252Thứ Ba, 23/11/2021, 17:55

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Ba ngày 23/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 709

LÚC LÂM CHUNG TÂM KHÔNG ĐIÊN ĐẢO, ĐÂY LÀ ĐẠI PHƯỚC BÁU

Ai cũng mong muốn có cái chết an lành, gọi là “thiện chung”. Muốn có “thiện chung” thì phải có đại phước báu, phước báu phải lớn, phải là một người cả đời biết tiết phước, tích phước, tạo phước mà không hưởng phước. Nhiều người chỉ hưởng phước, nghĩ rằng mình đáng được hưởng nên cứ hưởng phước mà không biết là mình đang tiêu phước. Người xưa nhịn những bữa tiệc tùng để giúp đỡ người nghèo đói, dành đồ cũ vẫn hữu dụng cho người khó khăn, may áo bằng nguyên liệu ít tiền hơn để may được nhiều áo hơn, có thể tặng áo cho người khác. Đó là họ biết tiết phước.

Hôm qua tôi nói chuyện với một chị ở Thụy Sĩ. Tôi nói rằng tôi mặc một chiếc áo khoác 5 – 6 năm nay, tôi chỉ mua 20.000đ. Tôi mặc chiếc áo đó rất dễ chịu, áo rất tốt, rất bền. Chị ấy muốn mua áo tặng tôi nhưng tôi nói rằng nếu vậy thì tôi mang đi tặng người khác. Khi đi ra đường thì cũng cần một áo thời trang, ở nhà thì chỉ cần mặc áo đủ ấm áp là được rồi. Buổi sáng tôi giặt đồ, buổi chiều áo khô là có thể mặc tiếp. Đó là biết tiết phước.

Hôm qua Phật tử ở Cần Thơ gọi điện cho tôi nói là không dám nhận quà cúng dường của tôi. Tôi xin địa chỉ của họ để tiếp tục gửi quà tặng nhưng họ không cho địa chỉ. Họ nói:“Thầy đừng gửi đồ vô đây con bị mắng đấy! Đáng lẽ con phải cúng dường cho Thầy mà Thầy lại cúng dường cho con. Hôm trước con nhận quà của Thầy con toát mồ hôi!”. Tôi mắc cười quá trời! Có gì ngon có gì tốt thì tôi tìm cách chuyển đến cho mọi người thôi, không phải là cúng dường, không có gì khó khăn. Tôi chỉ tặng họ những loại rau củ sạch tôi tự trồng, thơm ngon đặc biệt, có tiền cũng không mua được vì không ở đâu bán loại đậu đũa dài 8 tấc (80cm). Đó chỉ là biểu pháp. Mọi người quen với việc người dưới tặng người trên, học trò tặng Thầy chứ Thầy không tặng học trò. Đấy không phải là bình đẳng. Chúng ta hàng ngày thề với Phật: “Chúng sanh vô biên thề nguyện độ, phiền não vô tận thề nguyện đoạn”. Chúng duyên hòa hợp tạo thành chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều là bình đẳng để được độ, được cứu giúp. Nếu có duyên thì chúng ta tặng họ.

Nhà ai ở xa thì tôi lái ô tô đi tặng, tôi kết hợp một chuyến xe có thể đi tặng nhiều người. Mỗi lần về miền Tây để giảng, tôi thích dùng xe bán tải để có thể chở nhiều đồ tặng mọi người. Mấy ngày qua, tôi chuẩn bị sẵn rất nhiều đồ để tặng: Bánh tráng muối ớt, bánh tráng trắng, bánh tráng gạo lứt, tất cả đều để tặng. Mỗi túi quà tôi đều chuẩn bị rau sạch kèm nửa cân bánh tráng. Tôi không làm với tâm tu phước, bòn phước. Phật dạy: “Bố thí phải là bố thí Ba La Mật”. Bố thí nhưng không thấy người cho, không thấy người nhận, không thấy vật cho. Chúng ta tặng những món quà đặc biệt, sạch tươi ngon, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có chất bảo quản. Đó là bố thí có tâm. Những món quà chúng ta cho tặng người khác phải chân thật là đồ tốt, từ vật chất đến tinh thần đều như vậy.

Thầy Thái Lễ Húc nói: “Bạn dạy người ta học, bạn thu tiền học phí cao. Nếu những điều bạn dạy không giải quyết được đời sống của họ thì nhân quả bạn phải nhận lấy. Đừng tưởng bạn lấy tiền của người ta mà bạn có thể không có trách nhiệm với họ”. Hôm qua tôi nghe thầy Thái nói như vậy mà giật mình. May mà cả đời tôi không có cái tâm đó! Nếu chúng ta làm như vậy thì không những không tích được phước, mà còn tiêu phước và tạo oan gia. Nếu đời mình chưa thê thảm thì đời con cháu về sau sẽ thê thảm.

Chúng ta học những tấm gương xưa thì thấy rõ: Tổ tiên tích âm đức thì con cháu đời đời được thừa hưởng âm đức. Tổ tiên làm những việc trái đức, không tích phước thì con cháu đời sau nhiều đời thê thảm. Hòa Thượng nói: “Bạn muốn vãng sinh thì phải nhờ vào đại phước báu, chỉ niệm Phật chưa đủ. Chúng ta không có phước thì chướng ngại trùng trùng”. Phật dạy: “Phước huệ song tu”, chuyên tu huệ nhưng cũng phải tu phước, hai thứ này phải song song. Nếu chỉ chuyên tâm niệm Phật thì chưa đủ, khi có duyên thì chúng ta phải tạo phước.

Hòa Thượng Hải Hiền tích cực tu phước, tích cực lao động. Ngài giáo dục quần chúng bằng tấm gương của một Lão Hòa Thượng siêng năng làm việc. Ngài không quản việc đời, không nói chuyện thị phi. Ngài chuyên tâm trồng rau, trồng đậu, trồng khoai để tặng mọi người. Lúc Ngài hơn 100 tuổi, Ngài vẫn trèo lên cây hồng để hái quả hồng tặng cho Phật tử ăn. Có người nói Ngài “làm màu”. Nếu Ngài “làm màu” thì không thể tự tại vãng sanh để lại toàn thân xá lợi như vậy. Tâm Ngài là một mảng chân thành, luôn mong muốn phục vụ công hiến cho người, không bao giờ chờ người ta cống hiến, phục vụ mình. Ngài cả một đời lao động, đến khi 110 tuổi Ngài vẫn lao động. Trước ngày vãng sanh, Ngài vẫn bình thường, đó là đại phước báu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook