207Thứ Ba, 09/11/2021, 13:06

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Hai ngày 08/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 698

“DO DỰ KHÔNG QUYẾT ĐỀU LÀ DO NIỀM TIN KHÔNG SÂU”

Do dự không quyết đều là do có lòng tin nhưng không sâu, niềm tin chưa sâu vì chưa thấu hiểu. Có thể nói lúc này chúng ta là những người may mắn nhất. Chúng ta được học Phật pháp một cách đều đặn, vững vàng, ổn định. Hôm qua tôi thiết lập lại phòng học, một bên là tự hành, có không gian ngồi đọc sách, một bên là hóa tha.

Hôm qua tôi ngồi đọc sách về Tịnh Độ và vô cùng cảm xúc! Người xưa chắt chiu từng lời dạy, vô cùng tha thiết nhưng ngày nay mấy người đọc mà hiểu! Làm thế nào để đem niềm tin của người xưa truyền đến thời nay? May là trước đây tôi đã dùng hết tâm lực để phiên dịch những bài giảng của Hòa Thượng, nhưng thực sự cũng không thấm là bao. Những lời dạy của Ngài Liên Trì, những lời dạy của Ngài Ngẫu Ích, những lời dạy của Ngài Thiện Đạo, chúng ta nghe thì liền biết vì sao mình không vãng sanh. Tôi muốn chia sẻ ngay lập tức với mọi người nhưng tôi để từ từ vì sợ mọi người chưa tiếp nhận được ngay thì sẽ bỏ học.

Hôm qua tôi nghe Hạnh Quang nói: “Thầy ơi, tất cả những cao thủ tu Tịnh Độ bây giờ đi luyện tái tạo tế bào gốc. Tại sao họ không dùng một câu A Di Đà Phật để đổi tế bào chúng sanh thành tế bào Phật mà lại đi đổi tế bào phàm phu lấy tế bào phàm phu?”. Đó chính là niềm tin hời hợt! Có người nghe pháp Hòa Thượng 10 năm, niệm Phật 10 năm, sau đó đi tu Thiền Vipassana, rồi bây giờ lại đang ngày ngày ngồi tiếp nhận năng lượng để tái tạo tế bào gốc, để hàng ngày ngồi Thiền để phóng điện trị bệnh cho những người ở phương xa.

Thầy Ngộ Phương là tiến sĩ Phật học, trước đây Thầy đã dành mười mấy năm tu Thiền Vipassana, đã từng chỉ muốn tu Thiền ở trong thất cho đến chết. Bây giờ Thầy đã quay về tu Tịnh Độ. Thầy nói: “Ai mà muốn bỏ niệm Phật để đi tu Thiền thì gặp tôi, tôi sẽ nói cho nghe”. Một người tuổi trẻ tài cao như Thầy mà bây giờ mỗi ngày dành thời gian để niệm Phật từ 7 -8 tiếng thì thực sự là rất đáng kính nể!

Hòa Thượng nói: “Do dự không quyết, không chọn cho mình một pháp môn để dùng hết tâm lực vào nó để ta tin sâu, ta nguyện tha thiết và ta hành miên mật”. Tôi từ lâu rất an ổn về pháp tu. Tôi chỉ trăn trở dùng phương pháp này, dùng phương pháp khác để giáo dục người ta đến với Tịnh Độ. Từ nay về sau, mỗi ngày tôi sẽ viết một câu bằng chữ Hán để xiển dương Tịnh Độ, đăng clip viết chữ Hán đó trên trang web nhidonghocphat.com. Họ muốn học chữ Hán thì phải học Phật pháp, phải học chuẩn mực làm người. Người ta dạy ngoại ngữ mà “vô sở thất tùng” không có chỗ nương về thì dạy để làm gì? Chúng ta dạy và học đều có chỗ nương về, đó là Phật pháp. Từ lâu, chúng ta đề xướng học tập chuẩn mực của người xưa, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, cả Cô và trò đều được lợi ích. Hôm qua là ngày sinh nhật của một Cô giáo trong Hệ thống. Mẹ của Cô được Hệ thống chúc mừng sinh nhật bằng một lẵng hoa rất đẹp. Cụ rất vui! Đó là lẵng hoa của sự tri ân! Cụ cảm nhận được sự ấm áp, nồng nàn, rất tuyệt vời! Đây là tôi nhắc nhở mọi người học theo trí tuệ của người xưa. Dạy và học thì phải có chỗ nương về! Người ta dạy và học nhưng phiền não, hỗn độn, không an tâm, “vô sở thất tùng”, không có chỗ nương về.

Các vị thấy không? Toàn sách hữu ích: “Thiện Đạo Đại Sư khai thị”, “Ngẫu Ích Đại Sư khai thị”, “Liên Trì Đại Sư khai thị”, khai thị của Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, sách của Hòa Thượng Tịnh Không thì rất nhiều. Chúng ta đã có pháp tu, đã có môn học thì phải nỗ lực mà tinh tấn, không do dự. Hồi xưa có một Sư cô đã phiên dịch bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”. Bấy lâu nay tôi không nỡ đốt nhưng hôm qua tôi đã đốt đi. Những gì không được thừa nhận thì phải đốt đi. Bởi vì người dịch “Kinh Vô Lượng Thọ” nhưng không niệm Phật, tối ngày nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Nếu tôi thấy người đó một lòng một dạ chuyên tu Tịnh Độ thì tôi sẽ dành thời gian để xem cuốn sách đó. Nếu không thì cuốn sách này đưa ra khác nào đi gạt người ta.

Chúng ta tu học, sự truyền thừa, sư thừa vô cùng quan trọng. Tôi từ nhỏ lớn lên đã thấy Bà nội niệm Phật. Vô hình chung, câu “A Di Đà Phật” đã khắc sâu vào tâm khảm của tôi. Bà nội đưa tôi đến chùa. Tôi tụng Kinh, niệm Phật cùng với các cụ. Lúc đó tôi không hiểu đạo lý, không hiểu nghĩa lý gì nhưng cũng ngồi lần tràng hạt niệm Phật cùng các cụ. Suốt nhiều năm liền, tôi dịch đĩa Hòa Thượng Tịnh Không. Ngài thông tông thông giáo, giảng “Kinh Bát Nhã”, giảng “Kinh Kim Cang”, nhưng chủ yếu Ngài đem “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải những Kinh đó. Ngài nói: “Bạn có đủ cam đảm suốt cuộc đời này chỉ một câu A Di Đà Phật không?”. Đại đạo của Phật Bồ Tát dừng ở “chỉ ư chí thiện”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook