153Thứ Hai, 22/11/2021, 20:15

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Hai ngày 22/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 707

KHỔ VUI LO MỪNG XẢ

Hòa Thượng nói: “Người mê luôn có năm thứ này: Khổ, vui, lo, mừng, xả”. Khổ, vui, lo, mừng, xả chỉ là tạm thời, nhất thời. Xả không phải là buông xả dài lâu mà là buông xả nhất thời, vui cũng nhất thời, buồn cũng nhất thời, lo cũng nhất thời. Quên đi một chút gọi là xả, ở đây gọi là “xả thọ”, có nghĩa là tạm quên thôi chứ không phải quên hẳn. Người tâm không thanh tịnh mới có đủ năm thứ này. Người tâm thanh tịnh thì không có những thứ này. Chúng ta thử nghĩ xem: Trong một ngày, chúng ta khổ vui lo buồn vì cái gì? Chỉ vì tự tư tự lợi. Nếu chúng ta toàn tâm toàn lực vì người khác mà lo nghĩ, không vì mình mà lo nghĩ thì không có những thứ này.

Hòa Thượng lúc nào cũng ở trong trạng thái hoan hỉ vì Ngài chỉ lo nghĩ cho chúng sanh, không vì mình mà lo nghĩ. Ngài nói: “Trong tâm tôi là một mảng chân thành”. Ngài không nói ra nhưng chúng ta có thể hiểu rằng: Trong tâm Ngài là một mảng Chân Thành, một mảng Thanh Tịnh, một mảng Bình Đẳng, một mảng Chánh Giác, một mảng Từ Bi. Ngài không có khổ, vui, lo, buồn để rồi xả. Đây gọi là “chánh thọ”. Có nghĩa là cảm thọ chân thật. Con người xa lìa hết khổ, vui, buồn, lo, xả thọ thì mới có niềm vui chân thật trong tự tánh.

Chúng ta suốt ngày sợ được sợ mất, lo buồn, được mất hơn thua, thành bại tốt xấu. Thầy Thái Lễ Húc nói: “Bạn chỉ cần chân thật phát tâm vì chúng sanh thì cửu huyền thất tổ của chúng ta thầm bảo hộ, Thiên Long Bát Bộ âm thầm gia hộ. Bạn không cần phải lo được lo mất. Bạn cứ tận tâm tận lực vì chúng sanh là được”. Người kinh doanh buôn bán ở thế gian sợ lời sợ lỗ. Người học Phật, phát tâm vì chúng sanh thì cứ y theo lời người xưa mà làm, không cần phải lo nghĩ. Nếu việc tốt thành tựu thì đó là chúng sanh có phước. Nếu việc tốt chưa thành tựu thì đó là chúng sanh chưa có phước.

Ví dụ chúng ta muốn mở một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh để xiển dương chuẩn mực đạo đức của người xưa, thức tỉnh mọi người chú ý đến. Trường chỉ có 30 cháu đến học, còn biết bao nhiêu người không đến học vì họ cho rằng đó là xen tạp, không chuyên. Tuy chưa tham gia nhưng họ vẫn âm thầm theo dõi các hoạt động của trường, âm thầm nội hóa. Lực âm thầm nội hóa rất lớn. Trong vô hình, trong bất tri bất giác, người ta vẫn khen ngợi, vẫn ghi nhận mà mong muốn các con được đến đó học mặc dù họ chưa cho con của họ đến học. Chúng ta chỉ cần phát tâm làm. Người ta đến được thì đó là phước của họ. Người ta chưa đến được thì đó là họ chưa có phước. Chúng ta không cần khổ, vui, lo, mừng.

Trong một đoàn thể, trong một xóm làng, chúng ta cứ chân thành âm thầm phụng hiến. Sau một tháng, một năm, mười năm, họ sẽ dần dần cảm động. Những nơi tôi ở, tôi cứ thân thiện tặng quà cho hàng xóm láng giềng. Trước đây, có người đã từng dùng đủ cách để hại tôi. Tôi cứ cho, biếu, tặng họ những đồ ngon nhất, tốt nhất. Sau mười năm, họ đổi tâm hoàn toàn.

Chúng ta cứ mong muốn người khác phải làm gì đó cho chúng ta, tại sao chúng ta không nghĩ cách làm gì đó cho mọi người? Chúng ta cứ toàn tâm toàn lực nghĩ cách làm việc gì đó cho mọi người, làm với lòng chân thành, không cần phải mong chờ họ tặng quà cho mình. Chúng ta cứ ngày ngày làm ra sản phẩm rồi tặng quà cho mọi người thì không có lo buồn.

Chiều hôm qua, tôi đi thăm vườn rau. Rau mọc rất nhiều, lá xanh mướt. Sáng nay sau khi giảng xong tôi sẽ đi cắt rau tặng mọi người. Hòa Thượng nói: “Người ta sẽ rất vui khi được nhận quà”. Tất cả mọi người, ai nhận quà cũng vui. Chúng ta là người tặng quà chứ không ngồi đó mong chờ nhận quà. Người niệm Phật một ngày 10 tiếng, 12 tiếng nhưng vẫn tự tư tự lợi, ích kỷ, ngạo mạn, đố kị thì niệm Phật có thành công không? Họ không hiểu vì sao họ vẫn cứ buồn lo.

Hòa Thượng nói: “Đem tâm hi sinh phụng hiến để niệm Phật thì một ngày chỉ cần niệm vài câu Phật hiệu đã tương ưng với Phật rồi, bởi vì họ Phật hiệu gián đoạn nhưng Phật tâm không gián đoạn”.

Một mảng Chân Thành, một mảng Thanh Tịnh, một mảng Bình Đẳng, một mảng Chánh Giác, một mảng Từ Bi

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook