Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 05/12/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 735
“SƯ PHỤ CÓ VIỆC GÌ ĐÂU MÀ THĂM!”
“Sư phụ có việc gì đâu mà thăm!”. Đây là lời khải thị của Tổ Sư Ấn Quang. Việc liễu thoát sanh tử là việc vô cùng quan trọng. Học trò một năm đến thăm Thầy hai lần là đã bị Thầy mắng rồi vì Thầy mong học trò dành thời gian quý báu, ngắn ngủi của kiếp người để ở nhà mà tu hành. Bậc thiện tri thức chân thật là như vậy! Bậc thiện tri thức chân thật luôn luôn nhắc nhở chúng ta quan tâm đến vấn đề sinh tử, chứ không nhắc chúng ta quan tâm đến việc thỏa mãn dục vọng, vật chất, thỏa mãn “tài sắc danh thực thùy”.
Người thế gian không chấp nhận, không chịu nghe lời khuyên bảo của người xưa vì họ sống theo tình chấp và muốn người khác cũng sống theo tình chấp như họ. Họ cảm thấy khó chịu khi bị nhắc nhở một cách thẳng thắn, thiết thực. Việc đi thăm Sư phụ còn không được chứ đừng nói đến việc chạy đạo tràng, nay đến chỗ này, mai đến chỗ kia khiến cho tâm bị loạn động. Những người chạy Đông, chạy Tây, tìm hết cách này đến cách nọ, mấy người được thành tựu? Cuối cùng, đến tín tâm họ cũng không có.
Có một học trò tu học gần 20 năm, hễ nghe chỗ nào tu hành tốt thì liền chạy đến đó, thậm chí còn thuê nhà ở gần đó để tu. Cô ấy ở cách tôi không xa nhưng cô ấy chưa thăm tôi lần nào vì tôi không cho biết địa chỉ để đến thăm. Một hôm cô ấy gọi điện cho tôi, khóc lóc đau khổ nói là đã mất hết tín tâm. Trước đó tôi đã khuyên cô ấy về quê tu với Mẹ già, hầu hạ Mẹ, cùng Mẹ niệm Phật khi Mẹ còn khỏe nhưng cô ấy không nghe.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay người nghe lời có được mấy người, nhưng người không nghe lời thì rất đông. Thành tựu ở nơi tu tập là chúng ta phải đối trị được với phiền não, tập khí của chính mình, chứ không phải là gặp mặt thì mới thành tựu. Nhiều người xin phép để được đi theo tôi. Mấy người đi theo tôi đều không có thành tựu. Những học trò có thành tựu đều ở phương xa, ở trên mạng viễn thông, ngày ngày lên trang web để nghe pháp và làm theo thì có thành tựu. Người đi theo bên cạnh tôi thì gần như không có thành tựu”.
Phật pháp khác thế gian pháp. Thế gian pháp cảm tình dụng sự, Phật pháp không dùng cảm tình nhưng không giống gỗ đá. Hòa Thượng không hề giống gỗ đá. Ngài từ bi vô cùng vô tận. Ngài đi khắp nơi giảng giải nhưng không nhận đệ tử. Phật biết rõ căn tánh của chúng sanh nên đã nói “Tứ Y Pháp”: “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa”. Trong đó “y trí bất y thức” là không theo tình cảm để làm việc. Có mấy ai được như vậy! Người ta luẩn quẩn rồi lại rơi vào tư riêng, đó chính là tự tư tự lợi mà họ không nhận ra.
Đại Sư Ấn Quang là một vị Tổ Sư thời cận đại của chúng ta. Tổ Sư khi đương thời chuyên tu chuyên hoằng Tịnh Độ cho nên khi Ngài vãng sanh, Ngài được suy tôn là Tổ Sư thứ 13 của Tịnh Độ. Lúc sinh thời Ngài rất nghiêm khắc với học trò và nghiêm khắc đối với chính mình. Ngài ở trong một đạo tràng nhỏ, phía trước là bàn thờ Phật, phía sau là bàn thờ Tổ. Trên bàn thờ, Ngài dán một chữ “TỬ” để nhắc nhở mình: “Giờ chết sắp đến rồi! Không được dễ lui! Không được buông lung! Việc cần làm phải nên làm!”. Việc cần làm lớn nhất là phải thoát được sinh tử, còn tất cả các việc ở thế gian thì Ngài dốc hết sức mình để làm.
Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam là học trò của Đại Sư Ấn Quang. Lão Cư sĩ cũng cả một đời cực lực “tự hành hóa tha”, không một chút chểnh mảng. Hòa Thượng Tịnh Không cả một đời cực lực vì chúng sanh phục vụ, không hề vì riêng bản thân mình. Ngài cả một đời “tam bất quản”, không quản tiền, không quản việc, không quản người. Đó là tấm gương của những người chân thật học Phật.
Đại Sư Ấn Quang rất nghiêm khắc với học trò của mình. Người nghe lời Ngài thì rất thành tựu nhưng số người nghe lời rất ít, số người không nghe lời rất nhiều. Đại Sư dạy: “Xem thấy tất cả chúng sinh là Bồ Tát, chỉ có riêng mình là phàm phu ít tu, phước mỏng, nghiệp dày”. Ít tu thì phải gắng tu, phước mỏng nghiệp dày thì phải phải tạo phước cho nhiều. Học trò một năm chỉ được gặp Đại sư một lần, bởi vì pháp tu đã rõ thì cứ y như vậy mà tu học và thực hành. Một người Thầy có tâm chân thật có thể để cho học trò đọa lạc được sao! Thầy mắng học trò: “Năm ngoái đã đến thăm Thầy rồi, năm nay có gì để mà thăm!”.