

Phước báu lớn nhất của đời người chính là có thể tự tại vãng sanh. Người thế gian lầm tưởng danh cao, địa vị tốt, giàu sang là phước báu, là hạnh phúc nhân sinh. Thật ra đó chỉ là thỏa mãn nhu cầu vật chất ở đời thường mà thôi. Cho dù giàu đến đâu, tiền của nhiều đến mức nào thì một ngày cũng chỉ ăn ba bữa, bốn bữa, năm bữa. Dù có bao nhiêu cao lương mỹ vị thì chúng ta cũng không thể ăn no hơn được nữa. Dù nhà to lớn đến mức nào thì buổi đêm chúng ta cũng chỉ cần ngủ trên một cái giường. Nếu buổi đêm phải thức dậy để đổi giường ngủ sang trọng thì giấc ngủ đó rất khổ sở.

Người xưa tu hành nằm trên một chiếc phản một chiều dài 6 tấc, một chiều dài 8 tấc, khoảng 1m2, không thể lăn trên giường. Đời sống của họ luôn ở mức kiểm soát, không để mình tùy tiện, phóng túng. Người thế gian cho rằng đó là cuộc sống khổ sở, hạn chế chính mình, làm khổ mình. Thật ra, người có thể kiểm soát tập khí của mình, có thể kiểm soát khởi tâm động niệm của mình thì mới có thể làm chủ chính mình. Chúng ta không thể kiểm soát tập khí của mình, không thể kiểm soát khởi tâm động niệm của mình, cho nên không thể làm chủ được kiếp sống của chính mình. Rất ít người có thể kiểm soát được chính mình. Chúng ta phải kiểm soát được tập khí của mình, phải kiểm soát được khởi tâm động niệm của mình. Ăn ngủ nghỉ đều chừng mực, vừa đủ, không quá đà. Ăn quá no làm khổ chính mình. Làm chủ chính mình, làm chủ được tập khí của chính mình mới là người có hạnh phúc nhân sinh. Nếu chỉ chạy theo thị hiếu, thị dục của mình thì mình chỉ là công cụ mà thôi.

Hòa Thượng nói: “Người đã ngoài 50 tuổi thì không còn sống được bao nhiêu năm nữa, đáng nhẽ phải làm rất nhiều những việc cần làm, nhưng họ mãi chạy đua, làm những việc làm bất thiện, tạo ác nghiệp, cuối cùng phải nhận quả báo từ những việc làm bất thiện của mình”.

Chúng ta ngoài 50 tuổi thì không còn sống được bao nhiêu năm nữa. Đáng yêu thương thì hãy yêu thương, đáng bao dung thì hãy bao dung. Chúng ta quá lãng phí, cứ sống trong giận hờn thương ghét. Cuộc sống này chúng ta sống được hài hoà, bao dung, giúp ích được mọi người thì chân thật có Phước. Nhiều người tưởng rằng mình có tài, có quyền lực, muốn giúp ai thì giúp. Nhưng không phải như vậy, phải có phước mới có thể làm những việc giúp ích cho mọi người.

Ngày nào tôi cũng ở trong trạng thái tích cực. Tôi làm được một việc gì đó giúp ích mọi người thì mới cảm thấy ngày đó đi qua một cách có ý nghĩa. Nếu chỉ sống thỏa mãn cho thị dục, thị hiếu của chính mình thì đó là cuộc sống phàm tục không phải là đời sống chân thật hạnh phúc. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền nhân ngày ngày vì chúng sinh mà lo nghĩ, khởi tâm động niệm, làm bất cứ việc gì đều vì chúng sinh mà lo nghĩ. Đó mới là đời sống chân thật hạnh phúc. Người sống thỏa mãn cho thị dục, thị hiếu của chính mình thì không bao giờ cảm thấy đủ. Ví dụ mình đi xe 10 tỉ, thấy người ta đi xe 100 tỉ, mình không thỏa mãn hài lòng. Mình có chiếc xe 100 tỉ thì người ta đi máy bay. Mình có máy bay thì người ta có máy bay dát vàng. Chúng ta vĩnh viễn không thỏa mãn thị dục của mình.

Nhà Phật có câu: “Tri túc thường lạc”. Biết đủ thường vui. Người cứ mải miết theo đuổi dục vọng, chạy mãi chạy mãi đến lúc hoàn hồn thì đã hết thời gian, không còn kịp nữa. Người học Phật phải hiểu được, phải biết trải qua đời sống của Phật Bồ Tát, trải qua đời sống của Thánh Hiền, đó mới là đời sống chân thật có ý nghĩa. Người thế gian trải qua một ngày, trải qua cả một đời chỉ là để làm đẹp cho cái nhìn của người khác. Thậm chí tu hành cũng vậy, họ nghĩ rằng: “Mình phải tu hành thật tốt, thật nổi tiếng để nơi đây trở thành đạo tràng tu hành tốt nhất”. Đây là ý niệm sai lầm.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian đều mong cầu phước báu. Phước báu lớn nhất chính là trường thọ. Nhưng trường thọ phải có trí tuệ. Nếu không có trì tuệ thì tuổi thọ càng cao, nghiệp tạo ra càng nhiều. Đó không phải là phước báu”. Chúng ta thử nghĩ xem: Có phải là tuổi thọ càng cao mà không có trí tuệ thì càng tạo nghiệp không? Tuổi thọ càng dài thì càng muốn thỏa mãn tập khí của mình. Đa phần tập khí là thoả mãn tài sắc danh thực thùy, đa phần là hưởng thụ vì bản thân (nhục thân) chứ không phải là hưởng thụ tinh thần.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook