Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻmột số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h60’ sáng thứ Bảy ngày 27/11/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 715
“NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ NIỆM PHẬT?”
Người ta cứ nghĩ rằng ta ngồi đó niệm Phật thì được gọi là “niệm Phật”. Chữ “niệm” 念gồm bộ “kim” ở trên và chữ “tâm” ở dưới. “Kim” là “hiện tại”. “Niệm Phật” có nghĩa là ngay trong tâm hiện tại có Phật thì mới gọi là “niệm Phật”. Nếu ta ngồi đó miệng thì niệm Phật, tâm thì nghĩ tưởng lung tung, vẫn còn “thất tình ngũ dục”, “hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục” thì không phải là niệm Phật. Cho nên nhiều người niệm Phật nhưng không có lực mà không biết tại sao. Tổ Sư Đại Đức thường nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Thân ngồi đó niệm Phật nhưng chỉ là miệng niệm thôi, thân thì chạy theo vọng tưởng, thất tình ngũ dục, danh vọng lợi dưỡng. Người ta chỉ niệm Phật cho dễ coi, lúc niệm Phật một mình thì cảm thấy mệt mỏi, nhưng niệm Phật cho người khác nghe thì niệm 3 giờ, 6 giờ có khi niệm đến 9 giờ đồng hồ mà vẫn không sao cả. Ta thử nghĩ xem ta đang “tinh tấn” hay đang “tinh tướng”? Đó là ta đang “tinh tướng” chứ không phải là “tinh tấn”.
Hòa Thượng nói: “Có không ít đồng tu hỏi tôi: Chúng con niệm Phật thường hay bị gián đoạn vì phải làm việc. Như vậy có phải là công phu không thể thành tựu hay không?” Tôi nói: “Chúng ta niệm Phật, trước tiên phải hiểu rõ ý nghĩa của câu Phật hiệu này. A Di Đà Phật nghĩa là Vô Lượng Giác, giác mà không mê. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, mắt thấy, tai nghe, thậm chí trong tâm khởi lên động niệm, chúng ta thảy đều nhìn thấy rõ. Đây gọi là giác mà không mê. Thí dụ mắt chúng ta thấy sắc, ta khởi lên tâm tham, tâm tham là mê rồi. Ta liền đề khởi câu A Di Đà Phật, tâm tham không còn nữa, vậy thì là giác. Giác thì không còn mê nữa. Vậy niệm Phật chính là niệm niệm thức tỉnh chính mình giác mà không mê. Không luận là ở trong cảnh giới nào cũng giác mà không mê, đó gọi là niệm Phật”.
Có nghĩa là bất luận chúng ta làm việc gì, nếu những sự việc đó không dính vào 16 chữ “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn”, ở trong bất cứ lĩnh vực nào chúng ta cũng không bị tập khí, phiền não sai sự, chúng ta luôn ở trong trạng thái “giác mà không mê” thì đó là niệm Phật rồi. Nếu ta làm bất cứ việc gì mà bị sai sự bởi tập khí phiền não, tâm tham làm động lực ở bên trong thì là mê.
Trước đây, khi chia sẻ ở Nha Trang, tôi đã nói ý mà Hòa Thượng giảng trong “Kinh Vô Lượng Thọ” chứ không phải tôi tự biết được. Ngài nói: “Phật hiệu có thể gián đoạn, Phật tâm không thể gián đoạn”. Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng vì chúng sinh mà lo nghĩ thì đó là tâm Phật. Chúng ta gián đoạn câu Phật hiệu bởi chúng ta đang làm việc vì chúng sinh chứ không phải vì tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn.
Thầy Thái Lễ Húc nói: Ngày xưa người ta chưa có phát minh, những phát minh đưa ra phải phù hợp với NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN. Nếu phát minh không phù hợp với NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN thì đó không phải là phát minh. Có những thứ hủy hoại con người, ví dụ người ta phát hành thẻ tín dụng có thể tiêu trước trả sau. Học sinh đi học cũng có 3 đến 4 thẻ, rồi đến lúc đi làm phải cực lực làm việc để trả nợ. Nếu thanh niên ngày nay mà tiêu xài kiểu như vậy thì thật nguy hiểm!
Chúng ta làm những việc thuận với tính đức, hoàn toàn lợi ích cho chúng sinh thì đó là tâm Phật. Có nhiều người nói: “Làm việc này là xen tạp, làm việc kia là xen tạp”. Đó là lời họ nói, không phải Tổ Sư Đại Đức nói. Những việc làm vì tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, thỏa mãn tham sân si mạn mới là xen tạp, mới là gián đoạn. Việc làm vì lợi ích chúng sinh thì không phải là gián đoạn, không phải là xen tạp. Điều này không có nhiều người hiểu.
Chúng ta thường đối trước Phật phát nguyện tiếp nối huệ mạng của Phật, tiếp nối tuyệt học của Thánh Hiền. Tiếp nối là phải “phát dương quang đại, tự hành hóa tha”, chứ không phải là tự hưởng thụ, tự an ổn cho bản thân mình, trong khi đó chúng sinh không được tiếp nhận. Có người cho rằng họ đang chuyên cần lắm nhưng sự chuyên cần đó phục vụ cho tự tư tự lợi của chính họ, đáng lẽ chúng sinh có cơ hội được độ nhưng lại không được độ. Vậy thì hoàn toàn không tốt!