Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 24/11/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 711
“KHÔNG THỂ HÀNG PHỤC PHIỀN NÃO THÌ THẬT LÀ ĐÁNG LO”
Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn chỉ có pháp môn Tịnh Độ là pháp môn đặc biệt. Pháp môn này chỉ cần ta hàng phục được phiền não, không để phiền não hiện hành thì thành công. Các pháp môn pháp đều phải diệt phiền não, không còn phiền não. Trong pháp môn Tịnh Độ, chỉ cần ta hàng phục được phiền não, không để phiền não hiện hành, giống như lấy tảng đá đè lên cỏ để cỏ không phát triển. Tảng đã chính là câu Phật hiệu. Cỏ chính là những tập khí, phiền não, vọng tưởng, phân biệt chấp trước. Dùng câu Phật hiệu để khắc chế những phiền não, vọng tưởng, phân biệt chấp trước của chúng ta. Trong lòng chúng ta có vô số phiền não dấy khởi. Không gì tốt hơn là khi phiền não khởi lên, ta đề khởi câu A Di Đà Phật.
Có người tâm của họ suốt ngày bận rộn vì việc của chúng sanh nhưng họ không có phiền não. Chúng ta bận rộn vì việc của riêng mình nên phiền não. Họ không chấp trước vào gia đình, không chấp trước vào con cái, chỉ chấp trước vào việc của chúng sanh thì không phiền não. Phật đã dạy rất kỹ: “Nhìn cho thấu thì mới buông xuống được”. Chúng ta phải đem cái riêng tư, đem cái “ta”, cái của “ta” hòa vào cái đại thể, không chấp trước vào cái “ta” nữa thì phiền não sẽ không vọng tưởng. Chúng ta muốn như thế này, muốn như thế kia nên trong tâm phiền não.
Trong cuộc sống, người xưa dạy chúng ta phải hi sinh, phụng hiến, cho đi. Nhưng chúng ta thì ngược lại, ý niệm khởi lên là khống chế, chiếm hữu, đòi hỏi người khác phải hi sinh và phục vụ mình, cho nên phiền não khởi triền miên. Trong cuộc sống, đáng nhẽ mọi người phải luôn hi sinh phụng hiến cho nhau nhưng chúng ta lại có tâm đòi hỏi, vợ phải như thế này, chồng phải như thế kia, con phải như thế này, học trò phải như thế kia.
“TẬN TRÁCH NHIỆM, SỐNG CHÂN THÀNH, TÂM THANH TỊNH”
Trong trách nhiệm với gia đình, với đoàn thể, chúng ta phải “chí công vô tư” như lời Bác Hồ dạy, phải “thành ý chánh tâm” như lời Thầy Thái dạy thì phiền não không khởi hiện hành. Nếu trong trách nhiệm có thành ý nhưng có ý đồ, vậy thì sai rồi, vậy thì không chánh tâm. Phiền não thì dày đặc như rừng nguyên sinh, câu Phật hiệu thì tẻ nhạt, cho nên chúng ta dùng câu Phật hiệu để khắc chế phiền não nhưng không có lực. Chúng ta phải trị tận gốc thì câu Phật hiệu mới có lực.
Tôi ngồi một chỗ niệm Phật thì khó khắc chế phiền não. Nhưng trong khi tôi lao động, vì người khác phục vụ vô điều kiện, tâm tự tư tự lợi và những phiền não vô cớ không còn, khi đó tôi khởi tâm niệm A Di Đà Phật thì tương đối có lực. Nhiều người ngồi ép bản thân công phu niệm Phật nhưng ngồi đó ngủ gục, vọng tưởng. Một giờ niệm Phật là một giờ vọng tưởng, hai giờ niệm Phật là hai giờ vọng tưởng. Một người ngồi đó để niệm Phật nhưng chỉ là dáng vẻ bên ngoài, trong tâm đầy phiền não. Một người tích cực làm việc vì lợi ích chúng sanh, tập cho đi vô điều kiện, không đòi hỏi, rồi lắng tâm niệm Phật. Hai người này người nào tốt hơn?
Hòa Thượng nói: “Ngài Lý Mộc Nguyên một ngày chỉ ngủ 3 – 4 giờ đồng hồ, không có thời gian niệm Phật, thời gian để niệm Phật rất ít. Cả ngày Ngài toàn tâm toàn ý bận rộn vì chúng sanh phục vụ, hoàn toàn không vì mình, tất cả đều là vì chúng sinh. Suốt ngày bận rộn vì chúng sinh, rảnh rỗi thời gian thì niệm Phật dăm ba câu là đủ rồi, là đã tương ưng với Phật rồi.”
Suốt cuộc đời Hòa Thượng giảng Kinh thuyết pháp, giúp mọi người biết phát tâm, biết niệm Phật, biết đến chuẩn mực của người xưa, biết làm việc tốt. Ngài tận lực vì chúng sanh trên tinh thần “tam bất quản”, không quản việc, không quản người, không quản tiền cho nên không có phiền não. Ngài không có tiền nhưng muốn làm việc gì cũng làm được. Ngài “tâm nghĩ sự thành”, bất cứ việc gì Ngài nghĩ đến thì việc đó đều thành công. Ngài nói: “Suốt bao nhiêu năm qua, tất cả những gì tôi nghĩ đến đều tâm nghĩ sự thành”. Ngài đều vì chúng sanh mà lo nghĩ. Trong đời sống thường ngày, Ngài thuận theo sự “tùy duyên”. Duyên của Ngài quá tốt, học trò của Ngài ở khắp nơi trên thế giới.