294Thứ Ba, 07/12/2021, 10:49

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 06/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 725

“ĐẠO TRÀNG THANH TỊNH KHÔNG TÙY TIỆN MỜI NGƯỜI”

Thế gian Ông Bà ta có câu: “Nhất nghệ tinh , nhất thân vinh”. Một người Thầy dẫn đường thì là một con đường. Hai người Thầy dẫn đường thì là hai con đường. Ba người Thầy dẫn đường thì là ba con đường. Có một học trò hỏi tôi: “Thưa Thầy, con đã quy y sáu lần rồi, bây giờ quy y thêm lần nữa có được không?”. Tôi trả lời: “Cũng tốt!”. Tôi biết trả lời sao đây! Họ đã xen tạp 6 lần, đã xen tạp đến mức độ đó mà mình can thiệp thì họ sẽ không vui. Tôi nói “cũng tốt” có ý là đã đứng ở ngã 6 rồi thì cũng giống như đứng ở ngã 7, ngã 8. Họ không xác quyết một con đường.

Hòa Thượng nói: “Đạo tràng thanh tịnh không tùy tiện mời người”. Đạo tràng không chỉ là một nhóm người, không chỉ là một đoàn thể cùng nhau tu tập. Gia đình của chúng ta cũng là đạo tràng, trường học của chúng ta cũng là đạo tràng. Chúng ta đã học Thánh Hiền thì phải tin theo những điều Thánh Hiền đã dạy, một cách làm, một hướng đi không được xen tạp. Những điều Thánh Hiền dạy là chuẩn mực, đã được minh chứng bởi không gian, thời gian cho nên không thể sai được. Huống hồ trên cao hơn nữa, Phật Bồ Tát là người đã minh tâm kiến tánh, hoàn toàn sống bằng nội tâm thanh tịnh, không sống theo tập khí phiền não của thế gian. Vậy mà người học Phật lâu năm lại không tin Phật Bồ Tát, đi tin theo người thế gian, tin theo những điều huyễn hoặc. Người thế gian chưa được minh tâm kiến tánh, chưa được thời gian và không gian chứng nghiệm mà họ lại tin theo. Chúng ta có Phật Bồ Tát, có Tổ Sư Đại Đức nhiều đời đã làm ra biểu pháp, chúng ta chỉ cần học tập và làm theo. Người chưa được minh tâm kiến tánh, chưa được chứng nghiệm bởi thời gian và không gian mà chúng ta lại tin theo thì chúng ta quá liều! Giống như Thầy Thái nói: “Các vị quá can đảm! Xin nhận của tiểu đệ một lạy!”.

Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói rất sâu rộng, từ việc làm thế nào để có thể giải thoát khỏi sinh tử, không còn phải luân hồi trong sáu cõi, cho đến sâu thẳm như vũ trụ bao la, nhỏ như côn trùng, trong Kinh Phật đều đã nói từ rất lâu. Phật dạy chúng ta: “Chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh”. Sự chuyển đổi này mới chân thật là thù thắng! Phật không dạy chúng ta phải luyện tế bào gốc để chuyển đổi tế bào. Vậy mà nhiều người đang học Phật lại đi luyện bào gốc để đổi lấy tế bào sanh tử, tế bào phàm phu. Cho nên nội tâm của chúng ta chính là đạo tràng. Chúng ta không được tùy tiện, không được để cho nội tâm bị xen tạp lẫn lộn, khiến cho tín tâm của chúng ta mất đi sự kiên định. Tin không sâu, nguyện không thiết, hành không miên mật vì có xen tạp.

Người vững niềm tin rồi thì đời sống rất tự tại, an vui, không phải lo buồn. Người không có niềm tin, niềm tin không đủ thì cứ chạy đôn chạy đáo rất khổ, ngay đời sống hiện tại không an vui, đời sống tâm linh không có chỗ nương về. Cho dù bên cạnh họ là một đống tiền nhưng họ khổ trùng trùng, tiền càng nhiều thì khổ càng lớn vì họ không bao giờ thỏa mãn. Người không có chỗ nương về từ đời sống vật chất đến đời sống tâm linh thì người đó rất khổ. Nội tâm chúng ta cũng là đạo tràng, chúng ta giữ cho nội tâm không xen tạp, không nhiễm ô thì tự tại an vui.

Đoàn thể, đạo tràng tu hành không có lực, người người tâm luôn bất an bởi vì họ xen tạp. Họ không tin theo những bậc Tổ Sư Đại Đức mà lại tin theo những người đang sống trong tập khí, tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Trong tất cả những lời dạy của Hòa Thượng, Ngài luôn nhắc đến lời dạy của Thầy mình. Đây là điểm chúng ta nên chú ý. Có những người cũng tu niệm Phật nhưng họ chỉ nói lời của họ, không nhắc đến Hòa Thượng, thậm chí họ còn không cho nghe đĩa Hòa Thượng dạy. Tưởng chừng đây là việc nhỏ nhưng đây là một việc hết sức nghiêm trọng. Làm thế nào để chúng ta biết được việc mình làm có đúng hay không? Chúng ta phải noi theo tấm gương của người xưa. Hòa Thượng đã trải qua 60 năm tu hành, đời sống hợp với lời dạy của Phật Bồ Tát. Tổ Sư Ấn Quang cả đời “tam bất quản”. Hòa Thượng Tịnh Không cũng “tam bất quản”, cả đời tu Tịnh Độ, đề xướng chuẩn mực làm người. Vậy mà người tu Tịnh Độ lại nói: “Học chuẩn mực làm người là xen tạp, là loạn tâm cho nên mới bị đổ nghiệp”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook