235Thứ Năm, 11/11/2021, 10:45

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Tư ngày 10/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 700

PHẬT PHÁP LÀ PHÁP CỦA TRÍ TUỆ, NHẤT ĐỊNH KHÔNG PHẢI MÊ TÍN

Giáo dục của Phật bước đầu tiên là dạy chúng sinh “bỏ ác làm thiện”, kế đến là “chuyển mê thành ngộ”, tiếp theo là “chuyển phàm thành Thánh. Thế gian này ai cũng yêu thích và luôn luôn cảm thấy muốn gần gũi những người tốt, những người muốn làm việc thiện. Còn khi ở gần những người thường làm việc ác, luôn muốn hại người thì chúng ta cảm thấy không dễ chịu chút nào. Cho nên Phật Pháp không có một chút nào là mê tín! Nhưng chúng ta nói ra người ta không tin tại vì rất nhiều rất nhiều người làm sai đi hình tượng của người niệm Phật, cho nên khiến cho người ta mất niềm tin. Những người học Phật đa phần thường cầu cúng van xin, nhất là cầu bình an, cầu tai qua nạn khỏi, cầu bệnh tật tiêu trừ, cầu thăng quan phát tài, cầu tất cả mọi thứ ở thế gian này. Họ không cầu tăng trưởng trí tuệ, không cầu mong một đời vượt thoát sinh tử. Sau khi học hết 1200 đề tài, tôi sẽ giải thích về điều này, bây giờ tạm thời chưa nói đến vì nếu giải thích bây giờ thì sẽ có người “tốt nghiệp sớm”.

Hai chữ “Phật Giáo”, tôi đi đâu tôi cũng thường nói: “Phật là Phật Đà, là chỉ một con người hoàn thiện. Vậy thì ai hoàn thiện cũng có thể là Phật, chứ không phải Phật là A Di Đà Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật, hay là Dược Sư Lưu Ly Quang Phật…”.

PHẬT: Ngày xưa, khi các Đại Đức dịch Kinh, không có chữ “Phật” ở trong tiếng Hán. Cho nên người ta đã sáng tạo ra chữ “Phật”, ở bên trái là bộ “nhân đứng” - là con người, bên phải là “Phất”, ghép lại thành chữ “Phật”. Phật từ đâu mà ra? Phật từ con người mà thành. Cho nên Phật là chỉ cho sự hoàn thiện. Ai đủ tiêu chuẩn, tư tưởng hành vi sự nghiệp của người đó có thể làm mô phạm cho thế nhân thì người đó được gọi là “Phật”.

GIÁO:Giáo” là giáo dục, giáo dục người người đều trở thành Phật, dạy con người ta ai cũng có thể đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn, đó là quả vị Phật. Vậy thì Phật Pháp là Pháp của trí tuệ, rõ ràng như vậy, hoàn toàn không có một chút mê tín. Trong tất cả các Kinh, Kinh điển nhiều quá nên chúng ta không thể đọc hết nhưng trong nhiều năm tôi dịch đĩa Hòa Thượng, tôi chưa thấy một chỗ nào là cầu khẩn van xin, mà tất cả đều phải là “tự hành", sau đó là “hóa tha”. “Tự hành” là tự mình làm, tự mình thay đổi tập khí xấu ác của chính mình, sau đó “hóa tha” là nhắc nhở, dạy bảo, khuyến khích người khác làm để bỏ đi tập khí xấu ác.

Trước đây, khi tôi dạy lớp gia giáo ở Vũng Tàu, tôi đã nói với học trò: “Nếu như có thể đem hết kiến thức mà tôi đã học để truyền dạy cho 70 người trong lớp này bằng cách truyền nội công thì dù trở thành một người tàn phế tôi cũng sẵn lòng. Tại vì một mình tôi không thể đủ sức làm được nhiều hơn, nhưng 70 người này tỏa đi khắp muôn phương thì lợi ích chúng sinh sẽ rất lớn, nên tôi sẵn sàng trở thành người tàn phế để truyền hết nội công cho mọi người”. Nhưng không thể truyền nội công mà được, không thể van xin, không thể cầu cúng, nịnh bợ, lo lót mà được, tất cả đều phải tự mình nỗ lực, khổ luyện. Vậy thì có chỗ nào là mê tín đâu! Nhưng vì chúng ta nhiều người đã làm sai, làm mất hình tượng nên khiến cho người ta hiểu sai. Mình dạy người ta đừng tham nhưng mình vẫn tham, mình dạy người ta đừng tự tư ích kỉ nhưng mình vẫn tự tư ích kỉ, mình dạy người ta đừng danh vọng lợi dưỡng, mình dạy người ta đừng đắm chìm trong ngũ dục nhưng chính mình đắm chìm trong ngũ dục. Vậy thì chẳng phải là gạt người hay sao!

Điều tệ hại nhất của người giảng Phật Pháp chính là ở chỗ mượn lời của Phật, lời của Bồ Tát để nói, mượn lời của Thánh Hiền để nói cho người khác làm còn chính mình thì không làm. Đó là điều tệ hại nhất, tội này rất lớn vì làm hư đi hình tượng của Phật, thậm chí làm hư đi hình tượng của người học Phật. Năm 2010, năm 2011 và năm 2012 tôi đều đến tham gia các khóa niệm Phật ở Singapore. Tôi thấy các đồng tu bên đó phiền trách các Phật tử Việt Nam. Ban Tổ chức họ đã quy định ăn chỗ nào, ngồi chỗ nào, ăn xong thu dọn như thế nào, nhưng các Phật tử Việt Nam không tuân thủ. Thậm chí có người lấy rất nhiều thức ăn rồi bỏ thừa khiến người ta cảm thấy vô cùng kì lạ và khó hiểu. Khi họ nói thì những đồng tu Việt Nam không nghe được, nhưng tôi hiểu được. Tôi nói với những đoàn tham dự pháp hội: “Tôi là Vọng Tây cư sĩ! Tôi chân thật nói với các vị rằng chúng ta phải hết sức cẩn thận, khéo léo, vì những hành vi thô tháo của chúng ta làm mất đi hình tượng của Phật tử Việt Nam. Trong khi Việt Nam có rất nhiều người tu hành rất tốt, đạo hạnh rất cao, trời người cung kính mà chúng ta làm mất đi hình ảnh của Phật tử Việt Nam thì tội này không hề nhỏ! Vì ở đây là quốc tế, người ta sẽ đánh giá Phật tử Việt Nam nói chung chứ người ta không nói đến cá nhân! Chúng ta đừng làm xấu đi hình tượng của đồng tu Việt Nam, Phật tử Việt Nam!”

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook