265Thứ Hai, 15/11/2021, 21:49

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Hai ngày 15/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 703

NGƯỜI GIÁC NGỘ SẼ VÌ ĐỜI SAU MÀ LO NGHĨ

Đề tài hôm nay, Hòa Thượng muốn thức tỉnh chúng ta phải vì đời sau mà lo nghĩ: “Đời sau đi vào ba đường ác, hay đi vào ba đường thiện hay về Thế giới Tây Phương Cực Lạc?”. Đó là vì đời sau mà lo nghĩ. Có nhiều người nghĩ rằng sanh tử là việc lớn, thật ra sanh tử là việc nhỏ, ai sinh ra cũng phải chết đi. Việc lớn là tử sanh: Chết rồi đi về đâu? Mấy người hiểu được điều này! Ngay đến những người tu hành nhiều năm cũng không chú trọng đến việc này. Cho nên Hòa Thượng nhắc chúng ta phải vì đời sau mà lo nghĩ, có nghĩa là vì kiếp lai sinh mà lo nghĩ: “Ta xem lại xem chính mình có đủ tiêu chuẩn làm người không, có đủ tiêu chuẩn làm thiên nhân hay không, có đủ tư cách về Cực Lạc không, hay đọa lạc về ba đường ác. Chúng ta phải hết sức nghiêm túc phản tỉnh!”. Đa phần người học Phật không có thái độ nghiêm túc như vậy, nên Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta. Việc này quan trọng hơn bất cứ việc gì. Khi đã mất thân người, muốn có lại được thân người là một việc vô cùng khó khăn vì nếu đã lỡ mất thân người thì khi tái sanh rất khó có lại được thân người. Hàng ngày chúng ta chìm đắm trong tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, nhất là tham sân si mạn cho nên cơ hội làm người khó có được.

Nhà Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta đã được tiếp nhận, đã được nghe Phật pháp mà chúng ta không trân trọng, không nắm lấy cơ hội này, để cho nó uổng qua thì biết đến bao giờ mới có được cơ hội trân quý này? Trên Kinh đã nói: “Trăm ngàn muôn kiếp mới được gặp”. Các Tổ Sư Đại Đức Tịnh Độ nói: “Thân người tròn đầy, gặp được Phật pháp, gặp được pháp môn Tịnh Tộ, đây là cơ duyên ngàn năm có một vì Tịnh Độ không dễ gì có được”.

Người ta nghe thì không tin, chúng ta vừa nghe thì tin ngay. Từ nhỏ, tôi niệm Phật theo Bà nội. Khi dịch đĩa Hòa Thượng, niềm tin của tôi càng sâu sắc. Chúng ta từ “TÍN – GIẢI – HÀNH – CHỨNG” chuyển thành “TÍN – NGUYỆN – HÀNH – CHỨNG”. Hòa Thượng hết sức ân cần dặn bảo chúng ta: “Đừng bỏ lỡ cơ hội này! Đừng để cơ hội này đi qua một cách uổng phí!”. Con người phải luôn luôn tỉnh ngộ! Con người có đời quá khứ, có đời hiện tại, có đời vị lai. Con người phải luôn luôn vì đời sau mà phản tỉnh, vì đời sau mà lo nghĩ, đem việc sanh tử đặt lên hàng đầu. Việc tử sanh vô cùng quan trọng. Thời gian của chúng ta không còn nhiều, đừng mất thời gian vào những việc giận hờn, ghen ghét, thị phi nhân ngã, đố kị.

Sau khi tái sanh, ta đủ tư cách vào cõi nào? Không phải Phật Bồ Tát ban cho ta, càng không phải Thánh Hiền, không phải các vị Thần ban cho ta mà chính ta sắp xếp cho ta, chính ta an bài cho ta. Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con có thể vãng sanh không? Con có đủ tư cách làm cư dân Thế giới Tây Phương Cực Lạc hay không?”. Hòa Thượng trả lời: “Việc này chính mình tự biết, không cần phải hỏi ai”. Cư dân của Thế giới Tây Phương Cực Lạc Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi. Chúng ta chưa làm tròn được 100% nhưng dần dần nâng cao từ 30%, 40%, 50%, 60% rồi cứ dần dần mà nâng cao. Chí ít thì chúng ta phải làm đến được 20%. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: Chúng ta làm đến 20% mới được hạ phẩm hạ sanh.

Nhiều người nghĩ rằng cứ niệm Phật thì vãng sanh, cứ quy y Phật thì Phật lo cho mình việc sanh tử. Làm gì có chuyện đó! Chúng ta phải làm đúng nguyên lý nguyên tắc. Niệm Phật như nhai trầu, tập khí còn nguyên thì khó rồi! Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải ngày ngày tiếp nhận, ngày ngày phản tỉnh, không để tập khí xấu ác khởi hiện hành”. Hòa Thượng nói một câu khiến tôi cảm xúc rất cao: “Đại đạo của Phật Bồ Tát là chỉ ư chí thiện”. Phật dạy Bồ Tát: “Phải thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để một chút bất thiện xen tạp”. Tập khí của chúng ta lúc nào cũng muốn dấy khởi. Chỉ cần chúng ta cho phép mình lơ là một lần thì sẽ có lần thứ hai. Nếu chúng ta cho phép mình lơ là đến lần thứ ba thì sẽ mất hết công lực, phải làm lại từ đầu. Trong suốt 700 ngày qua, chúng ta đã học tập đều đặn như vậy nhưng tập khí vẫn đề khởi, chúng ta phải luôn cảnh tỉnh với tập khí. Hôm qua tôi bị cảm do dính nước mưa, người đau ê ẩm. Sáng nay, đã đến giờ dậy nhưng tôi vẫn muốn nằm thêm một chút. Khi tôi vừa khởi ý niệm “bây giờ vẫn còn sớm” thì tôi lập tức ngồi dậy.

Hòa Thượng nói: “Con người sinh ra có lý nào mà không chết ! Chết sớm hay chết muộn, có gì khác biệt đâu! Thực tế mà nói, không có gì khác biệt cả”. Con người ta sở sĩ bàng hoàng kinh sợ cái chết bởi vì họ bám chặt sự sống, không chấp nhận sự thật, lúc chết người cứng đờ. Người đã chuẩn bị trước thì vui vẻ ra đi. Chúng ta phải chuẩn bị trước cho giai đoạn này.

Hòa thượng nói: “Thế gian này rất ngắn ngủi, nhưng thời gian của đời sau rất dài. Nếu có thể nghĩ đến đời sau thì khởi tâm động niệm của chúng ta phải có trách nhiệm, phải biết vì đời sau mà lo nghĩ. Người biết vì đời sau mà lo nghĩ là người có trí tuệ”. Trong Kinh Phật thường nhắc nhở chúng ta: “Mạng người trong một hơi thở. Hít vào mà không thở ra thì đã trở thành đời sau”. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu được, phải đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức, vì đời sau mà lo nghĩ.

Hòa Thượng hết sức ân cần nhắc nhở chúng ta. Nếu chúng ta không thường xuyên học tập thì chúng ta sẽ quên. Chúng ta cứ cho rằng nhà cửa là thật, tiền tài vật chất là thật, con cái là thật, chúng ta cho giả là thật cho nên chúng ta đau khổ đến cùng tận. Chúng ta không nhìn thấu được nó nên không chịu nổi thực tế phũ phàng, có người còn trở nên điên loạn. Mấy tháng trước, trên báo có đăng bài về một gia đình bị hỏa hoạn. Qua một đêm, sau cơn hỏa hoạn, gia đình họ cả nhà 6 người đều đi hết, chỉ còn lại một mình ông ấy. Ông ấy cứ nhớ tưởng gia quyến. Chúng ta nên tỉnh ngộ, cuộc đời vô thường đến mức độ đó thì chúng ta nên dùng hết sức mình để hi sinh cống hiến cho cuộc đời, đem tình yêu đó để phụng hiến, yêu thương tất cả mọi người thì sẽ tốt hơn. Nhưng không có người đánh thức họ.

Chúng ta học Phật, ngày ngày tiếp nhận Phật pháp để có một sự chuẩn bị. Nhìn được thấu thì mới buông được xuống, không nhìn được thấu thì không thể buông được xuống. Người bị sinh ly thì nói: “Thà tử biệt, ai nỡ sinh ly”. Người tử biệt thì nói: “Thà sinh ly, ai nỡ tử biệt”. Thật ra đó đều là khổ. Nhà Phật dạy “bát khổ”: Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ. Tám khổ hoành hành trong kiếp nhân sinh của chúng ta. Chúng ta học Phật để có thái độ đúng đắn với kiếp nhân sinh, gặp cảnh sinh ly hay tử biệt, ta đều biết cách đối phó.

Có một câu chuyện mà Đức Phật dạy rất hay: Một người phụ nữ có một đứa con. Bà là quỷ nữ, thường hay bắt trẻ nhỏ để ăn thịt. Khi con của Bà chết, bà bế con đến chỗ Phật, xin Phật cứu con của mình. Bà biết Phật có thần thông, sẽ từ bi cứu giúp. Đức Phật đồng ý giúp với một điều kiện: “Hãy đi tìm cho ta một nắm tro bếp của một ngôi nhà chưa từng có người chết, ta sẽ làm dược liệu cứu con của bà”. Bà đi khắp thành Ca Tỳ La Vệ nhưng không tìm ra được nhà nào không có người chết. Đức Phật muốn bà nhìn thấu rằng “sanh lão bệnh tử”, “sanh ly tử biệt” là định luật vô thường mà ai cũng phải trải qua. Bà thiểu não quay về nói với Phật: “Con không thể nào tìm được nắm tro như vậy”. Đức Phật giải thích cho bà nghe, bà liền hiểu ra.

Chúng ta cần hiểu định luật vô thường, sinh lão bệnh tử đến bất cứ lúc nào. Chúng ta phải tích cực đoạn ác tu thiện, vì đời sau mà lo nghĩ. Hòa Thượng nói: “Người xưa nói rất hay! Có người chết nặng như núi Thái Sơn, có người chết nhẹ như sợi lông. Người chết nhẹ như sợi lông vì họ nhìn thấu được, buông xả được. Người chết nặng như núi Thái Sơn vì họ trùng trùng lo nghĩ, trùng trùng chấp trước”. Có người chỉ vì lo chưa cưới được vợ cho con mà không thể chết được, cứ nằm đó nước mắt giàn giụa. Có người vì mong được gặp mặt cháu nội chưa ra đời mà chết không nhắm được mắt. Con người ta có chấp trước trong lòng, ôm chấp trước đó nên không thể chuyển sanh. Chúng ta đừng bao giờ để bất cứ một chấp trước nào ở trong lòng.

Phật bày ra trước mắt chúng ta 10 pháp giới. Đây là 10 con đường để đi: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Trời, Người, A Tu La, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục. Chúng ta phải đi con đường nào? Muốn đi đến nơi nào? Đây là việc vô cùng quan trọng. Phật đã phân tích cho chúng ta. Nếu chúng ta không học thì không biết ta từ đâu đến, ta sẽ đi về đâu. Khi vô thường đến thì chúng ta cảm thấy vô cùng khủng khiếp, lo sợ, cầu cứu hết người này đến người nọ.

Ngày xưa tôi thường tiếp xúc với người sắp mất, tiếp xúc với người có người thân sắp mất. Họ vô cùng bàng hoàng, khiếp sợ. Họ thật đáng thương! Ai nói gì họ cũng tin. Người ta nói mài sừng tê giác để uống, họ cũng bỏ ra rất nhiều tiền để làm theo, nhưng họ vẫn chết. Họ bấm huyệt, tìm cầu, chạy theo pháp này pháp nọ nhưng tiền thì mất, người vẫn chết. Nếu chúng ta biết thì chúng ta dùng tiền để giúp đỡ người nghèo, giúp chúng sinh đau khổ thì may ra người chết có một chút công đức trước lúc ra đi.

