179Chủ Nhật, 31/10/2021, 19:14

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng Chủ nhật ngày 31/10/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 690

“ẨN ÁC DƯƠNG THIỆN”

Ẩn ác dương thiện” là ẩn đi cái xấu, khoe cái tốt. Như vậy có trái nghịch với bài học hôm trước không?

Bài học hôm trước chúng ta học là: “Tán thán hay hủy báng người khác đều dẫn đến đọa lạc”. Chúng ta chê bai người khác khi họ chưa đủ cảnh giới để tiếp nhận khiến họ sân hận, sẽ tạo oán thù với chúng ta. Chúng ta khen ngợi người khác khi tâm họ chưa có định lực, khiến họ mất đi cảnh giác, tăng tâm ngạo mạn thì cũng là hại họ. Cho nên chê bai hay khen ngợi cũng đều dẫn đến đọa lạc.

Bài học hôm nay muốn nói đến việc không nên nói nói ra điểm xấu của người khác khi chưa hội đủ điều kiện, nếu họ làm việc tốt thì nên khen để khuyến khích người làm việc thiện. Chúng ta phải hiểu muốn khen hay chê người khác thì cần có trí tuệ, không thể tùy tiện mà khen chê. Hòa Thượng nói: “Người tám gió thổi không động thì chúng ta mới khen. Người tám gió thổi không động thì chúng ta mới nên chê”. Người có trí tuệ, có công phu tu hành thì mới biết lúc nào nên khen, lúc nào nên chê.

Hòa Thượng nói: “Tán thán và hủy báng đều dẫn đến đọa lạc”. Đây thuộc về phạm trù đối với người đã học Phật, đã tu tập. “Ấn ác dương thiện”, khen cái tốt, che cái xấu thuộc về phạm trù thế gian, đối với người chưa học Phật, chưa biết tu. Đây là hai phạm trù, hai phạm vi khác nhau. Chúng ta không nên nhầm lẫn mà cần hiểu rõ.

Thế gian này nhiều người làm việc ác. Họ thường xuyên làm việc ác nhưng khi họ khởi tâm làm thiện thì chúng ta nên động viên, khích lệ. Ví dụ họ bất hiếu Cha Mẹ, ngỗ nghịch Cha Mẹ nhưng có những lúc biết quan tâm đến Cha Mẹ thì chúng ta nên nhân cơ hội đó để khen. Hôm trước, tôi đến thăm một gia đình. Họ biết tôi đến thăm để tặng quà. Khi người con rót nước mời khách, anh ấy lấy 3 ly nước giống nhau, đầu tiên mời Mẹ trước, sau đó mời tôi, cuối cùng mời người đi cùng với tôi. Tôi vừa khen vừa nhắc nhở khéo: “Cụ lớn tuổi rồi, được ở với con trai, có con trai chăm sóc thế này thì tốt rồi! Cha Mẹ chỉ mong có con hiếu hạnh. Phận làm con phải biết hiếu hạnh, hiếu thảo với Cha Mẹ”.

Dương thiện” là khen cái tốt của người nhưng phải hết sức khéo léo và trí tuệ. Cái tốt đó phải hướng thiện, chánh tâm thì chúng ta mới khen. Nếu cái tốt đó vẫn có tự tư hoặc danh vọng, lợi dưỡng mà chúng ta lại khen thì chẳng khác nào chúng ta đồng tình với họ. Họ toàn nói những lời vọng tưởng của họ, mê hoặc chúng sinh mà chúng ta lại tùy tiện khen họ “hôm nay thuyết trình hay đấy!” thì chúng ta lừa gạt chúng sinh.

Trong đạo lý khen chê, Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Người khen chê phải là người có trí tuệ, có đức hạnh”.

Tôi giải thích một chút để mọi người không hiểu lầm. “Ẩn ác”, che cái xấu không phải là bao che. Chúng ta thấy họ ăn cắp mà chúng ta không thể nhắc thì chúng ta không nên để cho họ nhìn thấy chúng ta. Bởi vì họ nhìn thấy chúng ta rồi sinh ra thù oán. Vì vậy chúng ta tránh đi để họ không nhìn thấy. Nếu họ thích lấy đồ của người khác, trong khi chúng ta thì ngày ngày mang đồ đi tặng thì họ sẽ tự phản tỉnh: “Mình thì lấy đồ của người khác, ông ấy thì cứ cho tặng vô điều kiện”. Ngày ngày, khi mang rau củ quả đi tặng, tôi luôn chọn rau củ tươi ngon để dành tặng mọi người, tôi để lại những rau trái xấu hơn để mình ăn. Chúng ta trong vô hình chung đã gián tiếp giáo hóa họ.

Ẩn ác” không phải là che giấu cái ác, không phải là đồng tình với cái ác mà là chưa đúng cơ hội thì không nên nhắc, không tùy tiện nhắc. Chúng ta phải biết đạo lý này, nếu không thì không những không độ được người ta mà còn tạo thêm oán thù. “Dương thiện” là trong vô số việc ác mà họ làm, chỉ có một việc tốt hiếm hoi thì chúng ta nhắc đến việc tốt mà họ đã làm. Chúng ta không tùy tiện khen để không tạo sự hiểu lầm. Ví dụ, họ chuyên đi đào đất lấn chiếm. Một lần họ đắp đất làm bờ trên đường đi công cộng ở gần nhà của họ. Tôi nói: “Hôm nay anh làm công tác xã hội! Tốt quá!”.

Chúng ta là những người học Phật, học Văn hóa truyền thống thì phải có tầm nhìn xa trông rộng, phải có cái nhìn trí tuệ. Chúng ta chỉ làm những việc chân thật mang lại lợi ích cho chúng sinh, chân thật lợi ích cho quốc gia, cho dân tộc. Nơi nào không tốt thì chúng ta không đến. Nếu chúng ta đến những nơi không tốt thì chúng ta vô tình đã khẳng định họ. Đối với những buổi lễ, những buổi tiệc tùng, chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Một lần, tôi được mời sang Mỹ để giảng. Tôi đi gần 8 tiếng đồng hồ mới đến nơi đó. Nhìn từ xa, tôi thấy họ treo những lá cờ không phù hợp, tôi liền quay về, không tham gia buổi giảng ở đó nữa.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook