334Chủ Nhật, 05/12/2021, 18:05

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 03/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 721

“GIẢ LINH CÚNG DƯỜNG HẰNG SA THÁNH

BẤT NHƯ KIÊN DŨNG CẦU CHÁNH GIÁC”

Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật nói: “Giả linh cúng dường hằng sa Thánh, bất như kiên dũng cầu Chánh Giác”. Cho dù cúng dường hằng sa Thánh cũng không bằng “kiên dũng cầu Chánh Giác”. “Cầu Chánh Giác” ở đây chính là cầu vãng sinh. Người cầu vãng sinh thì phải toàn tâm toàn lực một lòng niệm Phật, không vướng mắc chuyện thế gian, tất cả đều buông xả. Trong tất cả mọi việc làm, chúng ta không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm động niệm, luôn giữ tâm thanh tịnh, bình đẳng, một lòng một dạ hướng về Tây Phương. Đó mới là người “kiên dũng cầu Chánh Giác”.

Chúng ta làm mà vẫn vướng mắc thành bại, tốt xấu, hơn thua, quá nhiều vướng bận thì cho dù ta cúng dường hằng sa Thánh, cúng dường rất nhiều chư Phật Bồ Tát cũng không bằng việc ta một lòng một dạ buông bỏ dính mắc nơi thế gian này. Cúng dường thật nhiều nhưng làm với tâm mong cầu, làm với tâm vướng bận, làm với tâm sợ được sợ mất, sợ hơn sợ thua, có tâm dính mắc thì vẫn luân hồi trong sáu cõi. Chúng ta phải hiểu chỗ này!

Hòa Thượng nói: “Trong một pháp hội rất long trọng, người ta xướng tên người thắp cây hương đầu tiên, người thắp cây hương thứ hai, người thắp hương thứ ba. Họ bán đấu giá, người thắp cây hương đầu tiên là 200.000, người thắp cây hương thứ hai là 100.000, người thắp cây hương thứ ba là 50.000”. Ban đầu người ta phát tâm cúng dường để làm pháp hội, nhưng họ so đo tính toán, khởi tâm mong cầu “ta là người đầu tiên được thắp cây hương trong pháp hội”. Đây không phải là ý của Phật.

Cúng dường hằng sa Thánh”,Hằng” là sông Hằng, “sa” là cát. Cát sông Hằng nhiều vô số kể, không thể tính đếm. Dù cúng dường các bậc Thánh nhiều như cát sông Hằng cũng không bằng chuyên tâm cầu Chánh Giác. Ta làm vì chúng sanh nhưng tâm không vướng bận, tâm không dính mắc, phải đạt được đến như vậy. Người tu hành phải thành Phật, người niệm Phật phải vãng sanh. Đó mới là điều quan trọng. Người tu hành mà không thành Phật, người niệm Phật mà không vãng sanh thì tất cả các thứ khác chỉ là giả. Cho dù phước báu lớn tới mức về được Cung Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, hưởng thọ tám vạn đại kiếp thì lúc hết tám vạn đại kiếp rồi vẫn phải đọa lạc.

Đa phần chúng sinh chúng ta mới làm được một chút việc thì đã tự cho mình có công đức, có phước báu. Chúng ta phải học những tấm gương người xưa. Khổng Tử nói: “Thuật nhi bất tác”, ta không có công trạng gì cả, tất cả đều là của người xưa. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta chỉ nói lại những gì mà người xưa đã nói, ta chỉ nói lại những gì mà bảy đời chư Phật đã nói”. Phật không cho mình là người sáng tạo, không nhận mình là người biết hoàn toàn để nói ra mà chỉ là thuật lại lời của người xưa. Hòa Thượng Tịnh Không luôn nói: “Lão sư của tôi nói như vậy, Lão sư của tôi dạy như vậy”. Tổ Ấn Quang dạy: “Xem thấy tất cả chúng sinh đều là Bồ Tát, chỉ có mình là phàm phu ít tu, phước mỏng, nghiệp dày”. Tất cả chúng sinh là Bồ Tát, riêng ta là phàm phu. Phàm phu thì làm sao so được với Bồ Tát! Công hạnh của chúng ta làm sao mà so được với công hạnh của Phật Bồ Tát!

Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật đã dạy chúng ta rất rõ ràng: Dù bạn cúng dường nhiều như cát sông Hằng cũng không bằng “kiên dũng cầu Chánh Giác”. Người trong tâm buông bỏ hết tất cả những vướng bận ở thế gian này thì còn hơn người cúng dường Thánh Chúng nhiều như cát sông Hằng.

Ngài Hải Hiền nói: “Vãng sanh mới là thật. Tất cả các thứ khác đều là giả, bởi vì cho dù bạn có phước báu lớn đến thế nào thì cuối cùng vẫn đọa lạc”. Nhiều người quá giàu, giàu đến mức không có chỗ cất tiền, địa vị rất lớn cho nên họ không tin đó là giả. Thời gian đời người rất ngắn, đến lúc họ già, bệnh, chết thì họ mới vỡ lẽ hiểu ra nhưng không kịp: “Ồ! Mình cũng chết sao?”.

Chúng ta thấy vật chất ở thế gian này, danh vọng địa vị ở thế gian này quyến rũ người ta, cám dỗ người ta đến mức mất hết đạo tâm. Hòa Thượng nói một câu khiến tôi hết sức sâu sắc phản tỉnh: “Tích tài tán đạo”. Tích chứa phước báu, ham làm phước báu chưa chắc giúp tăng trưởng đạo tâm. Có những người cứ mải mê tích chứa phước báu nhưng làm càng nhiều thì dính mắc càng nhiều. Chúng ta làm nhiều nhưng tâm không dính mắc thì mới tốt.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook