527Thứ Bảy, 06/11/2021, 16:13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Bảy ngày 06/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 696

“KHÔNG THỂ MỘT MÔN THÂM NHẬP THÌ BẠN KHÔNG THỂ CÓ THÀNH TỰU”

Thế học, Phật học đều dạy chúng ta phải “một môn thâm nhập”. Thế gian có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có một nghề tinh chuyên thì nghề đó mới gây được ấn tượng cho người khác. Đối với tu hành thì phải “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Đây là kinh nghiệm của người xưa. Chúng ta không tuân theo nguyên lý nguyên tắc đó, tự mình cho mình là người biết, tự mình thêm bớt nên đa phần không có thành tựu.

Hòa Thượng Tịnh Không nói: “Tôi sở dĩ có một chút thành tựu bởi vì tôi tuân thủ nghe theo một vị Thầy”. Điều này không dễ làm! Bài học hôm nay, Hòa Thượng chỉ ra cho chúng ta thấy lý do vì sao không thành tựu. Người ta thành tựu nhờ “một môn thâm nhập”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu học Phật pháp phải có sức nhẫn nại tương đối thì mới được. Nếu không có sức nhẫn nại thì không thể một môn thâm nhập”. Giống như ngày xưa, người ta kéo lửa bằng cách kéo hai thanh gỗ cọ xát vào nhau, phải kéo thật nhanh, thật đều, phải kiên trì nhẫn nại thì mới tạo ra lửa.

Hòa Thượng nói: “Bạn không thể “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” thì bạn làm sao có được thành tựu! Thành thật mà nói, phần nhiều người học Phật hiện tại không thể so với người xưa. Người xưa thật thà, chất phác. Người hiện tại thông minh hơn nhiều so với người xưa. Chính sự thông minh đó làm hại họ, khiến họ sai lầm vì tự mình cho rằng mình thông minh, không chịu y theo phương pháp của người xưa để học”. Hòa Thượng Đế Nhàn dạy ông thợ vá nồi: “Con lớn tuổi rồi! Con lên núi lão thật mà niệm Phật. Niệm Phật đến khi nào mệt thì nghỉ, đói thì ăn, rồi lại tiếp tục niệm”. Ông thợ vá nồi thật thà chất phác, y giáo phụng hành theo lời dạy của Thầy, một lòng niệm Phật, sau 3 năm thì đứng mà vãng sanh.

Ngày nay người ta hay sáng tạo. Đến chuẩn mực đạo đức luân lý của người xưa họ cũng cải đổi làm mới. Thầy Trần mở lớp dạy Văn hóa truyền thống. Họ cũng mở lớp dạy Văn hóa truyền thống, cho học trò mặc trang phục thời xưa, ngồi quạt phe phẩy giống như ông tiên đọc sách Thánh Hiền, không đúng với tâm thái cung kính của học trò thời xưa. Học như vậy thì thành ra cái gì?

Có người chia sẻ với tôi một clip về cách dạy con, clip đó tuy hay nhưng không phải là chuẩn mực của người xưa. Nhiều người sai lầm chính ở chỗ này. Ma có thể nói hay như Phật, nhưng chúng ta không được nghe lời của ma. Chúng ta chỉ nghe lời của Phật, chỉ nghe lời của người xưa bởi vì pháp mà Phật nói ra lưu xuất từ tâm thanh tịnh. Lời của ma nói là vọng tưởng. Người xưa nói ra chuẩn mực là chuẩn mực trong tự tánh. Người ngày nay nói ra chuẩn mực của thế gian, không phải là chuẩn mực của Thánh Hiền. Chúng ta rất sai lầm cho rằng người xưa đã lỗi thời, người ngày nay mới hợp thời. Đây là một điều vô cùng tai hại. Họ tự cho mình thông minh, trong đó len lỏi sự đố kị, sự ngạo mạn. Họ muốn làm mới, cải đổi, không muốn làm theo văn hóa truyền thống.

Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Ngài cả đời “một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Thầy dạy như thế nào thì Ngài làm đúng như vậy, không hơn không thiếu. Ngài nói: “Tôi sở dĩ có một chút thành tựu bởi vì tôi tuân thủ nghe theo một vị Thầy”. Người ta mở lớp học, tìm đến những cái mới hợp thời, nhưng đó chỉ là tri thức, không phải là trí tuệ. Trí tuệ từ tâm thanh tịnh. Tri thức chỉ ở vọng tưởng phiền não mà thôi. Chúng ta nghe theo trí tuệ hay nghe theo tri thức? Nhiều người không theo trí tuệ nên không thành tựu. Nghe theo trí tuệ thì mới không có tác dụng phụ vì trí tuệ từ nơi tự tánh lưu xuất ra.

Hòa Thượng nói: “Nếu thế gian này có thể giải quyết được mọi vấn đề thì Thánh Hiền đã không ra đời. Chính vì thế gian này không giải quyết được vấn đề nên Thánh Hiền mới ra đời. Nếu thế gian này có chuẩn mực thì không loạn đến như thế này!”. Khổng Lão Phu Tử được coi là “Vạn thế sư biểu”, vị Thầy của muôn đời. Thích Ca Mâu Ni Phật được người người xưng là “Bổn Sư”, là vị Thầy ban đầu. Những gì các Ngài nói ra đều lưu xuất từ tự tánh. Chuẩn mực của các Ngài là tuyệt đối. Người thế gian có tri thức nhưng đó không phải là trí tuệ. Chúng ta nên nhớ kỹ điều này! Nếu bản thân chúng ta thể hiện ra là người “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” thì sẽ không có ai đến rủ mời chúng ta đi tu pháp khác.

Có một nhóm phiên dịch hỏi ý kiến tôi về việc họ lấy bài từ trang web tinhkhongphapngu.net để in thành sách, phổ biến lưu thông. Họ muốn tôi đưa ra vài lời đóng góp ý kiến nhưng tôi không trả lời vì trang web đã ghi rõ là “không có bản quyền, hoan nghênh phổ biến”. Họ tặng tôi sách đã in giống như tặng tác quyền. Họ tặng tôi phong bì giống như trả tiền tác quyền nhưng tôi không nhận. Tôi dặn họ ba việc: “Tôi không nhận một đồng nào, sau này đừng làm như vậy nữa! Nếu in sách để bán thì phải bán rẻ và không được chỉnh sửa nội dung bài giảng của Hòa Thượng”.

Hòa Thượng nói: “Người xưa thành thật. Cái chính là họ chuyên nhất. Họ có thể tuân thủ theo giáo huấn của Lão Sư, có thể tuân thủ kinh nghiệm của người đi trước nên có thể thành tựu”. Người ngày nay nói ra vọng tưởng của họ. Chúng ta không bài bác những công trình nghiên cứu của các Giáo sư nhưng chúng ta chỉ tin theo người xưa bởi vì chuẩn mực của người xưa đã được minh chứng bởi không gian và thời gian nên không thể sai. Người xưa tâm thanh tịnh, những gì họ nói ra đều là những điều họ đã thật làm.

Hòa Thượng nói: “Giáo huấn của Phật Bồ Tát là những điều các Ngài đã làm được, đã có kết quả nên các Ngài dạy chúng ta. Thánh Hiền nói rồi thì làm một cách triệt để, nói và làm đều tương ưng. Phàm phu chúng ta nói và làm trái ngược nhau, có khi nói ra nhưng không làm”. Những điều người ngày nay nói ra có tác dụng phụ bởi vì họ nói ra từ vọng tưởng, không phải là nói ra chuẩn mực của người xưa. Chuẩn mực của người xưa dựa trên trí tuệ và tâm thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Người hiện đại chú trọng ở rộng, phải là “bác học đa văn”. Nhưng thực tế mà nói, cái rộng đó chính là xen tạp, là tạp loạn, rối bời. Vậy thì làm sao có được thành tựu? Họ tự cho mình thông minh, nhưng “thông minh” lại bị “thông minh” hại. Trên “Tam Tự Kinh” có nói: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”. “Giáo” là giáo học. Trong đạo lý của giáo học, điều quan trọng nhất là phải lấy “chuyên” làm trọng. Ngay giáo học của thế gian cũng đều phải quý trọng ở chữ “chuyên”. Bạn học một môn thì mới có thể trở thành chuyên gia, học nhiều môn thì không thể trở thành chuyên gia. Huống hồ chúng ta tiếp nhận Đại Pháp để giải thoát sinh tử, nếu không chuyên một môn thì không thể thành tựu! Giáo học của thế gian mà còn phải chú trọng chữ “chuyên” thì huống chi ta học Phật Pháp. Học Phật Pháp phải chuyên thì mới đạt được tâm thanh tịnh, mới có đường để thoát sinh tử, còn xen tạp thì tâm không thể thanh tịnh.

Thí dụ: Chúng ta tu hành, bệnh nặng sắp lâm chung. Người tụng “Kinh Pháp Hoa” thì nói phải tụng “Kinh Pháp Hoa” mới tiêu nghiệp. Người tụng “Kinh Dược Sư” thì nói phải tụng “Kinh Dược Sư” vì Đức Phật Dược Sư có thần dược trị được các bệnh, chỉ Đức Phật Dược Sư mới có thuốc nhiệm mầu giúp chúng ta trị bệnh. Người tụng “Chú Đại Bi” thì nói phải tụng “Chú Đại Bi” của Bồ Tát Quán Thế Âm vì chỉ Bồ Tát Quán Thế Âm mới có nước cam lồ giúp tiêu được nghiệp, nếu không đánh dẹp hết yêu ma, quỷ quái, oan gia trái chủ thì sẽ bị oan gia trái chủ tấn công. Người niệm Phật thì nói phải niệm Phật. Vậy lúc đó chúng ta nên làm gì? Điều quan trọng là ngay lúc đó tâm ta phải được định, ngay lúc đó tâm ta phải thanh tịnh.

Tôi nói thật, từ lâu nay tôi không tán Phật, không đọc hồi hướng. Tôi đã quên câu tán Phật và câu hồi hướng, chỉ còn nhớ một câu A Di Đà Phật, lúc sắp chết chỉ nhớ câu A Di Đà Phật. Tôi cũng không nhớ Kinh Pháp. Ngày xưa tôi thuộc làu làu “Kinh Lăng Nghiêm”, bây giờ tôi quên sạch. Vậy mới gọi là “nhất môn thâm nhập”. Có người tụng bốn loại Kinh khác nhau trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Xuân họ tụng “Kinh Cầu An Trường Thọ”, mùa Hạ họ tụng “Kinh Địa Tạng” để cầu siêu cho cửu huyền thất tổ, mùa Thu họ tụng “Kinh Dược Sư”... Người hiện tại không còn là “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” mà là “giáo chi đạo, quý dĩ bác”, bác học đa năng, học nhiều nghe nhiều. Họ chú trọng ở chỗ học rộng nghe nhiều. Họ nghe thấy tên tuổi vị Tiến sĩ này, nghe thấy tên tuổi vị Tiến sĩ kia thì liền tìm đến để học. Người không có bằng Tiến sĩ thì họ không đến học. Người có nhiều bằng cấp thì họ đến theo học rất đông.

Hòa Thượng nói: “Đạo chú trọng ở chữ “chuyên”. Thế gian cũng chú trọng chữ “chuyên”. Chúng ta tìm đường thoát sanh tử, nếu không chuyên thì không thành tựu. Người hiện tại không tin tưởng người xưa. Người hiện tại ưa thích học rộng nghe nhiều nhưng khi học rộng thì liền xen tạp, tâm bao chao xao động, không còn thanh tịnh”.

Hôm qua có một nhóm Sư cô năn nỉ mời tôi dạy học tiếng Hán để sau này họ có thể phiên dịch. Họ đã tự học các bài tiếng Hán mà tôi dạy trên trang nhidonghocphat.com. Tôi nói: “Tôi chỉ là một cư sĩ quèn! Học theo tôi thì nghe không được mát mặt”. Họ năn nỉ nên tôi đồng ý, tuần sau tôi sẽ mở lớp dạy chữ Hán. Tôi có cách của tôi. Đó là cái duyên để tôi giới thiệu cho họ Hòa Thượng Tịnh Không. Tôi sẽ dạy họ tâm chân thành, dạy họ tâm thanh tịnh, dạy họ tâm tận trách nhiệm.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Tại sao Ngài lại giảng Kinh Kim Cang, giảng Kinh Bát Nhã?”. Hòa Thượng nói: “Họ không muốn nghe “Kinh Vô Lượng Thọ” cho nên tôi dùng “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải “Kinh Kim Cang”, tôi dùng “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải “Kinh Bát Nhã”.

Hòa Thượng nói: “Xã hội hiện tại, người ta học nhiều thứ, tu học nhiều môn khiến họ cảm thấy khẩn trương, thậm chí phân vân. Nếu bạn không kiên trì thì bạn bị động tâm. Nếu bạn chuyên thì chỉ cần 3 năm bạn có thể xuất đầu. Họ thấy bạn lạ vì bạn chuyên”. Họ nói: “Người ta tu nhiều pháp, trì Chú, tụng Kinh, tọa Thiền. Vậy mà anh chỉ niệm A Di Đà Phật, anh không thấy khô khan nhạt nhẽo à?”.

Nhiều đồng tu nói: “Thầy Vọng Tây chuyên giảng Tịnh Độ”. Điều này đã trở thành “thương hiệu”. Tôi chỉ chuyên dịch đĩa Hòa Thượng Tịnh Không. Hòa Thượng Minh Cảnh - Trụ trì chùa Huệ Quang là người sáng lập ra Hội Phiên dịch Chùa Huệ Quang. Người ta mang sách dịch bài giảng của Hòa Thượng Tịnh Không đến để nhờ Ngài hiệu đính. Ngài nói: “Sách của Hòa Thượng Tịnh Không thì phải nhờ Thầy Vọng Tây hiệu đính”. Hòa Thượng Minh Cảnh gọi điện cho tôi bảo tôi hiệu đính Kinh sách mà họ đã dịch. Lúc đầu tôi trả lời là “con rất bận”, nhưng sau đó tôi đã nhận nhiệm vụ đó vì nếu họ dịch sai, trong khi Kinh sách đến tay mình mà mình không sửa thì mình có lỗi.

Họ đã dịch sai một số chỗ quan trọng. Ví dụ: Hòa Thượng Tịnh Không nói “Phật giáo chính là giáo dục” thì họ dịch thành “Phật giáo chính là Phật giáo”. Hòa Thượng Tịnh Không nói: “Ý niệm quá nhiều thì phiền phức quá lớn”, vậy mà họ dịch là “Niệm Phật quá nhiều thì phiền phức quá lớn”. Tôi tra cứu lại bản gốc chữ Hán thì thấy sai từ bản gốc cho nên người dịch cũng sai.

Hòa Thượng Minh Cảnh bảo họ tìm tôi để dịch đĩa của Hòa Thượng. Tôi tạo được niềm tin đối với trưởng bối. Đó mới là chuyên. Tôi dịch đĩa bài giảng Hòa Thượng thì không cần động não. Hòa Thượng vừa nói câu trước thì tôi đã biết câu sau Ngài sẽ nói gì. Nhiều người đã mời tôi dịch bài giảng của nhiều Thầy khác nhưng tôi từ chối, tôi chỉ dịch duy nhất những bài giảng của Hòa Thượng.

Hòa Thượng nói: “Bạn học một thứ, chuyên một môn, đem một môn này hoằng pháp lợi sanh thì bạn mới có thành tựu, người khác mới thành tựu!”. Chúng ta chỉ nghe lời dạy của Phật Bồ Tát, chỉ nghe lời dạy của Thánh Hiền vì lời dạy của các Ngài đều từ nơi tâm chân thành, tâm thanh tịnh lưu xuất ra. Thánh Hiền nói và làm đều tương ưng với nhau. Chúng ta cần hiểu chỗ này!

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Chúng con chân thành cảm ơn!


Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook