Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 10/12/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 729
“CÓ PHÂN BIỆT CAO THẤP THÌ MÊ RỒI!”
Ý của tiêu đề bài hôm nay hơi cao, nhưng chúng ta cần nhận biết để có sự tu học. Chúng ta có rất nhiều sự phân biệt, chấp trước vì tâm không thanh tịnh, không bình đẳng. Phiền não, khổ đau từ đó phát sinh.
Có hai người học trò cùng nhau đến gặp một vị Hòa Thượng để phân bua, kiện cáo. Sư đệ giãi bày xong rồi nói: “Sư huynh sai rồi!”. Hòa Thượng ngồi đó tưởng như nghe hết nhưng Ngài không nghe, sau đó Ngài nói: “Ông đúng!”. Sư huynh giãi bày xong rồi nói: “Sư đệ sai rồi!”. Hòa Thượng ngồi đó tưởng như nghe hết nhưng Ngài không nghe, sau đó Ngài nói: “Ông cũng đúng!”. Sau khi hai người ra về, ông thị giả thấy có gì đó sai sai bèn giãi bày một hồi rồi nói: “Thưa Hòa Thượng, con thấy rõ ràng Sư huynh sai, tại sao Hòa Thượng lại nói Sư huynh đúng?”. Hòa Thượng gật đầu nói: “Ông cũng đúng!”. Họ ở trong sự phân biệt chấp trước nên họ thấy đúng sai. Hòa Thượng biết rõ tường tận nhưng không phân biệt.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nhược chân tu đạo nhân bất kiến thế gian quá”, người chân chính tu hành không thấy lỗi thế gian. “Không thấy” là không dính mắc trong tâm, không chấp trước chứ không phải là người tu hành trở thành đãng trí, không biết gì, không biết phân biệt phải trái, tốt xấu, tránh tà. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Người chân chính tu hành suốt ngày kiểm soát lỗi của chính mình thì không còn thời gian để nhìn lỗi người”. Người tu hành biết rõ tường tận mọi việc, thấy rõ đúng sai nhưng không chấp trước để không phiền não, không dính mắc trong tâm nhưng ghi nhớ để khi nào có có hội thì nhắc nhở mọi người. Người thế gian chấp trước, từ đó phân biệt, rồi phiền não. Ví dụ đồ ăn bị nấu mặn thì chúng ta ăn ít hơn chứ không cần phải cằn nhằn, khó chịu với mọi người xung quanh.
Lúc Hòa Thượng Tịnh Không còn trẻ, Ngài đến thăm một Lão Hòa Thượng. Lão Hòa Thượng nói: “Thầy đi vào có gặp một người đàn ông vừa đi ra không?”. Hòa Thượng Tịnh Không trả lời: “Dạ có, lúc người đó đi ra còn đụng vào vai con”. Lão Hòa Thượng nói: “Hôm nay chú ấy lại đến gạt tôi nữa đó!”. Hòa Thượng Tịnh Không ngạc nhiên hỏi: “Sao Hòa Thượng biết người ta gạt mà vẫn để cho gạt?”. Lão Hòa Thượng trả lời: “Người này đã gạt tôi nhiều lần rồi, hôm nay vẫn muốn đến gạt nữa. Họ muốn gạt thì tôi để cho họ gạt, chẳng qua là họ muốn lấy tiền thôi mà”. Lão Hòa Thượng biết tường tận nhưng không chấp trước, không dính mắc, không phiền não. Một ngày đủ duyên, Lão Hòa Thượng nói rõ với người đó số tiền mà người đó đã gạt Ngài mỗi lần, lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư. Người ấy rất ngạc nhiên và rất xấu hổ. “Án kiện” không nằm trong tâm Lão Hòa Thượng mà lưu trên mặt người thanh niên đó.
Chúng ta sẽ có cảm nhận này. Bình thường trong tâm chúng ta không ghi nhớ, không thấy gì hết, cho nên tâm mới thanh tịnh, tự tại. Nếu chúng ta lưu lại trong tâm trí của mình rất nhiều những “án kiện” thì không còn tâm thanh tịnh. Tâm chúng ta không lưu lại những “án kiện” mà “án kiện” lưu trên mặt của họ. Khi chúng ta tiếp xúc với họ thì tất cả những “án kiện”, thông tin, dữ liệu liên quan đến người đó sẽ hiện ra.
Hòa Thượng nói: “Phật là Giác, Bồ Tát là Giác. Tâm của bậc Giác ngộ là Thanh Tịnh, Bình Đẳng, rộng lớn đến tận hư không pháp giới không có ngần mé. Phàm phu chưa vào được cảnh giới này nên tâm không Bình Đẳng, có nhiễm tịnh cao thấp khác biệt. Phật dạy chúng ta tu tâm Bình Đẳng, đối với tất cả chúng sanh nhất định không có phân biệt cao thấp vì có phân biệt cao thấp thì tâm ta có giới hạn. Khi tâm có giới hạn thì bị thui chột, tâm rộng lớn biến thành tâm nhỏ hẹp. Đây gọi là mê, chưa ngộ. Người ngộ tâm nhất định là Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Từ Bi. Người có tâm Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Từ Bi có thể phản tỉnh, kiểm soát bản thân ở mức cao độ. Vậy thì bạn xem: Chúng ta là người giác hay người mê? Nếu có giới hạn giữa ta và người thì vẫn chưa giác ngộ vì vẫn còn chấp ngã, chấp có ta, chấp có người, từ đó có sự phân biệt cao thấp”.
Nhà Phật có câu: “Tâm khắp hư không, lượng trùm pháp giới”. “Lượng” là sức chứa. Tâm trùm khắp hư không rồi thì sức chứa của nó cũng khắp hư không pháp giới. Nếu tâm của chúng ta cứ chất chứa những phiền não, phải quấy, tốt xấu thì bị ngăn ngại, không thể rộng lớn đến hư không pháp giới.