284Thứ Năm, 18/11/2021, 13:33

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Năm ngày 18/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 706

“CHẾT CÓ GÌ ĐÁNG SỢ, AI MÀ KHÔNG CHẾT”

Một người giác ngộ nhìn thấu suốt thì mới có cách nói khẳng khái như vậy. Chúng ta nhìn không thấu thì làm sao có thể nhẹ nhàng với cái chết. Chết là tử biệt, cho nên khi nói đến cái chết thì ai cũng thấy sợ. Chúng ta chưa chết thì cảm thấy dễ, khi sắp chết, chúng ta sẽ thấy còn nhiều việc mình chưa làm xong, chưa buông được cho nên không muốn ra đi. Chính chỗ đó khiến cho chúng ta quyến luyến, bấn loạn, hoảng sợ. Cho nên trong cuộc sống này, việc gì cần làm, chúng ta nên làm ngay. Những việc nên làm thì chúng ta làm luôn chứ không bao giờ hẹn đến ngày mai. Đừng bao giờ có ý niệm “bây giờ làm chưa được, để sau này hãy làm”.

Tôi không bao giờ để việc của hôm nay sang ngày mai, trừ trường hợp bất khả kháng. Việc gì hôm nay có thể làm mà chân thật lợi ích cho người thì tôi vừa nghĩ đến, làm luôn, nhắn tin cho mọi người cùng làm. Vậy thì chúng ta không có gì lo lắng vì mình chưa xong việc. Hôm qua, trên trang web đã đăng lên 700 đề tài. Tôi mỉm cười: “Vậy là tốt rồi! Mình đã đạt đến con số đã định. Từ nay về sau, học thêm được đề tài nào thì tốt thêm đề tài đó”. Rất nhiều việc cần làm thì tôi đã làm hết, không ngồi đó vọng tưởng. Chúng ta nên cố gắng sắp xếp mọi việc ổn thỏa để không phải vướng bận. Mọi người thường nói: “Việc gì đến sẽ đến! Cái chết cũng sẽ đến”.

Hàng ngày bao nhiêu sự chướng ngại, bao nhiêu sự cám dỗ diễn ra xung quanh, chúng ta lấy gì để phản tỉnh? Chờ đến buổi sáng hoặc buổi tối được nghe Pháp mới phản tỉnh thì đã muộn. Vậy dùng phương pháp gì để giúp chúng ta luôn tỉnh thức, để thường niệm thiện Pháp ?

Tôi có thói quen, khắp nơi trong nhà đều để máy nghe Pháp. Trong phòng ăn, trong phòng ngủ, trước nhà, sau nhà đều có nên trừ khi ngủ, còn lại đi đâu tôi cũng có thể nghe Pháp. Đó mới đúng là “thường niệm thiện pháp”. Không phải là mở máy chỉ cho quỷ thần và chúng sinh ở các tầng không gian khác nghe mà bản thân mình nghe là chính. Đó là thắng duyên để giúp chúng ta phản tỉnh, nếu không thì rất khó. Tuy nhiên, việc để máy nghe Pháp cũng tùy duyên, tùy hoàn cảnh điều kiện từng gia đình mà thực hiện để không ảnh hưởng tới người khác.

Hôm qua trong lúc lao động, tôi nghe lời khai thị của một thầy Tổ dạy rằng: Chúng ta chỉ là kẻ tử tù đang được dẫn diễu hành qua phố mà thôi, bên kia thành phố là pháp trường. Đó là sự cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta: Việc cần làm chúng ta đã làm chưa? Việc không cần làm thì bận tâm làm gì! Một ngày có rất nhiều việc không cần làm mà chúng ta vẫn làm. Hiện tại chúng ta đang được dẫn qua thành phố, bị cuốn một chút vào ngũ dục, tài sắc danh thực thùy, nhưng đến cuối đường, bên kia là pháp trường. Rồi ai cũng chết, điều này đã được định rồi, không thể thoát được. Ai trong cuộc đời này cũng mang một bản án tử hình, tại sao chúng ta không tỉnh ngộ. Tôi đã nghe đi nghe lại những lời khai thị của Tổ, khi nghe đến đoạn này thì giật mình phản tỉnh!

Người chân thật tỉnh thức, có sự phản tỉnh cao độ thì mới thường hằng quán sát thấy. Hàng ngày nếu chúng ta không phản tỉnh cao độ thì rất khó. Tôi thì thuận duyên, cả hai vợ chồng đều cùng nghe. Tôi bật vừa đủ nghe, âm thanh vừa đủ. Điều này cần thuận duyên, không cưỡng cầu.

Hòa Thượng nói: “Người giác ngộ thì bổn tánh làm chủ. Người không giác ngộ thì tâm thức làm chủ”. Tâm thức là tình cảm, là mê. Dùng cảm tình mà làm việc thì cho dù đó là việc thiện thì vẫn tạo nghiệp, sẽ thọ báo ở cõi thiện, vẫn không thoát khỏi 6 cõi luân hồi. Trong nghiệp có nghiệp thiện, có nghiệp ác, có nghiệp vô ký (không thiện, không ác, vô thức). Những nghiệp này chiêu cảm là quả báo ở ba cõi sáu đường.

Hòa Thượng nói: “Nếu dùng tâm thức, dùng cảm tình mà làm việc thì đều là nghiệp. Tạo nghiệp thiện thì đi vào cõi thiện để hưởng phước. Đó vẫn là sanh tử. Nếu làm việc ác thì đi vào ba đường ác để thọ báo. Vì vậy làm gì cũng phải làm bằng trí tuệ, không làm bằng tình cảm”.

Hòa Thượng đã dạy chúng ta nhiều lần: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công không đức”. Đó là tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp mới có công đức. Công đức mới giúp chúng ta giải thoát sanh tử. Làm để vì được khen, còn thấy hình tướng là còn dính mắc vào đối đãi. Nếu tự tánh làm chủ thì thiện ác hai bên đều không làm. Vậy thì mọi việc chúng ta làm ra là tịnh nghiệp, làm mà không dính mắc. Quả báo của tịnh nghiệp thì không ở trong sáu cõi luân hồi. Nếu đem tịnh nghiệp hồi hướng Tây Phương Cực Lạc thì quả báo chính là Thế giới Cực Lạc”.

Chúng ta làm ra việc ác là vì có tâm ác. Làm thiện mà dính mắc vào tâm mong cầu thì không phải thiện. Chúng ta làm với tâm không mong cầu thì năng lực làm việc ngày càng lớn mạnh, làm mà không bị mệt mỏi. Nhiều người làm nhiều việc, làm từ ngày này qua ngày khác nhưng không mệt mỏi, làm mà như không làm, không làm mà làm. Vậy tâm đó hoàn toàn không hề dính mắc, làm việc không bị mệt. Hàng ngày chúng ta cứ định danh mấy giờ làm việc gì thì chúng ta bị ràng buộc.

Hòa Thượng nói: “Nếu bạn chân thật hiểu rõ đạo lý này thì bạn có thể buông bỏ thân tâm thế giới”. Chúng ta phải buông bỏ thân tâm thế giới. Một ngày chúng ta tập trung một giờ học tập buổi sáng chính là “buông bỏ thân tâm thế giới”.

Hòa Thượng dặn chúng ta: “Phải nên nhớ, buông là buông trên tâm chứ không phải là buông xả trên sự. Nếu buông xả trên sự thì làm sao chư Phật Bồ Tát thị hiện đến thế gian này để độ chúng sanh!”. Chúng ta chỉ buông xả ở trên tâm, trên sự thì việc cần làm phải làm một cách tốt nhất, nhưng không vướng bận ở trong tâm. Bao nhiêu Tổ Sư Đại Đức, bao nhiêu vị Phật đến thế gian này dùng phương tiện để tiếp độ chúng sanh. Cũng nhờ vậy mà chúng ta được học Phật pháp. Nhiều người nghe pháp nhưng không nghe kỹ, hiểu sai nên làm sai.

Hòa Thượng nói: “Nếu buông xả trên sự thì chư Phật Bồ Tát không cần hóa hiện ở thế gian này”. Bồ Tát Địa Tạng đâu cần phát đại nguyện: Chừng nào địa ngục không còn chúng sanh thì Ngài mới thành Phật; Chừng nào địa ngục còn chúng sanh thì Ngài còn đến tiếp độ chúng sanh. Chúng sanh có cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng. Điều này nói rõ chư Phật Bồ Tát không buông xả trên sự, chỉ buông xả trên tâm, tâm không hề vướng bận, tâm không hề dính mắc”.

Hòa Thượng nói: “Trong tâm mình buông xả danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, năm dục sáu trần. Tất cả những hưởng thụ này, hết thảy những thứ cám dỗ này, chúng ta đều phải buông xả hết. Những thứ đáng đề khởi thì nên đề khởi, những thứ đáng buông xả thì nên buông xả. Những thứ đáng đề khởi là: “Tam học”, “Lục độ”, “Giới - Định - Tuệ”. Giúp đỡ tất cả chúng sanh tận cùng hư không khắp pháp giới thoát khổ nạn thì việc này không được buông xả. Nhưng làm mà không dính mắc, không vướng bận. Toàn tâm toàn lực vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ”.

Lục Độ” là sáu phép Ba La Mật của Bồ Tát:

1. Bố Thí Ba La Mật

2. Trì Giới Ba La Mật

3. Nhẫn Nhục Ba La Mật

4. Tinh Tấn Ba La Mật

5. Thiền Định Ba La Mật

6. Trí Tuệ Ba La Mật

Nhiều người nghe Hòa Thượng giảng ân cần chi tiết như vậy nhưng lại đi buông xả hết, trở thành “độc thiện kỳ thân”. Nhiều người thì không toàn tâm toàn lực, thành ý nhưng không chánh tâm, thành ý cho bá đồ của mình. Bác Hồ dạy “chí công vô tư”. Nếu làm được “chí công vô tư” thì hoàn toàn không có chướng ngại. Cho dù tâm vì chúng sanh, nhưng vẫn nghĩ đến lợi ích cá nhân thì có chướng ngại.

Tôi thường tận lực làm những gì có thể làm, nếu không đủ sức thì thôi không làm nữa, cho nên rất tự tại. Nếu mở trường mà tới lúc “tâm có thừa nhưng sức không đủ” thì đóng cửa trường, không sợ bị nói mất mặt. Hòa Thượng nói: “Giúp đỡ tất cả chúng sanh tận cùng hư không khắp pháp giới thì sự việc này không được buông xả”. Đủ duyên thì chúng ta làm, toàn tâm toàn lực vì xã hội đại chúng mà phục vụ. Hòa Thượng nói: “Có người nói, làm việc tốt vì quốc gia, vì dân tộc thì mà không được ghi nhận, không được cảm ơn, thậm chí làm mà bị mắng thì có nên làm không? Hòa Thượng nói: “Việc gì lợi ích cho quốc gia, dân tộc thì nên làm”.

Hòa Thượng nói: “Người không giác ngộ họ không biết. Họ cho rằng làm người tốt thì không bị chết. Người giác ngộ biết được con người không có sanh tử. Người giác ngộ biết rằng chúng ta sau khi bỏ thân này thì có thân khác tốt hơn. Bây giờ là thân phàm phu, toàn tâm toàn lực vì người khác hi sinh phụng hiến thì chắc chắn sẽ được thọ báo thân khác tốt hơn. Nếu bây giờ là thân phàm phu, đổi thân khác là thân Phật thì không chết. Người nhìn thấu được đạo lý này không nhiều. Nếu nhìn thấu được nhân quả ba đời thì tất cả nghi hoặc của chúng ta được loại bỏ. Tạo nhân tốt sẽ có quả tốt, hồi hướng Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thân sau không phải là thân phàm phu mà là thân Bồ Tát Bất Thoái Chuyển. Người giác ngộ sống ở thế gian này phải thường hay nghĩ đến sự việc này có nên làm hay không? Phải nên làm, phải miệt mài mà làm? Việc gì nên làm? Vì chúng sanh khổ nạn ở tận cùng hư không pháp giới”. Đó là làm ở bên ngoài, làm trên sự, còn trong tâm không dính mắc.

Tôi toàn tâm toàn ý dịch đĩa Hòa Thượng, dành gần 20 năm nay để làm, Nhưng tâm tôi tách bạch. Khi làm giáo dục, tôi không nhắc đến Phật Pháp. Khi tổ chức những buổi tri ân Cha Mẹ, tôi chỉ nói đến hiếu đạo, không nhắc mọi người niệm Phật. Đối với diễn đàn học Phật Pháp, ai muốn học thì tự nguyện học, không ai bắt buộc. Trước đây, tôi giảng gần 400 đề tài không mở Zoom. Sau đó nhiều người đề xuất tôi mới mở Zoom để mọi người cùng học, giúp mọi người rèn luyện việc thức dậy sớm buổi sáng để học. Tôi không mở Zoom để có nhiều thính chúng.

Hòa Thượng nói: “Phải làm đến cùng! Việc tốt cần làm, nên làm, không công không đức. Việc gì nên làm? Việc lợi ích quốc gia, việc lợi ích chúng sanh thì nên làm. Người giác ngộ tuyệt đối không tính toán đến lợi hại được mất cho bản thân, cho dù xả bỏ thân mạng cũng không hề tiếc”.

Chúng ta là giáo viên, là giảng viên, nếu làm việc tận lực mà chết trên bục giảng thì đó là điều hạnh phúc. Tôi đã làm như vậy vài trăm lần. Giai đoạn tôi dạy chữ Hán là giai đoạn tôi phải rất cố gắng, rất nỗ lực, rất khó khăn vì lúc đó tôi bị bệnh nghiêm trọng. Từ chương hai đến chương ba, tôi vừa viết chữ Hán, một tay viết, một tay phải vịn vào bàn để không bị ngã. Mỗi một bài giảng 2 giờ đồng hồ. Một tuần tôi dạy 8 bài. Tôi lên lớp từ 5 giờ sáng đến 7h sáng, từ 19h30’ đến 21h30’, mỗi ngày hai bài giảng. Lúc đó tôi sống ở Sài Gòn, tôi chuyển lên Đà Lạt để dạy và ghi hình. Tôi đã dạy hết chương 8.

Hòa Thượng nói: “Chết không có gì đáng sợ. Nếu hiểu tường tận về sinh tử, trên Kinh Phật dạy chúng ta: Không sinh không diệt, không đến, không đi. Đây là sự thật!”

Trong bài này Hòa Thượng nhắc đến “Thập Ba La Mật”:

1. Bố Thí Ba La Mật

2. Trì Giới Ba La Mật

3. Nhẫn Nhục Ba La Mật

4. Tinh Tấn Ba La Mật

5. Thiền Định Ba La Mật

6. Trí Tuệ Ba La Mật

7. Bát Nhã Ba La Mật

8. Phương tiện Ba La Mật

9. Nguyện Ba La Mật

10. Lực Ba La Mật

“Ba La Mật” là “đáo bỉ ngạn”, rốt ráo, tự tại. Những điều này có sẵn trong tự tánh của chúng ta, không cần phải đi tìm cầu. Chúng ta chưa quay về được với tự tánh thì không thể đề khởi.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nào ngờ tự tánh vốn dĩ đầy đủ. Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”.

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Chúng con chân thành cảm ơn!


Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook