222Thứ Tư, 15/12/2021, 19:12

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 11/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 728

“NIỆM PHẬT CÓ THỂ TIÊU NGHIỆP CHƯỚNG, MỘT CHÚT CŨNG KHÔNG GIẢ!”

Niệm Phật có thể tiêu nghiệp chướng, một chút cũng không giả”, có nghĩa là chúng ta niệm Phật chân thật có thể tiêu trừ được nghiệp chướng. Hàng ngày trong khởi tâm động niệm của chúng ta đều là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Chúng ta giữ tâm mình an trú trong câu “A Di Đà Phật”, vậy thì không phải là tiêu trừ nghiệp chướng hay sao!

Có rất nhiều người không tin, cho rằng phải trì chú, phải tu pháp gì đó mới có thể tiêu trừ được nghiệp chướng. Trong “Kinh Đại Tạng”, Đức Phật đã dạy chúng ta: “Thời kỳ Chánh Pháp, Giới luật thành tựu. Thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu. Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”. Một câu “A Di Đà Phật” chính là Vô Thượng Thâm Diệu Thiền. Một câu “A Di Đà Phật” là đại thần chú, đại minh chú, đẳng đẳng chú, tổng trì của tất cả các thần chú. Vì vậy chúng ta hành trì một câu “A Di Đà Phật”, không cần phải trì chú, không cần phải tụng Kinh, cũng không phải hành Thiền vì trong câu “A Di Đà Phật” đã đầy đủ tất cả.

Gần đây, Hòa Thượng Hải Hiền tự tại vãng sanh lưu lại toàn thân xá lợi. Trước đó, Hòa Thượng Hải Khánh là sư đệ của Hòa Thượng Hải Hiền cũng niệm Phật vãng sanh lưu lại toàn thân xá lợi. Nếu câuA Di Đà Phật không phải là Vô Thượng Thâm Diệu Thiền thì làm sao lưu lại toàn thân xá lợi!

Trong bài Hòa Thượng nói: “Phàm phu sáu cõi chúng ta ngày ngày đang tạo nghiệp. Cái gì gọi là tạo nghiệp? Xin nói với các vị, khởi tâm động niệm là tạo nghiệp. Sáu căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần thì đã phân biệt, chấp trước, khởi vọng tưởng”. Phàm phu sáu cõi khởi tâm động niệm toàn là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn chứ khởi tâm động niệm không vì lợi ích chúng sinh.

Tứ Thánh Quả trong nhà Phật có Sơ quả Tu Đà Hoàn, Nhị quả Tư Đà Hàm, Tam quả A Na Hàm, Tứ quả A La Hán. Trong cảnh giới của hàng Sơ quả Đại Thừa thì Sơ quả Tu Đà Hoàn là quả vị thấp nhất, khởi tâm động niệm đã là vô ngã, có nghĩa là không có mình, không còn ý niệm tự tư tự lợi. Không còn ý niệm về “ta” nữa thì không có ý niệm về “cái của ta” như nhà của ta, địa vị của ta, con cái của ta, tài sản của ta… Tuy có tất cả nhưng không hề lưu lại trong ý niệm. Các quả vị như A La Hán, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật thì hoàn toàn không còn ý niệm tự tư tự lợi.

Phật nói: “Bao giờ các ông là A La Hán rồi thì các ông hãy tin vào chính mình!”. A La Hán là bậc cao nhất trong Tứ Thánh Quả, đã chứng được Lậu Tận Thông, đã không còn bị sinh tử nữa thì mới có thể tin vào chính mình. Ba quả vị còn lại trong Tứ Thánh Quả còn chưa được tin vào mình, huống chi chúng ta là phàm phu. Phàm phu khởi tâm đều là tạo nghiệp, đều cho rằng cách nghĩ, cách thấy, cách làm của mình là đúng, cố chấp vào cách nghĩ, cách thấy, cách làm của mình cho nên chắc chắn là tạo nghiệp.

Phàm phu gặp tài thì dính tài, gặp sắc thì dính sắc, gặp danh thì dính vào danh, gặp ăn thì dính vào ăn, gặp ngủ thì dính vào ngủ. Tôi đã nhiều lần nói với mọi người: Chúng ta cùng khuyên nhau cố gắng đừng để cho mình có cơ hội tiếp xúc với những thứ làm cho mình đọa lạc. Nếu chúng ta để cho mình có cơ hội thì chúng ta không thể cưỡng lại được đâu, đến chừng đó đọa lạc rồi muốn hối cũng không kịp. Nếu là thiện hữu tri thức của nhau thì chúng ta phải luôn nhắc nhở, cảnh tỉnh cho nhau! Vậy thì may ra còn kịp! Nếu không có người nhắc nhở, cảnh tỉnh mà ở gần nhau cùng nhau tạo nghiệp thì hết cứu. Lúc hai người chuẩn bị tạo nghiệp thì ít ra một người có mức độ phản tỉnh nhắc nhở người kia. Nhưng ngày nay chúng ta không dễ mà tìm được bạn tốt như vậy, chưa nói là họ còn xúi chúng ta làm.

Trong “Kinh Địa Tạng”, Phật nói: “Chúng sinh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội, đều là nghiệp”. Trong “Kinh Pháp Hoa” Phật nói: “Chúng sinh thời Mạt Pháp bất hiếu Cha Mẹ, bất kính Tam Bảo, không tạo thiện nghiệp, chuyên tạo ác nghiệp”. Tất cả Kinh Phật đều đã cảnh thức chúng ta như vậy. Chúng ta quán chiếu lại tâm thái của mình xem có phải như vậy không? Đúng là như vậy! Chỉ cần tâm ta không có chỗ an trú thì đã tạo nghiệp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook