114Thứ Năm, 25/11/2021, 22:58
713 · Dùng Tâm Như Gương

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Năm ngày 25/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 713

DÙNG TÂM NHƯ GƯƠNG

Tấm gương có thể soi chiếu tất cả vạn vật nhưng vạn vật không dính lại trong tấm gương. Cho dù là cảnh tàn khốc nhất hay cảnh thiện lương nhất cũng không lưu lại trong gương, hoàn toàn không dính mắc.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vỗn sẵn thanh tịnh”. Tâm chúng ta vốn dĩ không nhiễm ô, nhưng chúng ta làm cho nó bị nhiễm ô. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Tâm như minh cảnh đài, bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai?”. “Minh cảnh đài” là đài gương sáng. “Minh cảnh” còn chỉ tâm sáng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dùng tâm của mình như một tấm gương”. Tâm có thể soi chiếu tất cả mọi vật nhưng không lưu lại mọi vật ở trong tâm. Không phải là chúng ta không biết gì hết, mà chúng ta biết một cách tường tận nhưng không hề dính mắc, không hề phân biệt, không hề dính mắc. Trong giai đoạn rèn luyện, chúng ta làm được thì đã không là phàm phu. Chúng ta đã nhìn thấy, đã biết được nguyên lý nguyên tắc, nhưng để làm được thì cần có thời gian huân tập dài lâu, cần có quá trình công phu. Nhiều người nói ra thì rất hay nhưng khi gặp việc thì hoàn toàn dính mắc, hoàn toàn vướng bận. Có người huân tập 20 năm nhưng vẫn chấp trước.

Cho nên Hòa Thượng nói: “Ba ngày không tiếp cận giáo huấn của Phật thì chúng ta đã khác”. Chúng ta gần giáo huấn của Phật giống như gần ánh đèn, chúng ta xa rời giáo huấn của Phật thì trở về nơi tối tăm. Thật ra, chúng ta chỉ cần một ngày rời xa giáo huấn của Thánh Hiền thì tâm đã thay đổi. Buổi sáng tâm chúng ta còn se se thanh tịnh, nhưng từ trưa đến tối tâm đã dao động, bao chao.

Chúng ta cần tiếp nhận những giáo huấn tốt, những gì không tốt thì chúng ta không lưu lại trong tâm. Chúng ta đang trong giai đoạn học tập, tiếp nhận cái tốt để trau dồi, huân tập, loại bỏ cái xấu để không bị ô nhiễm. Người xưa dạy chúng ta: “Bạn lành Thầy tốt thì nương cậy, bạn ác Thầy tà thì lánh xa”. Chúng ta tìm đến đạo tràng, nơi giảng Kinh thuyết pháp thì mới giữ được tâm tốt. Chúng ta vào vũ trường, vào siêu thị thì chắc chắn bị động tâm. Cho nên tốt nhất là viễn ly, không tiếp cận với những môi trường, hoàn cảnh khiến chúng ta dễ bị động tâm.

Tâm ta soi chiếu tất cả mọi vật nhưng không dính mắc, phải biết lấy bỏ cho thỏa đáng. Muốn lấy bỏ cho thỏa đáng thì cần có nhiều thời gian để huân tập giáo huấn của Thánh Hiền. Nếu không thì một ngày từ sớm đến tối, tâm của chúng ta y như một cái thùng rác chứa đủ thứ tạp nhiễm, làm sao mà an tịnh được! Xung quanh chúng ta là thị phi nhân ngã, thành bại, tốt xấu, hơn thua, thiệt thòi lời lỗ, tất cả đang cuộn vào trong tâm của chúng ta. Họ tự tư tự lợi mà chúng ta không tự tư tự lợi thì lâu dần tâm chúng ta sẽ bị chột đi, nhà Phật gọi là “thoái tâm”. Vì vậy chúng ta cần ở gần Thầy hiền bạn tốt để học tập. Nếu chúng ta gần Thầy tà bạn ác thì những cái tốt của chúng ta cũng bị cuốn mất đi. Nhiều người đã bị như vậy. Họ lúc nào cũng đặt tai nghe pháp, chuyên cần niệm Phật. Khi tập hợp túm năm tụm ba, họ bắt đầu nói đâm thọc lẫn nhau cho vui, dần dần tập khí lớn dần, tần suất của tập khí ngày càng nhiều lên, họ bắt đầu tìm nơi hưởng thụ. Ban đầu họ tìm quán chay ngon, quán cà phê nổi tiếng. Sau đó dần dần họ bỏ nghe pháp, bỏ niệm Phật, bỏ tu hành.

Cho nên chúng ta phải cẩn trọng, ngày ngày phải quán sát, không để tập khí xấu lớn dần. Thật ra ban đầu tâm ta không tham, chỉ là nhận phần của mình. Dần dần tâm tham lớn dần, muốn sở hữu luôn cả những thứ không nằm trong phạm trù quyền lợi của mình.

Phật dạy Bồ Tát “ngày đêm thường niệm thiện pháp” để không niệm ác pháp. “Niệm thiện pháp” là niệm giáo huấn của Phật Bồ Tát, niệm giáo huấn của Thánh Hiền, sau đó soi rọi xem hành vi, lời nói, việc làm của chúng ta có đúng theo chuẩn mực hay không. Tổ Ấn Quang đã dạy: “Xem thấy tất cả là Bồ Tát, chỉ có riêng mình là phàm phu ít tu, phước mỏng, nghiệp dày”. Chúng ta đừng nghĩ rằng mình đã tu khá rồi, đã làm được nhiều việc tốt rồi. Những việc chúng ta làm được so với người xưa có được là bao? Hòa Thượng Hải Hiền 92 năm niệm Phật, thật thà chất phác, bình dị, dễ gần gũi. Ngài dùng sự bình dị, gần gũi đó để niệm Phật trong suốt 92 năm. Chúng ta có ai đã niệm Phật được 20 năm chưa? Nếu đã niệm Phật được 20 năm thì có chuyên tâm niệm Phật hay không?

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook