240Chủ Nhật, 21/11/2021, 17:42

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 21/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 710

“THẾ GIAN KHỔ LÀ THẬT, VUI LÀ GIẢ”

Đề tài này chúng ta phải tư duy nhiều và có nhiều cảm xúc. Thế gian khổ là thật, vui là giả, bởi vì người thế gian bị kích động bởi ngũ lục lục trần, được ăn thì vui, được ngủ thì vui. Cái vui là tạm thời, cái khổ là thật bởi vì sau cái vui đó là khổ. Ăn no quá thì khổ, ngủ nhiều quá thì khổ, không có tiền thì khổ, nhiều tiền quá cũng khổ vì phải nghĩ cách giữ tiền... Trong cuộc sống, việc thuận ý vừa lòng rất ít, việc khiến mình không vui thì nhiều đến mức không thể tính kể. Rõ ràng khổ là thật, vui là giả.

Hòa Thượng nói: “Thế gian này của chúng ta không có niềm vui chân thật vì người thế gian túng dục, tùy theo dục vọng ham muốn của mình để hưởng thụ năm dục sáu trần”. Niềm vui hưởng thụ năm dục sáu trần không khác gì người dùng thuốc phiện, người đang khát mà uống nước biển, càng uống thì cơn khát càng khốc liệt hơn. Niềm vui chân thật chỉ có khi con người xa lìa tính dục của mình, không bị sai khiến bởi dục vọng của chính mình. Người đó mới thật tự tại. Cho nên niềm vui chân thật ở trong tự tánh. Muốn tự tánh được khơi dậy thì phải xa lìa dục vọng. Chúng ta nói điều này với người thế gian thì họ cho rằng chúng ta mơ hồ, mê tín.

Có một ông cụ rời gia đình giàu sang để đi du sơn ngoạn thủy, nay đây mai đó. Khi khát nước thì ông xuống sông để uống nước, khi đói thì ông đi vào quán ăn để xin đồ ăn thừa, đêm nằm ngắm trăng sao. Người ta chê trách những người con đã bỏ bê ông. Các con của ông liền thuê người đi khắp nơi tìm ông, đưa ông về nhà chăm sóc, cho ăn ngon mặc đẹp. Được một thời gian ông lại trốn nhà ra đi. Người ta hỏi tại sao ông không về nhà, ông nói rằng: “Đó không phải là chỗ cho con người ở”. Ông không muốn suốt ngày ở trong bốn bức tường mà muốn gần với thiên nhiên, sống một cuộc sống tự tại.

Niềm vui của năm dục sáu trần, niềm vui của sự sai khiến bởi dục vọng không phải là niềm vui chân thật. Sự kích động bởi “hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục” không phải là niềm vui. Hòa Thượng nói: “Hưởng thụ năm dục sáu trần giống một chất gây nghiện, hết thì lại khổ và khổ nhiều hơn. Vậy thì vui ở chỗ nào?”. Niềm vui của người thế gian là “lạc cực sinh bi”, vui quá hóa khổ, khi niềm vui lên cao thì trở thành đau khổ, đau buồn. Giống như người chích thuốc phiện, thời gian tạm quên đi cái khổ rất ngắn, qua một thời gian ngắn thì cái khổ lại tiếp nối.

Phật nói: “Thế gian khổ là thật, vui là giả”. Vì sao vậy? Khổ không thể biến thành vui nhưng vui có thể biến thành khổ. Hòa Thượng nói: “Cái gì hay thay đổi thì không phải là thật. Cái gì không thay đổi mới là thật”. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Mọi người đang cùng nhau dự một buổi tiệc tưng bừng vui vẻ, nhưng buổi tiệc đó vui được bao lâu? Người ta ăn no quá, “no đến muốn chết”, nếu ăn nữa thì sẽ chết thật. Sau mấy giờ đồng hồ vui vẻ tiệc tùng thì ai về nhà ấy. Người thì đi tìm cách để tiêu hóa, người thì vất vả thu dọn “chiến trường” sau bữa tiệc.

Phật nói với chúng ta: “Trong tâm thanh tịnh không có phân biệt, không có chấp trước, không có lo buồn, không có phiền não. Đây mới là niềm vui chân thật”. Chúng ta rời xa phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, lo buồn, phiền não thì rất an lạc. Đó mới là niềm vui chân thật.

