252Thứ Sáu, 12/11/2021, 15:35

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Sáu ngày 12/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 700

CHÚNG TA ĐÃ LÀM MÊ MẤT ĐI GIÁC – CHÁNH – TỊNH

Vốn dĩ tự tánh của mọi chúng sanh là thuần Giác, thuần Chánh, thuần Tịnh, nhưng đã hoàn toàn bị mê mất. Cho nên Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức nhắc nhở để chúng ta biết rằng tự tánh của chúng ta có sẵn, cũng giống như một đứa bé “cùng tử”, nghèo khổ, lưu lạc, tha phương nhưng trong chéo áo của nó, người Cha đã cẩn thận may một vạt áo và đính trong đó hạt minh châu. Hạt minh châu đó chính là thuần Giác, thuần Chánh, thuần Tịnh.

Trong “Kinh Pháp Hoa”, Phật nói đến một “cùng tử”. “Cùng tử” là chúng sanh. Hạt minh châu trong vạt áo chính là tự tánh thanh tịnh. Chúng ta đã làm cho thuần Giác, thuần Chánh, thuần Tịnh hoàn toàn mê mất vì mỗi một đời đi qua, chúng ta lại bị ô nhiễm quá nặng. Chúng ta không biết quá khứ, nhưng ngay trong đời hiện tại, sự ô nhiễm của chúng ta quá nặng. Việc tốt vô cùng khó đề khởi. Việc xấu không cần đề khởi, nó gần như trực chờ sẵn để phát khởi.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ cần quán sát hai đứa bé chưa đầy một tuổi. Hai đứa bé nằm chung, nếu ta cho quà đứa bé này, không cho quà đứa bé kia thì chúng ghen tị, hờn dỗi, khóc thét. Đó là tập nghiệp chúng sanh mang sẵn đến thế gian này. Không ai dạy nhưng trẻ nhỏ đã biết đố kị, biết tham, biết sân, biết si”. Chưa cần nói đến đời quá khứ, từ khi sinh ra đến lúc chết đi trong đời hiện tại, chúng ta đã tạo quá nhiều nghiệp, làm mê mất thuần Giác, thuần Chánh, thuần Tịnh, càng lúc càng rời xa tự tánh thanh tịnh. Phật nói “tự tánh của chúng sanh vốn dĩ thanh tịnh” nhưng chúng ta tìm hoài không thấy vì tự tánh thanh tịnh bị che phủ bởi nhiều lớp quá, cho nên chúng ta không nhận ra. Người xưa gọi là “mê mất tự tánh”, “quên mất tự tánh”.

Phần thí dụ của “Kinh Pháp Hoa” rất hay. Một cùng tử cứ tưởng rằng mình nghèo khổ, lạc mất Cha mà không biết rằng người Cha đã đính ở trong vạt áo của con một hạt minh châu - một của báu vô giá. Chúng ta chính là kẻ cùng tử. Người Cha là chỉ Phật. Chúng sanh chúng ta cần có sự gợi mở của Thầy tốt bạn lành để hồi phục lại tự tánh của mình. Chúng ta không biết cách gần Thầy tốt bạn lành thì vĩnh viễn không thể khôi phục được tự tánh thanh thịnh của chính mình.

Chúng sanh có một ý niệm sai lầm, phải nói là quá là ngông cuồng, quá ngổ ngáo! Họ nói: “Hòa Thượng Tịnh Không giảng lời của Phật thì ta nghe lời của Phật luôn chứ không cần nghe lời của Hòa Thượng Tịnh Không. Ông Vọng Tây giảng lời của Hòa Thượng Tịnh Không thì ta nghe lời của Hòa Thượng Tịnh Không luôn chứ không cần nghe lời của ông Vọng Tây”. Đó là “khinh Sư diệt Tổ”. Nếu ngày xưa Hòa Thượng Tịnh Không cũng nghĩ “Ồ! Thầy Lý Bỉnh Nam là đệ tử của Tổ Ấn Quang thì mình đi nghe Tổ Ấn Quang tốt hơn chứ, không cần học với Thầy Lý!”, vậy thì quá nghiêm trọng! Chúng ta nên đứng từ xa mà lạy những người đó, tránh xa họ. Đó là “khinh Sư diệt Tổ”!

Bởi vậy Ngài Lý Bỉnh Nam dạy học trò: “Các ông phải bỏ hết đi cái thấy, cái biết của riêng mình thì may ra mới có được một chút thành tựu. Đừng chấp chặt cái thấy, cái biết của mình bởi đó chỉ là vọng tưởng, chấp trước”. Từng đời, từng đời có một sự truyền thừa. Nếu chúng ta không chấp nhận sự truyền thừa thì chúng ta đã cắt đi cái mạch truyền thừa đó. Nếu như đời trước của chúng ta cũng có ý niệm như chúng ta thì hỏi xem Phật Pháp có được truyền đến ngày hôm nay không? Mọi người thử nghĩ xem? Từ thời của Phật đến nay đã hơn 2600 năm rồi, nếu không có sự truyền thừa qua từng đời từng đời thì làm gì có đến hôm nay để chúng ta có sự tu hành!

Hòa Thượng nói: “Các Thầy Chung Mao Sâm, Thái Lễ Húc, Hồ Tiểu Lâm, Trần Đại Huệ, đĩa của mỗi một người giảng tôi đều nghe mỗi bài ít nhất 10 lần. Những buổi học tập đạo đức văn hóa truyền thống tôi đều nghe. Bộ đĩa “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc”, mỗi tập tôi nghe 10 lần”. Ngoài việc nghiên cứu Kinh giáo, Ngài còn học tập hậu bối của mình, vừa kiểm soát xem hậu bối của mình nói có đúng không.

Người xưa nói: “Bạn lành nương cậy, thầy tà lánh xa”. Chúng ta tu học Phật pháp thì phải bỏ đi cái thấy của mình, cái biết của mình, cách làm của mình vì nó đã sai. Chúng ta phải làm theo cái thấy cái biết của Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát xa quá thì chúng ta học theo cái thấy cái biết của Hòa Thượng. Tôi ngày ngày dạy học trò, ngày ngày học từ học trò. Tôi đã bỏ qua một năm không học tiếng Hán, nhưng gần đây khi cầm cục phấn lên, tôi vẫn viết được tiếng Hán với những đường nét đẹp theo ý mình.  

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook