Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 13/12/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 729
“BẠN DÙNG CÓ NIỆM ĐỂ HỌC PHẬT THÌ KHÔNG THỂ VÀO CỬA”
Trong “Kinh Kim Cang”, Đức Phật nói: “Dùng âm thanh, sắc tướng để cầu gặp Như Lai thì không thể gặp được”. Nói một cách dễ hiểu, phải dùng tự tánh thanh tịnh, tâm không vọng niệm, tâm không mong cầu để học Phật thì mới có thành tựu. Chúng ta dùng tâm phân biệt, tâm vọng tưởng, tâm chấp trước để học Phật thì càng xa Phật. Phật pháp là từ nơi tâm thanh tịnh mà chúng ta dùng tâm phân biệt, tâm vọng tưởng, tâm chấp trước để học Phật thì không học được tầng cao của Phật pháp mà chỉ học được một chút phước báu rất nhỏ không đáng kể, chỉ là làm phước được phước, tu thiện thì được quả báo thiện chứ không vào sâu được Phật pháp. Muốn vào sâu được Phật pháp thì phải xa lìa phân biệt, vọng tưởng, chấp trước.
Học Phật pháp hoàn toàn không giống với thế gian học. Thế gian học thì người ta phải tìm tòi, nghiên cứu, phân tích, phản biện, còn Phật Pháp thì không như vậy. Nhiều người nghe hoài không hiểu vì còn nhiều vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta cứ nghe, không hiểu không sao. Hòa Thượng nói: “Ta phải dùng tâm bình lặng mà tiếp nhận”. Chúng ta vừa nghe vừa phân biệt, phân tích thì càng nghe càng sai. Chúng ta học để quên, nghe để quên chứ không phải nghe để nhớ, nhưng chúng ta không quên hẳn mà khi cần nhớ thì nhớ. Chúng ta không học thuộc lòng. Những điều chúng ta đã học hòa nhập vào trong tự tánh thanh tịnh của chúng ta, khi nào cần nhớ thì nhớ. Nếu là phật pháp chân chính thì chúng ta cứ dùng tâm thanh tịnh, dùng tâm không phân biệt, không chấp trước mà tiếp nhận, hiểu được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, không phải là học cho nhiều, nói cho hay nhưng làm không được. Nhiều người phân tích rất hay, nói thao thao bất tuyệt, nói cho người khác nghe rất giỏi nhưng chính họ chưa làm được. Họ vẫn tự tư tự lợi, vẫn danh vọng lợi dưỡng, vẫn tham sân si mạn cho nên học không có lợi ích gì.
Tựa đề “bạn dùng có niệm để học Phật” có nghĩa là dùng tâm phân biệt chấp trước, dùng kiến thức lý giải để học Phật. Phật pháp không cần lý giải mà cần thực hành. Hòa Thượng nói: “Không thực hành mà chỉ lý giải thì bạn trở thành nhà Phật học, chứ không phải là bạn học Phật”. Người học Phật thì phải làm theo một cách triệt để thì mới có kết quả. Nhà Phật học thì nghiên cứu, hiểu sâu, phân tích rộng, nói hay nhưng không làm. Hòa Thượng đưa ra thí dụ: Chúng ta làm nhân viên ngân hàng, chúng ta khoe với mọi người là hàng ngày tiền qua tay chúng ta không biết là bao nhiêu nhưng đó không phải là tiền của chúng ta. Chúng ta nói hay, biết nhiều nhưng không làm được bao nhiêu. Chúng ta nghe người khác nói về sự thù thắng của nhà Phật nhưng chúng ta nghe mà không biết, không cảm nhận được. Hòa Thượng nói: “Họ nói hay đến mức hoa trời rơi rụng nhưng không nhận được lợi ích chân thật của Phật pháp”.
Chúng ta hãy làm một cách triệt để đạo lý bố thí, đạo lý tặng quà. Bố thí giống một dòng nước, càng bố thí thì dòng nước càng trong xanh. Chúng ta ngăn chặn dòng nước thì dòng nước trở thành ao tù, úng thối, làm cho nguồn nước phía sau bị chặn lại.
Những lời Phật dạy đã được thời gian và không gian chứng nghiệm. Những lời Phật dạy đã được người xưa dùng cả đời minh chứng, làm ra biểu pháp cho chúng ta thì chúng ta cứ theo đó mà làm, không cần phải suy nghĩ. Chúng ta dùng tâm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, tuy có làm nhưng làm không triệt để nên cũng có một chút lợi ích nhưng kết quả không triệt để, lợi ích không trác tuyệt. Sự ngăn ngại ở nơi chính mình, chứ không phải ở nơi Phật.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác là nhân của chúng khổ”. Chữ “chúng” ở đây là rất nhiều, “chúng khổ” là cái nhân của tất cả khổ. Trên “Kinh Địa Tạng”, Phật nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp”. Chúng ta là phàm phu mê hoặc, phàm phu điên đảo, cho nên đừng bao giờ tin vào cách thấy, cách biết, cách làm của mình. Chúng ta phải dựa vào cách thấy, cách biết, cách làm của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền, của người xưa. Nhiều người to gan, tự cho mình là đúng, tự phán quyết, bắt mọi người phải làm theo ý mình mà không biết chính mình đã tạo ra nhân quả vô cùng to lớn.