Có người giàu sang nhưng ăn không ngon, ngủ không yên. Có những người ăn mà không vào, nghe mà không lọt tai vì trong lòng họ đầy phiền não lo toan, ăn mà không biết mùi vị của thức ăn, gọi là “thực bất tri kỳ vị”. Chúng ta cũng có trải nghiệm này. Chúng ta chỉ cần ăn vừa đủ, không để cho mình đói là được, chỉ cần ăn đơn giản như khoai, sắn, mỳ. Chúng ta chỉ ăn vừa đủ no, sau khi đã ăn vừa đủ rồi thì không thiết đến sơn hào hải vị. Từ rất lâu nay, tôi đã có kinh nghiệm. Hôm nào cúng giỗ có nhiều món ăn thì tôi cũng chỉ ăn vài món đơn giản, chỉ ăn vừa đủ, kể cả thức ăn ngon đến mấy tôi cũng không ăn quá nhiều.

Trong tâm thanh tịnh không có phân biệt, không có chấp trước, không có lo buồn, phiền não, không có khổ vui, thương ghét. Đây mới là niềm vui chân thật. Đây không phải là vui của khổ vui. Người ta làm vừa lòng chúng ta thì chúng ta vui. Người ta không làm vừa lòng chúng ta thì chúng ta buồn. Không còn bị trói buộc bởi tập khí phiền não, không bị kích động bởi túng dục thì con người mới có niềm vui chân thật.

Chúng ta phải biết: Cái vui của khổ vui là tương đối. Trong chân như bổn tánh của chúng ta không có khổ và vui, mà là thật vui, nghĩa là chân thật an lạc. Niềm vui chân thật đó vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Niềm vui đó giống như Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói với Ngài Ngũ Tổ: “Tâm con thường sanh trí tuệ”. Nếu gặp Ngũ Tổ thì chúng ta sẽ nói: “Tâm con thường sanh phiền não”. Chúng ta thường sanh phiền não vì chúng ta chạy theo tập khí phiền não xấu ác của mình mình. Suốt quá trình chúng ta học, Hòa Thượng thường nhắc đến 16 tập khí: “Tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn”. Năm dục là “tài, sắc, danh, thực, thùy”. Sáu trần là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”.

Ta ngửi thấy một mùi hương thơm thoang thoảng thì tự nhiên cảm thấy dễ chịu, ngửi thấy mùi hôi thối thì cảm thấy khó chịu. Ta ăn ngon thì cảm thấy dễ chịu, ăn không ngon thì cảm thấy khó chịu. Đó là chúng ta dính mắc, rơi vào phân biệt chấp trước. Hàng ngày chúng ta bị kích động bởi 16 tập khí. Khi chúng ta xa lìa được những thị dục này, xa lìa được những tập khí xấu ác này thì niềm vui chân thật của tự tánh mới hiển lộ. Chúng ta bị quay cuồng bởi cảnh giới bên ngoài, cho nên khổ là thật, vui là giả. Khổ không thể biến thành vui. Vui có thể biến thành khổ. Trong tự tánh không có khổ vui này. Chúng ta phải xa lìa tập khí phiền não của mình. Ngay đến người tu hành lâu năm nếu không hạ công phu ở nội tâm thì vẫn không hiểu, cứ oán trời trách người: “Tại sao mình làm nhiều việc tốt như vậy mà mình lại khổ thế?”.

Hòa Thượng nói: “Niềm vui của khổ vui là cái vui tương đối, trong chân như bổn tính của ta không có thứ khổ vui này”. Làm thế nào để có sự an vui vĩnh viễn, an vui chân thực, không bao giờ thay đổi? Chúng ta phải xa lìa những tập khí phiền não của bản thân, không còn tự tư tự lợi, không còn danh vọng lợi dưỡng, không còn năm dục sáu trần, không còn tham sân si mạn. Nói một cách khác, chúng ta hạ những thứ này xuống thấp nhất, tuy nó còn đó nhưng không để nó khởi tác dụng. Thành thật mà nói, người thế gian chúng ta vui cũng là khổ, làm gì có vui! Thế gian thường nói: “Lạc cực sinh bi”, niềm vui sẽ biến thành khổ, sẽ biến thành lo buồn, sẽ biến thành đau thương, cho nên nó không phải là niềm vui chân thật, không phải là thật vui.

Những thứ mà ta cho là an vui, Phật Bồ Tát nhìn vào đó và thấy rõ chân tướng có gì là vui đâu, chỉ là tạm bợ. Chúng ta thấy chúng ta có một gia đình hạnh phúc, hiện tại thì đang rất hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó được bao lâu? Rồi sự già nua, bệnh khổ, những bất tiện từ ở nơi chính mình, rồi dần dần có rất nhiều những việc lực bất tòng tâm, tâm thì muốn nhưng mà không còn sức lực nữa. Vậy thì có cái gì là thật vui đâu? Toàn là những thứ vui tạm thời, vui giả tạm. Nhưng chúng ta phải nhìn rõ chân tướng của nó để chấp nhận sự thật, để không quá đau khổ. Điều hay nhất của học Phật là ta nhìn trước sự việc đó, ta nhìn thấu sự việc đó. Người thế gian không nhìn thấu cho nên họ không có sự chuẩn bị, họ quá khổ! Có những người vì mất con mà hóa điên, vì mất chồng cũng hóa điên. Những sự việc này ta nghe rất nhiều chứ không phải ít. Họ cứ nghĩ rằng sự yên ấm, hạnh phúc sẽ còn mãi không bao giờ thay đổi.

Thậm chí trên thế gian này còn có những người giàu có dùng hết tiền tài của họ để bảo lưu, ướp thi thể của họ sau khi chết, chờ một ngày nào đó khoa học tiến bộ sẽ làm cho họ hồi sinh lại. Con người quá hoang đường! Nhỏ như thân chúng ta có sinh - lão - bệnh – tử, lớn như vũ trụ có thành - trụ - hoại - không. Chúng ta thấy rất nhiều sao băng chuyển động tạo thành vệt sáng trên bầu trời. Sao băng là một tinh cầu đã bị hủy diệt cách đây một ngàn năm ánh sáng. Vệt ánh sáng đó xuất hiện trong tầm nhìn của chúng ta rồi nhanh chóng biến mất. Những tinh cầu đó xa chúng ta đến mức sau một ngàn năm ánh sáng chúng ta mới nhìn thấy. Thế gian này người ta không nhìn vào sự thật, người ta chối bỏ đi sự thật, người ta không muốn tin vào sự thật bởi vì sự thật quá phũ phàng cho nên họ không muốn tin.

Phật biết rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh này. Ngài nói cho chúng ta biết: Con người là khổ, không, vô thường, vô ngã. Chúng ta biết được khổ, không, vô thường, vô ngã, khổ cũng không thật, vui cũng không thật, khổ vui đều là không thật, tất cả đều là vô thường, ngay chúng ta đây cũng là vô ngã, không thật. Chúng ta biết rõ để trân trọng cái không thật, để tìm cái chân thật.

Thế gian có câu: “Hùm chết để da, người chết để tiếng”. Đó là tiếng thơm muôn đời. Thích Ca Mâu Ni Phật cách chúng ta hơn 2500 năm, gần 3000 năm rồi nhưng ngày nay người theo học với Ngài còn rất đông. Khổng Lão Phu Tử cách chúng ta cũng hơn 2000 năm rồi, vậy mà ngày nay nhiều người vẫn còn học hỏi theo Ngài. Người ta không thể chối bỏ rằng đó là những vị Thầy của muôn đời. Đó mới là biết cái không thật, biết cái vô thường giả tạm để làm ra những điều chân thật cho cuộc đời, để cuộc đời được tiếp diễn và tiếp nối.

Không phải chúng ta học Phật để biết rồi bi quan yếm thế. Nhiều người nói rằng học Phật toàn nói đến sinh tử, vô thường, khổ, không, vô ngã, toàn là những chuyện xui rủi khiến người ta phải lo sợ cho nên họ không chấp nhận. Không phải là không chấp nhận thì sự thật phũ phàng đó sẽ không xảy ra đâu, khi nó xảy ra còn thê thảm hơn.

Khi Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra, Ngài A Tư Đà ở trên núi nhìn thấy một vì sao xuất hiện liền biết rằng có một Thánh nhân xuất hiện trên thế gian. Ngài nhìn thấy ngôi sao đó chiếu vào hoàng cung thì liền biết Thánh nhân xuất hiện ở hoàng cung. Khi biết Thái tử Tất Đạt Đa vừa được sinh ra, Ngài đến hoàng cung. Ngài vừa nhìn thấy tướng của Thái tử thì bật khóc. Mọi người hỏi: “Tại sao gặp Thái tử Ngài lại khóc?”. Ngài nói: “Tôi khóc tại vì tôi sẽ không còn sống đến lúc Thái tử trở thành một vị Phật, một vị Thánh nhân. Tôi không còn đủ thời gian để gặp một Thánh nhân”. Từ đó nhà Vua mới biết được rằng nếu Thái tử ở đời thì sẽ trở thành một vị Chuyển Luân Thánh Vương, nếu Thái tử xuất gia thì sẽ thành một vị Phật, để thành Phật thì chắc chắn Thài tử sẽ rời bỏ hoàng cung để đi tìm đạo. Cho nên nhà vua ra lệnh cho 500 quân lính ngày đêm canh giữ, xây cung điện bốn mùa với nhiều cung nữ, vợ đẹp con xinh, rất nhiều người hầu chăm sóc Thái tử.

Thái tử đi du ngoạn, có rất nhiều binh sĩ đi theo. Khi nhìn thấy một người bệnh, một người già và một người chết, Ngài đều tìm hiểu. Nhà vua quy định không ai được phép nói đến những điều này. Khi nhìn thấy một người bệnh, Thái tử hỏi: “Xa Nặc ơi, đó là gì vậy?”. Xa Nặc nói:“ Thưa Thái tử, đó là một người bệnh”. Khi nhìn thấy một người già, Thái tử hỏi: “Đó là người như thế nào?”. Xa Nặc trả lời:“Thưa Thái tử, đó là người già”. Thái tử nói: “Già ư? Vậy thì ta cũng già như thế ư?”. Một lần, khi nhìn thấy một người chết nằm đó, Thái tử hỏi: “Đó là gì vậy Xa Nặc?”. Xa Nặc trả lời: “Thưa Thái tử, đó là một người chết”. Thái Tử nói: “Chết ư? Vậy thì ta cũng chết sao?”. Xa Nặc nói: “Chết là một định luật mà không ai có thể thay đổi được. Đó là kết quả cuối cùng của kiếp con người mà không ai có thể thay đổi được”. Thái Tử nói: “Thôi được rồi, đi về, không đi du ngoạn nữa!”. Từ khi Thái tử biết được rằng con người có sinh, có già, có bệnh và có chết thì Ngài đã không còn thiết đến những cảnh cung đình, ăn uống, vui chơi nữa mà luôn tìm cách giải thoát khỏi sinh - lão - bệnh - tử.

Chúng ta học Phật để biết kiếp con người là khổ, không, vô thường, vô ngã. Chúng ta phải hiểu rằng khổ, không, vô thường, vô ngã là chắc thật. Cho dù chúng ta là bất cứ ai, dù là người bần hàn hay vương công quý tộc tiền muôn vạn bạc cũng đều phải trải qua sinh - lão - bệnh - tử, không có thuốc trường sinh bất lão. Sách sử nói đến việc xưa kia Vua Tần Thủy Hoàng phái bao nhiêu người tài, tinh nhuệ, trung thành đi tìm cho bằng được thuốc trường sinh. Vua Tần Thủy Hoàng ra lệnh: “Tìm được thuốc trường sinh thì hãy quay về đây, nếu không tìm được mà quay về thì chỉ có nước chết”. Tất cả đều ra đi không trở về.

Tựa đề của bài học hôm nay có rất nhiều cảm xúc: “Thế gian khổ là thật, vui là giả”. Nhưng có mấy người tin được điều này! Đa phần con người cứ lấy cái giả làm cái thật mà không mượn cái giả này để đi tìm cái thật ở trong cái giả. Không tìm cái thật ở trong cái giả thì khi bệnh khổ đến, khi sắp lâm chung, chúng ta mong muốn làm gì thì cũng không kịp nữa rồi.

Người ta nghĩ rằng học Phật là bi quan yếm thế, học Phật là xa lánh cuộc đời, học Phật là không đi theo kịp thời đại. Sự thật không phải như vậy! Chúng ta thấy lớp học của các con ở Sơn Tây rất vui. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam, các con múa hát tri ân Thầy Cô, khuôn mặt của các con rất hồn nhiên, vui tươi. Ở nhà, nếu Bố Mẹ buồn vui, thương ghét, giận hờn thì con cái cũng bị ảnh hưởng theo, cũng buồn vui, thương ghét, giận hờn.

Chúng ta học Phật là để biết chân thật tướng của kiếp người, để trân trọng chứ không phải là bi quan yếm thế. Hòa Thượng là một người học Phật thấu đáo. Cả một đời của Ngài hi sinh, phụng hiến. Cả cuộc đời Ngài tam bất quản, không quản tiền, không quản việc, không quản người cho nên không có gì để dính mắc. Quản việc, quản tiền, quản người thì sẽ dính vào phân biệt chấp trước, có phân biệt chấp trước thì chắc chắn có phiền não, có phiền não thì có khổ đau. Cho nên chúng ta học Phật là học chân thật tướng của vũ trụ nhân sinh chứ không học để mê tín, mơ hồ, bi quan yếm thế. Người học Phật lại là người càng tích cực hơn bởi vì biết được chân tướng sự thật rồi thì càng hi sinh phụng hiến nhiều hơn, chứ không tự tư ích kỉ, không lo vun vén cho bản thân.

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Chúng con chân thành cảm ơn!


Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook