219Thứ Tư, 01/12/2021, 22:44
719 · Thuận Cảnh Đáng Sợ Hơn Nghịch Cảnh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 01/12/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 719

THUẬN CẢNH ĐÁNG SỢ HƠN NGHỊCH CẢNH

Trong nghịch cảnh, chúng ta có sự phản tỉnh, có sự cảnh giác cao độ. Nhưng trong thuận cảnh, chúng ta không có sự cảnh giác, chính vì vậy mà sự đọa lạc, sự sai lầm của ta rất lớn mà ta không nhận ra, đến lúc nhận ra thì đã quá trễ rồi. Cho nên người xưa nói: “Thuận cảnh làm người ta đọa lạc hơn, còn trong nghịch cảnh tuy khó khăn nhưng người ta có độ phản tỉnh, có độ cảnh giác cao”.

Hòa Thượng nói: “Người biết tu hành thì tâm của họ thanh tịnh, bình đẳng. Không luận là ở trong bất cứ cảnh duyên nào, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên đối với họ đều là có lợi ích, đều là cơ hội để họ rèn luyện. Ở chỗ này, chúng ta chú ý Hòa Thượng nói “người biết tu hành”. Đối với người biết tu hành thì trong nghịch cảnh, thuận cảnh, thiện duyên, ác duyên họ đều luôn luôn ở trạng thái phản tỉnh. Người không biết tu hành trong nghịch cảnh thì rất phiền não, trong thuận cảnh thì thuận ý vừa lòng. Sự chuyển đổi ở trong tâm ta chỉ là một niệm của một triệu hai trăm ngàn tỉ ý niệm trong một giây vì vậy chúng ta khó mà phản tỉnh, khó mà nhận ra. Cho nên Hòa Thượng nói: “Người biết tu hành thì tất cả các cảnh duyên, nghịch cảnh, thuận cảnh, thiện duyên, ác duyên đều là cảnh giới tu hành, có nghĩa là họ luôn ở trong trạng thái phản tỉnh, theo dõi xem mình có đang bị tập khí sai khiến hay không”.

Điều đáng sợ nhất là ngũ dục. Chúng ta đang sống trong khó khăn, khi gặp cảnh thuận ý vừa lòng thì chúng ta tham chấp, bám chấp vào đó khiến đạo tâm bị lui sụt. Phật dạy chúng ta phát tâm học Phật vì thành tựu Vô Thượng Phật Quả, học Phật để thành Phật chứ không phải vì để thành tựu phước báu ở cõi Trời, cõi Người, hay Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Người tu Tịnh Độ chúng ta phải vãng sanh Cực Lạc, ngoài ra không có vấn đề gì đáng bàn.

Hòa Thượng nói: “Nhiều người tu hành nhưng bị đọa lạc ở chỗ danh vọng, lợi dưỡng, tích tài tán đạo”. Tài không chỉ nói đến tiền của mà nói đến vật chất. Tiền tài vật chất càng nhiều thì không còn đạo tâm. Nhiều đạo tràng tu hành ban đầu chưa có danh vọng lợi dưỡng thì đạo tâm rất cao, khi có danh vọng lợi dưỡng thì đạo tâm không còn.

Hòa Thượng được người ta tặng rất nhiều bất động sản, rất nhiều biệt thự nhưng Ngài không nhận. Ngài nói: “Cho tôi thuê căn nhà này, có hợp đồng giao kèo rõ ràng. Bên B tiếp nhận thì phải tu hành đúng như pháp. Nếu Bên B không tu hành đúng như pháp thì bên A có quyền lấy lại nhà. Bên B có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu”.

Chúng ta thấy những người giàu có trên thế giới rất xa xỉ, một bữa ăn của họ vài trăm ngàn đô. Phước của chúng ta chưa là gì cả mà chúng ta cho rằng mình tu hành tốt nên có phước báu như vậy. Người niệm Phật phải có phước báu tương lai làm giáo chủ Tây Phương Cực Lạc chứ không phải tu để có phước báu là có vài tòa nhà. Phật nói: “Tương lai ngôi Pháp Vương này ta nhường lại cho con”. Chúng ta mới tu hành, vừa có đạo tràng đã cho rằng mình tu tốt, tự thỏa mãn, tự thuận ý vừa lòng thì đã mất đạo tâm.

Sáng nay có người nhắn tin hỏi tôi: “Thầy có biết đạo tràng nào tu hành thanh tịnh không?”. Tôi trả lời: “Tôi không biết. Tôi chỉ biết trồng rau nên không biết nơi nào tu tốt, nơi nào tu xấu”. Chúng ta nói nơi này tốt, nơi kia tốt nhưng họ có chỗ không tốt thì nhân quả đó chúng ta chịu.

Tất cả các cảnh duyên đều là cơ hội để chúng ta rèn luyện. Trong nghịch cảnh thì ta tu nhẫn nhục, chân thật hạ công phu, bất cứ khó khăn nào chúng ta cũng có thể nhẫn. Trong thuận cảnh, ta tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, không nhiễm ô, không đắm chấp. Thích Ca Mâu Ni Phật khi xưa cùng tăng đoàn nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Khi được người ta cúng dường đồ ăn, nếu ăn không hết thì các Ngài đem bố thí cho chúng sinh ăn, không bao giờ để dành ngày mai. Dù gặp một gốc cây to có thể che nắng che mưa nhưng hôm sau vẫn phải chuyển đi nơi khác, không đắm chấp. Tài sản của Phật và tăng đoàn là ba y một bát. Thời tiết bình thường thì đắp một y, lạnh thì đắp hai y, lạnh nữa thì đắp ba y.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook