Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Ba ngày 16/11/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 704
NGƯỜI THƯỜNG NIỆM PHẬT XEM RA RẤT TIÊU CỰC NHƯNG THẬT RA RẤT TÍCH CỰC
Từ xưa đến giờ, chúng ta thấy có rất nhiều người niệm Phật nhưng biểu hiện của họ rất tiêu cực, khiến cho hình tướng của người tu hành niệm Phật có vẻ bi quan, yếm thế, xa lánh mọi người. Họ chỉ mặc quần áo nâu, thậm chí quần áo hôi hám, xộc xệch, tóc cắt nham nhở khiến người khác nhìn vào cho là lập dị, tiêu cực. Số người đó chiếm số đông. Đó là cái nhìn quá phiến diện của người học Phật chúng ta. Chúng ta tu học cần phải làm ra biểu pháp để người khác cùng tu học.
“Kinh Hoa Nghiêm” dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người, hành để làm ra mô phạm cho người. Nếu chúng ta học mà bi quan yếm thế thì chúng ta không độ được nhiều người. Trước đây, tôi dịch Kinh hơn 10 năm. Sau đó tôi không dịch Kinh được nữa vì không thể tiếp tục sử dụng hai bàn tay để đánh máy. Khi tôi bắt đầu bôn ba, họ cho rằng tôi xen tạp. Trong thời gian tôi bôn ba, chúng ta đã tổ chức được rất nhiều những buổi tri ân Cha Mẹ, tri ân vợ chồng ở khắp ba miền Bắc – Trung - Nam. Trong những buổi tri ân được tổ chức ở hội trường lớn, ở chùa, ở gia đình, ở trường học, chúng ta hóa thân vào mọi hoàn cảnh. Đó là “Phật hóa thế gian”. Nếu chúng ta khô cứng trong một sắc thái nào đó thì chúng ta lập dị.
Hòa Thượng rất hợp thời trang. Ngài đi Nhật Bản thì Ngài mặc sắc phục của các sư ở Nhật Bản, Ngài đi Hàn Quốc thì Ngài mặc sắc phục của các sư ở Hàn Quốc, Ngài mặc cả sắc phục của những nơi theo Phật Giáo Nam Tông. Ngài đi khắp nơi trên thế giới, đến đâu mọi người cũng cảm thấy Ngài rất gần gũi. Ngài ăn mặc rất chỉn chu. Khi giảng Kinh, Ngài ngồi rất đoan nghiêm. Ngài rất khéo léo, tế nhị sử dụng chiếc khăn. Ngài trân trọng đặt khăn trên mặt bàn, xếp khăn đẹp như một bông hoa lan. Không phải là Ngài “biểu diễn” mà đây là lưu xuất từ nơi tánh đức của tự tánh. Vì vậy, từ xưa đến nay, khi tôi đi giảng bất cứ nơi đâu hoặc khi tham dự các lớp học, tôi đều ngồi rất nghiêm túc.
Chúng ta thấy Hòa Thượng đã độ được biết bao nhiêu người, trong nước, ngoài nước và các tôn giáo bạn. Một người chuyên tu Tịnh Độ mà liên kết được chín tôn giáo hòa hợp, qua lại thân tình như anh em ruột thịt. Chín tôn giáo ở Singapore có Thiên chúa Giáo, Hồi Giáo, Tin Lành, Đạo Giáo... Đạo tràng của Ngài ở Singapore mỗi tuần có một tôn giáo đến giảng. Ngài nhận ra được sự tương đồng giữa Thích Ca Mâu Ni Phật và các vị giáo chủ của các tôn giáo. Khi đến với tôn giáo nào, Ngài sẽ dẫn lời của vị Giáo chủ của tôn giáo đó, nói ra những sự tương đồng giữa Thích Ca Mâu Ni Phật và những vị Giáo chủ đó khiến họ vô cùng hoan hỉ. Nếu chúng ta chỉ nói về bản thân mình thì họ sẽ không thích. Từ xưa đến nay, chưa ai làm được điều này. Ngài làm được ở Singapore suốt 10 năm trường như vậy. Các tôn giáo tay nắm tay như anh em ruột thịt. Mọi người cùng phát huy, hoằng dương giáo lý mà Giáo chủ của mình đưa ra, không hề có sự chống trái, bài bác lẫn nhau.
Chúng ta cùng học Phật, cùng chung một vị Thầy là Thích Ca Mâu Ni Phật. Phật dạy rất nhiều tông phái khác nhau như: Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Hoa Tông. Vậy mà các tông phái lại không thể hòa nhập! Chúng ta tự cho rằng cách nghĩ, cách thấy, cách biết, cách hiểu, cách làm của mình là đúng. Vậy là sai lầm!
Ngày xưa, Hòa Thượng từng đến một làng nhỏ ở Úc Châu nơi mọi người đều là người Thiên Chúa Giáo nhưng họ không những không bài trừ mà còn hoan nghênh Hòa Thượng. Cách làm của Hòa Thượng là mỗi một tuần tổ chức một buổi dạ tiệc ấm áp để các tôn giáo cùng giao lưu, hòa hợp. Thời gian đầu, mọi người còn nghi ngại. Sau một vài buổi, các tôn giáo bạn rất hoan hỉ. Đạo tràng của Ngài là mua từ một nhà thờ. Lúc đầu họ xây nhà thờ nhỏ, về sau không đủ chỗ để sinh hoạt nên các tín đồ tìm một nơi đất khác rộng hơn để xây dựng một nhà thờ lớn đồ sộ. Họ bán nhà thờ nhỏ cho các đồng tu. Các đồng tu mua và tặng cho Tịnh Tông Học Hội. Hòa Thượng không gỡ xuống Thánh giá, không gỡ xuống Đức Mẹ Maria, giữ nguyên những tấm kính pha lê trước điện thờ. Khi đến ngày Giáng sinh, họ chăng đèn kết hoa y như nhà thờ. Các tín đồ Công Giáo rất ngạc nhiên và thắc mắc: “Đây là nơi của Phật Giáo, tại sao các Thầy lại cho kết hoa, kết đèn y như nhà thờ vậy?”. Hòa Thượng nói một câu quá trí tuệ: “Chúng tôi đến đây để làm đẹp hơn những gì các vị có, không phải là để thay đổi làm mới”.