Chúng ta học Phật thì phải nhìn thấu, nhìn thấu được kiếp nhân sinh này không ai có thể thay đổi được, sinh lão bệnh tử không ai có thể thay đổi được. Học Phật là để chọn sẵn một con đường để đi và sẵn sàng đi lúc nào bất cứ lúc nào. Học Phật để nhìn thấu kiếp nhân sinh này, không phải học Phật để sống lâu, không già không chết. Có bao giờ chúng ta chuẩn bị sẵn rằng: “Chiều nay hoặc sáng mai, ta ra đi đều được! Tất cả những việc tốt cần làm ta đã làm xong. Phật đến lúc nào thì ta đi lúc ấy. Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã chờ sẵn. Khi vô thường đến chúng ta đi luôn, không chấp trước”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải nỗ lực lo nghĩ vì đời sau. Đời sau chúng ta đi đến nơi nào, việc này đáng để chúng ta phản tỉnh”. Chúng ta học Phật để nhìn được thấu, nhìn được thấu thì mới buông được xuống. Thân tứ đại phải theo sự vô thường. Thân thể chúng ta đang thay đổi theo từng sát na. Hàng ngày, khi tắm rửa chúng ta kỳ cọ, thải ra những tế bào chết. Đến một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận thấy mình càng ngày càng già đi. Con người của hôm nay không phải là con người của hôm qua. Sau một đêm, cơ thể chúng ta thay đổi rất nhiều. Ta phải “nhìn thấu được thì mới buông xuống được”. Ta biết rõ ràng tương lai ta có mười con đường để đi, ta chọn đi vào ba đường ác, hay ba đường thiện, hay chọn đi về thế giới Tây Phương Cực Lạc? Nguyên lý, nguyên tắc Phật đã dạy hết rồi. Chọn vào ba đường ác thì thập ác đầy đủ. Chọn về ba đường thiện thì thập thiện đầy đủ. Chọn về Tây Phương Cực Lạc thì thập thiện đầy đủ và toàn tâm toàn lực niệm câu A Di Đà Phật, chúng ta phải toàn tâm toàn lực, tích cực nỗ lực mà làm. Vậy thì vãng sinh hay đọa vào ba đường ác là ở chính mình, không phải là ở Phật Bồ Tát.

Hòa Thượng chốt lại: “Con người không chỉ có một kiếp này mà còn có đời sau và đời sau nữa. Người giác ngộ, người hiểu được sẽ không quá bận tâm lo nghĩ cho đời này mà sống tốt đời này để lo nghĩ cho đời sau”. Đời này đã tốt thì đời sau thăng hoa hơn, chuyển đổi để đời sau tốt đẹp hơn. Chúng ta học Phật thì mới hiểu được. Nếu học Phật mà không thường xuyên tiếp nhận thì chúng ta rất dễ quên, không dễ mà thường cảnh tỉnh. Cho nên bài học hôm nay Hòa Thượng nói: “Người giác ngộ họ sẽ biết vì đời sau mà lo nghĩ”. Vậy chúng ta xem coi mình có phải là người giác ngộ không, hay mình là người mơ hồ, cứ mải bận rộn vì đời này mà lo nghĩ.

Chúng ta đừng hiểu lầm! Muốn vì đời sau mà lo nghĩ thì phải làm tốt đời này. Vì đời sau mà lo nghĩ có nghĩa là đời này làm nhiều việc tốt nhưng không vướng mắc, không lưu lại trong tâm. Rất nhiều người hiểu sai nên bi quan yếm thế, chỉ muốn tốt cho bản thân, không làm lợi ích cho chúng sinh. Người xưa gọi đó là “độc thiện kỳ thân”, chỉ tốt cho riêng mình. Phật dạy: “Phát Bồ Đề tâm, một lòng chuyên niệm”. Nếu chúng ta chỉ “một lòng chuyên niệm” mà không “phát Bồ Đề tâm” thì sai rồi! Nhiều người phạm phải sai lầm này.

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Chúng con chân thành cảm ơn!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook