220Chủ Nhật, 14/11/2021, 07:25

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Năm ngày 11/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 701

“NGƯỜI KHÔNG CÓ TRÍ TUỆ CHÂN THẬT LÀ ĐÁNG THƯƠNG”

Phật pháp chú trọng trí tuệ, không chú trọng tri thức. Trí tuệ có thể hình thành từ nơi tâm thanh tịnh. Tri thức chỉ là tri thức học được ở thế gian, đầy phiền não, vọng tưởng. Trí tuệ mới có thể phân biệt được tà chánh, phải quấy, tốt xấu. Tri thức đối với vấn đề này bị hạn chế.

Hòa Thượng nói: “Người hiện đại tin tà, không tin chánh”. Như vậy không có trí tuệ. Chúng ta tưởng rằng người không có tri thức dễ bị gạt, thật ra người có tri thức Cao Đẳng, học vị Tiến sĩ vẫn bị gạt. Chúng ta thấy lời nói của người xưa đã được ấn chứng bởi thời gian và không gian, biết bao người hành trì thành tựu nhưng người ngày nay không tin. Người ngày nay chỉ tin khoa học, có khoa học minh chứng thì họ mới tin. Có những điều mà khoa học mãi mãi không thể tìm ra, đến khi khoa học tìm ra thì họ mới vỡ òa. Ví dụ: Một nhà khoa học phát minh ra rằng vật chất bằng không, có nghĩa là khi vật chất đi đến tốc độ cao hơn tốc độ của ánh sáng bao nhiêu đó thì nó sẽ tan biến. Phát minh đó được nhận giải thưởng Nobel. Nhưng khi họ đọc đến Phật Kinh, trong “Kinh Đại Bát Nhã”, Phật đã nói hơn 1000 lần “sắc tức thị không” (vật chất bằng không) thì họ rất ngạc nhiên. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trước họ hai ngàn năm.

Một lần, tôi đến tham dự một hội thảo với đề tài nghiên cứu khoa học là giáo dục trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Tôi đưa một đứa bé lên sân khấu, đứa bé cúi đầu 90 độ chào mọi người cung kính rồi đọc làu làu bài thơ “Phép Tắc Người Con”: “Cha Mẹ gọi, trả lời ngay. Cha Mẹ bảo, chớ làm biếng…”. Sau khi đọc xong, đứa bé lại cúi đầu 90 độ chào mọi người rất cung kính rồi đi xuống. Cả hội trường rất ngạc nhiên. Người ta cho rằng đây là công trình nghiên cứu khoa học nhưng thật sự việc đó Thánh Hiền xưa đã nói từ rất lâu. Các Ngài không chỉ nói đến giáo dục từ 0 tuổi mà còn chú trọng giáo dục từ khi hình thành thai nhi, gọi là “thai giáo”. Thậm chí, người xưa còn chú trọng giáo dục trước khi có thai, để chuẩn bị làm Cha làm Mẹ thì phải học cách làm thế nào để làm Cha làm Mẹ. Chúng ta thấy đó! Người xưa nói thì họ không tin, nhưng khi được coi đó là công trình khoa học thì họ mới tin.

Hòa Thượng nói: “Người không có trí tuệ mới chân thật đáng thương!”. Trí tuệ có được từ tâm thanh tịnh. Muốn có tâm thanh tịnh thì phải trải qua “thanh tâm quả dục”, sống một cuộc sống thanh tịnh, ít muốn, biết đủ, ít tham cầu. Cho dù chúng ta có những cái thấy, cái nhìn rất tốt, được xã hội công nhận nhưng chúng ta vẫn phiền não, bất an, bởi vì trong lòng chúng ta không có “tri túc, thiểu dục” (biết đủ, ít muốn). Người có trí tuệ biết hạn chế mong cầu, đời sống thanh đạm, ít muốn, biết đủ nên đời sống tự tại, thư thái.

Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay nghe gạt chứ không nghe khuyên, nghe tà chứ không nghe chánh”. Bởi vì theo chánh thì phải hạn chế sự ít muốn, biết đủ, phải tu tâm, tu thân, tu ý, thân – ngữ - ý đều phải hạn chế. Theo tà thì không cần hạn chế tập khí phiền não của chính mình, thậm chí được thỏa mãn tập khí phiền não của chính mình. Kể cả người tu hành cũng bị chìm trong danh vọng lợi dưỡng, không thoát ra được. Họ tự cho rằng mình phải được như vậy, nên được như vậy, xứng đáng được như vậy. Vậy thì tiêu rồi! Người xưa chú trọng “thanh tâm quả dục”, tâm phải thanh tịnh, ít muốn, biết đủ, hạn chế thấp nhất dục vọng mong cầu của mình. Người xưa có câu: “Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao”, khi con người đạt đến chỗ không mong cầu thì phẩm chất giá trị, phẩm chất đạo đức, giá trị nhân cách của chính mình sẽ tự nâng cao.

Cái gì hạn chế dục vọng, tập khí của chúng ta thì chúng ta rất khó chịu. Cái gì tùy tiện, thỏa mãn, vun đắp cho tập khí của chúng ta thì chúng ta vui lắm. Người ta khen một câu thì chúng ta vui mấy ngày, người ta chê một câu thì chúng ta buồn mấy ngày. Chúng ta vui thì quên nhanh, giận thì nhớ lâu. Cho nên tu hành nhà Phật phải luôn luôn phản tỉnh, tỉnh thức, đó chính là sự giác ngộ. Giác ngộ không phải là một ngày nào đó ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, ngồi dưới gốc xoài. Giác ngộ là luôn kiểm soát từng khởi tâm động niệm của chính mình. Người ta cảm thấy mệt mỏi, phiền phức khi phải hạn chế bản thân. Người ta từ lâu đã quen với sự thỏa mãn, túng tình, tùy theo theo tập khí của mình, bây giờ phải hạn chế thì cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Có người nói: “Thưa Thầy, con kinh doanh buôn bán nên không thể nói thật”. Thật ra, nói thật không hề thiệt thòi. Ngày xưa tôi đi chợ buôn bán, vừa ngồi bán hàng vừa tranh thủ dịch thuật. Tôi bán đúng giá, không bớt, không mặc cả, không hồ hởi đon đả chào đón khách, không bán hàng giả mà bán hàng chất lượng tốt. Lúc đầu họ cảm thấy khó chịu, sau đó họ quen và chỉ thích mua hàng tôi bán.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook