160Chủ Nhật, 05/12/2021, 18:05

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 02/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 720

“BẠN KHÔNG BUÔNG BỎ TỰ TƯ TỰ LỢI THÌ KHÔNG CÁCH GÌ THOÁT KHỎI LUÂN HỒI”

Trong nhiều chuyên đề chúng ta đã học, Hòa Thượng luôn nhắc nhở: Muốn vượt thoát sinh tử, muốn vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì phải chân thật buông bỏ tự tự tư tự lợi. Có “ta” thì mới có tự tư tự lợi, vậy thì trước tiên phải bỏ đi cái “ta”, rồi cái của “ta”, cái quanh “ta”. Người niệm Phật thì đông nhưng người vãng sinh thì rất ít nguyên nhân chính ở chỗ không buông xả được tự tư tự lợi. Nhưng chúng ta phải ghi nhớ: Không phải là buông xả trên hình tướng mà phải là buông xả ở trong nội tâm, ở ngoài chúng ta làm tốt tất cả mọi việc nhưng nội tâm không lưu luyến gì cả.

Tổ Ấn Quang đã dạy chúng ta: “Dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình”, làm tốt mọi vai trò trách nhiệm của chúng ta trong quan hệ ngũ luân, tận trách nhiệm nhưng giữ tâm thanh tịnh. Nếu không tận được trách nhiệm, không làm người tốt, đến bổn phận làm người chúng ta còn không làm được thì làm sao làm được Bồ Tát Bất Thoái Chuyển ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nhiều người niệm Phật nhưng niệm Phật sai, cho nên kết quả không đi đến đâu.

Chúng ta may mắn có một sự truyền thừa:

⮚ Cả đời của Hòa Thượng Tịnh Không đã làm ra biểu pháp cho chúng ta.

⮚ Thầy của Hòa Thượng là Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng cả đời chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ, cũng làm ra biểu pháp tốt cho chúng ta.

⮚ Ngài Ấn Quang Đại Sư là Thầy của Ngài Lý Bỉnh Nam. Ngài Ấn Quang cũng cả một cuộc đời chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ.

Chúng ta thấy các Ngài không có ai xa lánh cuộc đời. Các Ngài buông xả trên đạo tâm chứ không buông xả trong cuộc sống hiện thực, trong đối nhân xử thế tiếp vật của mình.

⮚ Tổ Ấn Quang cật lực in sách thiện. Tổ Sư một đời chuyên tâm niệm Phật nhưng tất cả tiền của đều đem đi in sách thiện như: “Dục Hải Hồi Cuồng”, “An Sĩ Toàn Thư”, “Liễu Phàm Tứ Huấn”... Tất cả đều là sách khuyến thiện của nhà Nho, của nhà Đạo chứ không phải là sách của nhà Phật. Ngài thấy thế gian này tâm ác của con người càng ngày càng dâng cao. Có thể giúp người thế gian giảm bớt cái tâm ác đó, có thể giúp họ không đọa vào ba đường ác đã là phước rồi, chứ đừng nói đến việc vãng sinh Cực Lạc làm Phật, làm Bồ Tát. Đó là tâm từ bi của Ngài.

⮚ Ngài Lý Bỉnh Nam cả một đời cực lực niệm Phật, Ngài cũng cực lực hoằng dương Tịnh Độ, mở trường, mở Phật học viện, đào tạo Tăng tài. Ngài có hơn 300.000 học trò. Ngài không chỉ lo niệm Phật, không xa lánh cuộc đời. Ngài làm nhiều việc như vậy nhưng tâm không dính mắc.

⮚ Hòa Thượng Tịnh Không hơn 60 năm tu hành Tịnh Độ, cũng cả một đời hoằng dương Tịnh Độ, cả một đời hoằng dương diễn giáo, đem Tịnh Độ và giáo huấn Thánh Hiền đi khuyên nhủ mọi người. Ngài một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng, không hề vướng bận. Từ năm 36 tuổi, Ngài đã bắt đầu “tam bất quản”, không quản tiền, không quản việc, không quản người.

Mười năm trước tôi bôn ba khắp nơi, họ cho rằng tôi xen tạp. Họ nói: “Người chuyên tu pháp Hòa Thượng, người chuyên dịch đĩa Hòa Thượng tại sao lại đi làm giáo dục?”. Tôi làm giáo dục, sau khi đã có trường lớp rồi thì tôi quay về. Bây giờ tôi cùng mọi người hàng ngày học tập 1200 đề tài của Hòa Thượng Tịnh Không, đã học được hơn 700 đề tài rồi và sẽ hoàn thành 1200 đề tài như tôi đã hứa. Tôi vẫn niệm Phật. Tôi làm việc nhưng không bận tâm. Cho nên buông xả là buông xả trên nội tâm, chứ không phải là buông xả trên sự.

Nhiều người có đạo tràng, có niệm Phật, vậy mà người ta cho rằng học Đệ Tử Quy là xen tạp. Cả đời Hòa Thượng truyền dạy Tịnh Độ, nhưng Ngài vẫn đề xướng học tập đạo đức Thánh Hiền. Tổ Ấn Quang cả một đời cực lực đề xướng in sách thiện. Các Ngài không hề xen tạp.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành, cái gì gọi là chân thật tu hành? Ở ngay trong tất cả các cảnh duyên, không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm động niệm, giữ gìn tâm cảnh của mình thanh tịnh thì đây gọi là chân thật tu hành”. Chúng ta tiếp xúc với tất cả các cảnh duyên nhưng không lưu lại trong tâm, tâm không vướng bận, không dính mắc. Chúng ta buông xả trên tâm chứ không rời xa cái hiện thực này. Trong khi chúng ta là người sống ở đời, có đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận mà chúng ta lại rời xa cuộc đời thì chúng ta có làm tròn bổn phận của mình đâu! Tổ Ấn Quang đã dạy “đốn luân tận phận”, dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook