255Thứ Năm, 09/12/2021, 22:21

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 09/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 734

“CÔNG PHU ÍT CHO LÀ ĐỦ THÌ ĐỌA LẠC”

Bài học này, Hòa Thượng nhắc chúng ta phải không ngừng tiến bộ, đừng cho rằng mình tu học như vậy đã tốt lắm rồi, tốt hơn trước nhiều rồi. Thật ta, tu hành là thẳng tiến đến đạo quả, có nghĩa là thẳng tiến đến thành Phật. Có người tự cho rằng mình đã ăn chay, học Phật như vậy là đủ rồi. Nếu vậy thì đặc biệt sai lầm! Nguy cơ đọa lạc rất lớn! Chúng ta phải không ngừng tiến bộ! Phật Bồ Tát không ngừng tinh tấn. Phật Bồ Tát mà còn không ngừng tiến bộ, trong khi chúng ta chưa đạt được quả vị gì thì nguy cơ đọa lạc rất cao.

Có người mới tu học được một chút ít thì đã tự mãn, tập khí phiền não xâm lấn, nhất là chúng ta tu hành ở trong thuận cảnh, mọi thứ trải qua êm đềm thì tự nhiên chúng ta đắm chấp trong cảnh êm đềm đó, một khi gặp chướng ngại thì ngay đến tín tâm ban đầu cũng không có. Cho nên mọi người phải hết sức cẩn thận. Nghịch đến thì thuận nhận, thuận đến thì cảnh giác. Hoàn cảnh khó khăn, chướng ngại thì chúng ta phải hoan hỉ tiếp nhận. Thuận cảnh đến thì chúng ta không để cho tập khí manh nha trỗi dậy. Đa phần phàm phu chúng ta đắm chấp trong thuận cảnh, rất dễ dàng sinh phiền não khi gặp nghịch cảnh. Đó là điều mà mọi người phải cảnh giác.

Hòa Thượng nói: “Người xưa tu học, sau khi đạt đến đại triệt đại ngộ rồi, họ vẫn giống như một người sơ học, vẫn khiêm tốn, khiêm cung, khiêm nhường, hiếu học, siêng năng học tập không ngừng nỗ lực”. “Đại triệt đại ngộ” là nội tâm giống Ngài Lục Tổ Huệ Năng, nội tâm hằng thanh tịnh, không khởi phiền não. Tâm chúng ta chưa đạt đến cảnh giới thanh tịnh, vẫn đầy phiền não thì làm sao mà buông lung được! Cách làm của người xưa rất đáng để chúng ta noi theo và học tập. Chúng ta vừa mới có một chút thành tựu đã thỏa mãn, tự cho mình đạt đến cảnh giới nào đó thì rất nguy hiểm, đọa lạc lúc nào mà không biết.

Một số người ban đầu tu tốt, một thời gian sau trở thành Trưởng Ban, Phó Ban thì bị danh vọng lợi dưỡng dẫn dắt. Điều đáng buồn là họ đã bị đọa lạc rồi mà không hề hay biết. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Thuận đến thì cảnh giác, nghịch đến thì thuận nhận”. Cảnh giác là chúng ta quán chiếu xem đây có phải là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn hay không? Nếu những tập khí trỗi dậy, sai sử thì nội tâm của ta không còn ở đạo. Người luôn luôn phản tỉnh, luôn luôn kiểm soát mọi tập khí phiền não của mình thì họ luôn luôn dè dặt ở mọi lúc mọi nơi. Cần nói thì mới nói, không nói thừa một câu, một chữ, kiểm soát được từng lời, kiểm soát được thời gian cho phép. Nếu không kiểm soát được thì chúng ta sai rồi.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng khi gặp Ngài Ngũ Tổ đã nói: “Trong tâm con thường sinh trí tuệ”. Ngài Lục Tổ đã chứng ngộ rồi nhưng vẫn ở nhà bếp lao nhọc một thời gian rất lâu, vẫn giã gạo, đốn củi, nấu cơm nhưng trong chùa không ai biết. Chỉ có Ngũ Tổ mới biết đây là người đã chứng ngộ, đã đại triệt đại ngộ. Mọi người hàng ngày lên Thiền Đường luận pháp, chỉ có Lục Tổ hàng ngày vẫn lao nhọc ở trong nhà bếp.

Hòa Thượng nói: “Người đã đại triệt đại ngộ rồi luôn giống một người sơ học, luôn khiêm cung, khiêm nhường. Người sơ học thì cảm thấy mình rất cừ khôi, cảm thấy chính mình hơn tất cả mọi người. Đây là cuồng ngạo, cuồng vọng, ngạo mạn. Đây là chướng ngại”.

Người học Phật cảnh giới càng cao thì càng khiêm hạ. Người cho rằng mình đã học cao, đi đả phá pháp này pháp kia, chỉ trích người này người kia thì họ chưa đạt được gì cả, nội tâm của họ vẫn là tham sân si mạn. Chúng ta tu học được một chút ít, được một nhóm người cung kính mà tự cho mình đã cừ khôi thì mình đã đọa lạc, tâm không còn ở đạo. Tâm ở đạo là tâm thanh tịnh, thuần tịnh thuần thiện, tâm Chân Thành, tâm Thanh Tịnh, tâm Bình Đẳng, tâm Chánh Giác, tâm Từ Bi. Tự thấy mình có công phu thì tâm không còn chân thành, không còn thanh tịnh.

Cái hại của người tu tập là tu hành một thời gian thì không thấy có ai đáng làm Thầy của mình nữa, không nghe lời của ai nữa. Vậy thì đọa lạc càng sâu! Như vậy thật đáng sợ, thà không tu thì tốt hơn! Khi họ đã tự cho mình là Thầy thì hết cứu, Phật Bồ Tát cũng không cứu được! Nhiều người tu hành một thời gian, nghe pháp một thời gian thì đi đấu trí, đi đấu pháp. Một vài lần tôi bị dụ đi để họ chất vấn. Họ cứ hỏi thì tôi trả lời là: “Tôi không biết!”. Tôi nói ra thì họ có rất nhiều lý lẽ để đánh đổ, vậy thì mình nói là “tôi không biết” để không có tranh cãi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook