155Chủ Nhật, 05/12/2021, 18:05

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 04/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 722

“THẤY NGHE NHẬN BIẾT HƠN NGƯỜI”

Hòa Thượng muốn nói: “Người học Phật với tâm thanh tịnh thì năng lực “thấy nghe nhận biết” của họ luôn tinh tường hơn người khác”. Tại vì người học Phật buông bỏ đi tập khí phiền não, tự tư tự lợi không có, tham sân si mạn không có, danh vọng lợi dưỡng cũng hạ thấp đi rồi, hưởng thụ năm dục sáu trần gần như rất đạm bạc. Vậy thì năng lực “thấy nghe nhận biết” chắc chắn tinh tường, thấy nghe và nhận biết mọi sự mọi vật đều rất tường tận. Ngược lại, nếu người học Phật chúng ta thấy nghe nhận biết không được tinh tường như người khác thì vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta không được như vậy vì nội tâm vẫn đầy rẫy tập khí phiền não nên tâm thanh tịnh không hiển lộ.

Phật ví dụ trong một đoạn Kinh: Ngọc Mani mà gieo vào nước thì nước sẽ trong ngần, ngọc Mani mà bỏ vào chất độc thì chất độc tự tan biến. Ngọc Mani là thí dụ cho tâm thanh tịnh của chúng ta. Chúng ta tu học Phật mà không hiển lộ được tâm thanh tịnh, chỉ hiển lộ những thứ phiền não vọng tưởng, vậy thì làm sao mà thấy, nghe, nhận, biết một cách tinh tường hơn người được!

Hòa Thượng nhắn nhủ chúng ta: “Người học Phật thấy, nghe, nhận, biết phải tinh tường hơn người thông thường”. Người thường chìm đắm trong phiền não tập khí của mình, thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, thích sân hận thì sân hận, thích tham thì tham, thích tự tư tự lợi thì tự tự tự lợi. Người học Phật phải kiểm soát được phiền não tập khí của mình, đối trị được phiền não tập khí của mình. Đó mới là tu hành, đó mới là công phu.

Nhiều người tưởng rằng mình công phu rất tốt, cứ bình bình an an mà sống, nhưng khi gặp những sự việc như con chết, nhà cháy thì lúc đó mới biết công phu của mình cao hay thấp. Trong cuộc đời này không thiếu người gặp phải kiếp nạn lớn như vậy. Chúng ta tu hành chưa gặp phải chướng ngại lớn nên cứ tưởng mình tâm an lý đắc lắm, cứ tưởng mình tu hành có thành quả lắm. Tất cả đều là giả, mọi người phải nên hiểu điều đó! Con chết, nhà cháy thì ta có cảm thấy bình thường không? Ta có quán rõ được cái lý vô thường không?

Phật dạy: “Ta Bà là cõi nước vô thường, không an, sớm còn tối mất”. Công phu không phải là một ngày 5 thời hay 8 thời mà là thật sự có được nội tâm an định trong mọi hoàn cảnh. Biết rõ tường tận, thấy rõ tường tận nhưng không trơ trơ, không khùng khùng điên điên. Biết bao nhiêu Tổ Sư Đại Đức tu hành đã trải qua đời sống gian khổ, thậm chí cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chúng ta đang hưởng phước, hưởng cho hết để rồi te tua. Thầy của Ngài Huyền Trang là một Cư sĩ rất giỏi. Ngài là một Luận sư nổi tiếng, là người thành lập ra trường Đại học Phật Giáo Ananda của Ấn Độ. Công đức phước báu của Ngài vô cùng lớn, thế mà đến lúc Ngài bị bệnh khổ, Ngài khổ đến mức người đời sau nhắc lại thì giàn dụa nước mắt, người đứng bên cạnh nhìn thấy thì chịu không nổi. Người ta nhìn thấy thì cho rằng Phật không linh.

Nhiều người cho rằng Phật không linh nên bỏ đi luyện pháp này, pháp kia. Hiện nay nhiều người trong và ngoài nước đi luyện tế bào gốc, truyền năng lượng. Chúng ta phải biết, trong mười điều tâm niệm Phật dạy chúng ta: “Có thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ vì không bệnh khổ thì tham dục dễ sanh”. Nhờ bệnh khổ mà chúng ta được nhắc nhở, nhờ bệnh khổ mà chúng ta lo phản tỉnh để tu hành, để viễn ly Ta Bà. Nếu không có bệnh khổ thì nhiều thứ tham dục sinh ra, chúng ta chìm đắm trong ngũ dục. Tài, sắc, danh, thực, thùy là chỉ là năm đại đầu mục với hàng triệu triệu “binh sĩ”.

Hòa Thượng nói: “Học Phật thì phải nhìn thấu ý nghĩa chân thật của mọi sự vật sự việc, chứ không phải học Phật để được bảo hộ bình an”. Nếu mọi người nghĩ học Phật để được bảo hộ bình an là mọi người đã sai rồi, nhưng khổ nỗi nhiều người đã được dạy như vậy. Chúng ta học Phật, tuân theo lời Phật dạy thì đó là sự bảo hộ bình an của Phật. Người ta tham sân si, nhưng chúng ta không tham sân si. Người ta đấu tranh, tranh giành quyền lợi thì chúng ta nhường, người ta tranh giành nữa thì chúng ta nhường nữa. Người ta tiếp tục tranh giành thì chúng ta tiếp tục nhường. Đó là công phu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook