Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng Chủ nhật ngày 14 /11/2021
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 701
“TÍN - GIẢI - HÀNH – CHỨNG”
Hòa Thượng đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại chuyên đề này vì điều này vô cùng quan trọng và cần thiết. Ta học Phật, ta đến với Phật Pháp phải trải qua bốn giai đoạn “Tín – Giải – Hành – Chứng”: (1) Tin rồi hiểu, (2) Hiểu xong rồi hành, (3) Hành xong rồi mới chứng, (4) Chứng thực cho cái tin của mình là đúng, chứng thực cho cái hiểu của mình là đúng, chứng thực cho cái hành của mình là đúng.
Có những người không thông qua bốn giai đoạn này cho nên họ gặp phải trục trặc. Khi gặp phải trục trặc thì họ bỏ luôn pháp tu, bỏ luôn Phật không tin Phật nữa. Bài học hôm nay, Hòa Thượng nói: “Đối với người tu Pháp môn Tịnh Độ thì có thể không cần “Giải”, chữ “Giải” chỗ này đổi thành “Nguyện”, Tín - Nguyện – Hành – Chứng”. Thế gian ai cũng muốn phải hiểu rồi mới làm, nhất là người có nhiều kiến thức thế gian thì sự tìm hiểu và lý giải của họ rất nặng nề.
Từ nhỏ, tôi thấy bà nội niệm Phật thì liền tin theo Bà. Từ nhỏ đến lớn tôi đều niệm Phật theo Bà, khởi tâm yêu thương, từ đó cảm thấy Phật rất gần gũi, từ đó tôi tin theo. Suốt những năm tháng ở bên Bà nội, tôi cũng nghe được rằng niệm Phật để tiêu tội, niệm Phật để vãng sanh nhưng tôi thực sự không hiểu. Đến khi dịch Pháp của Hòa Thượng, thấy Ngài cả một đời niệm Phật, thấy Thầy của Hòa Thượng là Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng cả một đời niệm Phật, thấy Thầy của Ngài Lý Bỉnh Nam là Lão Pháp sư Ấn Quang - Tổ Sư thứ 13 của Tịnh Độ cũng cả một đời niệm Phật, tôi càng khẳng định cho niềm tin niệm Phật của mình. Cho nên tôi không cần truy tìm nữa. Bây giờ cho dù có người nói như thế nào cũng không lay động được tôi bởi vì tôi có một cơ sở niềm tin rất vững chắc đối với Phật.
Hòa Thượng nói: “Người học Phật thì phải thông qua Tín – Giải – Hành – Chứng. Nhưng người chuyên tu hành theo Pháp môn Tịnh Độ thì không cần chữ “Giải”, mà đổi chữ “Giải” thành chữ “Nguyện”: Tín – Nguyện – Hành – Chứng”. Hòa Thượng đã tin sâu nguyện thiết rồi, cả một đời của Ngài từ khi tiếp nhận được pháp môn Tịnh Độ từ nơi Thầy của mình, Ngài miệt mài hành trì. Cho nên Ngài tin sâu, Ngài nói có cơ sở rất rõ ràng. Lúc đầu Ngài không tin Tịnh Độ. Khi đó Ngài giảng rất nhiều Kinh Pháp, Ngài cũng chưa tha thiết lắm đối với pháp môn Tịnh Độ. Lúc đang giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, Ngài tìm hiểu thì thấy bậc đại trí như Văn Thù, bậc đại hạnh như Phổ Hiền, hai vị Bồ Tát này đều tu Pháp niệm Phật và đã vãng sanh. Lúc đó Hòa Thượng mới hoàn toàn sực tỉnh và tin theo Tịnh Độ. Niềm tin của Ngài có một cơ sở rất vững chắc.
Ngày hôm nay, chúng ta tin theo Tịnh Độ không phải vì chúng ta lật hết Kinh Tạng ra để tìm hiểu. Tôi đã dùng hơn 30,000 giờ để dịch đĩa Hòa Thượng và tin theo Hòa Thượng. Ngài đem “Kinh Vô Lượng Thọ” ra để giảng giải tất cả các Kinh. Tôi thấy Hòa Thượng có niềm tin sắt đá đối với Tịnh Độ, từ những năm bắt đầu giảng Kinh cho đến mãi bây giờ khi đã già yếu rồi không thể giảng nữa, Ngài vẫn một mực tin sâu Tịnh Độ, không hề thay đổi, không hề lay chuyển. Hòa Thượng học triết học với Ngài Phương Đông Mỹ, Hòa Thượng học với Chương Gia Đại Sư - Tổ Sư của Mật Tông, sau cùng Hòa Thượng đến với Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam cả đời niệm Phật. Hòa Thượng có cơ sở rất vững chắc.
Hòa thượng giải thích rất rõ ràng: “Tu trì trong nhà Phật, các pháp môn tu học thông thường phải trải qua trình tự TÍN – GIẢI – HÀNH – CHỨNG. “Giải” ở trước “Hành”, hiểu trước sau đó mới hành. “Hành” là hành cái bạn đã tin, hành cái bạn đã hiểu. “Chứng” là chứng cái bạn đã hành, chứng cái bạn đã hiểu, chứng cái bạn đã tin. Nó hoàn toàn tương ưng nhau thì mới là “Chứng”. Chúng ta thấy, có nhiều người hành pháp nhưng không hoàn toàn tương ưng, nếu không hoàn toàn tương ưng thì sai rồi.
Hòa Thượng nói: “Trong bài kệ khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Chân thật đây không phải là việc dễ làm. Nếu chúng ta y theo phương thức này thì đối với chúng sanh thời Mạt Pháp rất khó thành tựu. Cho nên Di Đà, Thế Tôn đại khai phương tiện, chỉ cần tin, chỉ cần hành thì có thể thành tựu. Bạn không cần giải”. “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, có nghĩa là muốn hiểu cho thật rộng, hiểu cho thật sâu về ý nghĩa chân thật của Phật, học rộng hiểu nhiều về Phật thì khó thành tựu đối với chúng sanh thời Mạt Pháp. Ngài muốn nói đến Pháp môn Tịnh Độ.